Những địa điểm khó bỏ qua ở Nam Định

Ngoài kinh đô thứ hai nhà Trần, đến Nam Định, bạn không nên bỏ qua đền vua Đinh, đền Trần hay những ngôi chùa cổ.
Những di tích lịch sử khó bỏ qua ở Nam Định
Ngoài kinh đô thứ hai nhà Trần, đến Nam Định, bạn không nên bỏ qua đền vua Đinh, đền Trần hay những ngôi chùa cổ.

Địa điểm tham quan

Được biết đến như kinh đô thứ hai của nhà Trần, thành phố Nam Định thu hút du khách với hàng loạt cung điện, thành quách in dấu một thời vàng son, nổi bật nhất là thành cổ Nam Định. Khác với thành Gia Định có 8 cửa, thành Hà Nội có 5 cửa, thành Nam Định chỉ có 4 cửa, mỗi cửa mở ra các góc nhìn khác nhau với những nét đặc trưng khác nhau. Sau khi tìm hiểu về kiến trúc, thiết kế, bạn còn có dịp thưởng ngoạn hàng loạt các công trình phụ bên trong để tìm hiểu một thời kỳ phát triển vàng son của thành phố này là Cột cờ, Trường thi, Văn Miếu, đình Vọng Cung…

Bên cạnh dấu ấn của các vua thời Trần, Nam Định cũng sở hữu quần thể các di tích thờ vua Đinh Tiên Hoàng gồm Đền Vua Đinh (Yên Thắng), đền Thượng, đình Thượng Đồng, đình Cát Đằng ở Yên Tiến, Ý Yên và đền Vua Đinh ở làng việt cổ Bách Cốc, Vụ Bản…

Bình minh thanh bình.

Sẽ sai sót nếu nhắc đến dấu ấn của các vua mà không nhắc đến các công trình, di tích lịch sử mang đậm dấu ấn văn hóa, con người của vùng đất này như đền Trần, nơi vào đúng giờ Tý rằm tháng Giêng hàng năm có lễ Khai Ấn; hội Phủ Giầy, chùa Vọng Cung, chùa Keo (Hành Thiện), chùa Cổ Lễ (nơi tu hành của ba vị Nam thiền tam tổ); phủ Quảng Cung (Phủ Nấp); chùa Phổ Minh; hàng loạt mộ của các văn sỹ như mộ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, mộ nhà thơ Tú Xương hay những kiến trúc Pháp còn sót lại của nơi này như nhà thờ Khoái Đồng, trường Nguyễn Khuyến, nhà máy dệt…

Đến Nam Định, bạn còn được vẫy vùng ở Thịnh Long, bãi biển tuyệt đẹp với cát mịn, nước trong, sóng nhẹ, hàng phi lao xa ngút tầm mắt mang đến vẻ đẹp thuần khiết, khoáng đạt hay hiêm ngưỡng các bức tranh tuyệt đẹp của thời gian in bóng trên dòng nước, thưởng thức bữa tiệc hải sản tươi ngon bên bếp lửa cùng bạn bè, người thân.

Chùa Cổ Lễ

Nếu cảm thấy chưa “đã” ở biển Thịnh Long, bạn có quyền hy vọng và mong chờ ở chuyến phiêu lưu, khám phá vườn quốc gia Xuân Thủy, hòa mình vào thiên nhiên với cây xanh, nước mát, tiếng gió rì rào, tiếng chim ríu rít.

Bên cạnh đó, bạn có thể dong xe tạt ngang hàng chục điểm đến thú vị của Nam Định như làng nghề La Xuyên, phế tích Tháp Chương Sơn, cầu ngói Bình Minh, ngôi nhà số 7 Bến Ngự, Mẫu Liễu Phủ Nấp, Lăng mộ cổ ở Nam Định…

Nhà thờ Chính Tòa Bùi Chu

Nhà thờ Phú Nhai

Di chuyển

Bằng phương tiện công cộng

Lấy Hà Nội làm điểm xuất phát. Có ba phương tiện để bạn có thể đến Nam Định là xe khách, tàu lửa hay đường thủy. Mỗi phương tiện có lịch trình khác nhau, giá vé khác nhau, vì thế bạn nên tham khảo cũng như đặt vé trước.

Đến Nam Định thì thuê xe ôm, xe máy hay taxi để đến thăm các danh thắng.

Bằng phương tiện cá nhân

Thành phố Nam Định cách Hà Nội 90km, khoảng cách lý tưởng cho một chuyến phượt trong ngày tham quan một vài địa điểm đã xác định hay một chuyến đi dài ngày để khám phá hết vẻ đẹp của Thành Nam, những bãi biển, di tích lịch sử.

Cầu Ngói Chợ Lương

Khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân nên mang theo đầy đủ giấy tờ, tuân thủ luật an toàn giao thông đường bộ. Mang bao tay, khẩu trang, kính mát. Trang bị điện thoại có chức năng google map để tiện di chuyển.

Hồ Vị Xuyên

Cột cờ Thành Nam

Đến vào thời điểm nào?

Bất kỳ thời điểm nào Nam Định cũng đẹp nhưng nếu đến vào dịp rằm tháng Giêng, bạn sẽ được hòa mình vào lễ hội Khai Ấn lớn nhất nhì tỉnh.

Lưu trú

Một số khách sạn,nhà nghỉ bạn có thể tham khảo trước khi đến Nam Định là khách sạn Nam Định, khách sạn tại bãi biển Thịnh Long, nhà nghỉ Công Đoàn. Lưu ý đặt phòng trước khi đến.

Đặc sản Nam Định

Nam Định có nhiều đặc sản nổi tiếng như gạo tám xoan, chuối ngự, gạo nếp cái hoa vàng Hải hậu, phở bò, bánh gai, kẹo dồi, bánh đậu xanh, bánh nhãn, kẹo Sìu Châu (kẹo lạc Nam Định), bún chả Thành Nam, nem nắm Giao Thủy, nem Chạo Giao Xuân – Giao Thủy, gỏi nhệch và cá nướng rơm Hải Hậu, rượu Bỉnh Ri – Giao Thịnh.

Bảo Tàng Đồng Quê Nam Định

Cầu Thượng ở làng Kênh, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh, Nam Định) được xây vào đời Lý sau khi triều đình cho đào một con kênh dẫn nước từ sông Hồng vào để tưới tiêu cho cả một vùng thuộc trấn Sơn Nam hạ.

Mang gì khi đến Nam Định?

Tất cả các trang phục, giày dép tùy thích. Nhưng lưu ý diện trang phục kín đáo, lịch sự khi đến thăm các di tích, đền chùa.

Mang dụng cụ chống nắng nếu đến vào mùa nắng và dụng cụ đi mưa nếu đến vào mùa mưa.

Mang theo thuốc trị các bệnh căn bản.

Mang theo lều, áo khoác hay chăn mỏng, nồi nếu muốn cắm trại.

Các cung đường thường gặp

Hà Nội – Nam Định- Thái Bình

Hà Nội – Nam Định – Hà Nam

Hà Nội – Nam Định – Ninh Bình

Hà Nội – Nam Định – Thái Bình – Ninh Bình – Hà Nam

Huỳnh Hằng – Newzing.vn

Tin liên quan