Lên Kế Hoạch “Ăn Chơi” Nam Định Mùa Hè Tới Nào

Mùa hè nóng nực sắp đến, tôi quyết định dành cho mình những ngày nghỉ phép cuối cùng của năm để đi xả stress. Sau khi suy tính và cả tham khảo trên Internet, tôi quyết định chọn trở lại Nam Định, kinh đô thứ hai của nhà Trần. Ở Nam Định tôi vừa có thể hòa mình vào thiên nhiên, được bay nhảy giữa đồng quê và cũng được trầm lòng trước những di tích lịch sử, kiến trúc tôn giáo tuyệt đẹp.

Ở Nam Định tôi vừa được hòa mình vào thiên nhiên – Ảnh: Hệ Trân Văn

Vừa được thăm những công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc

Tôi đã từng đến Nam Định một lần, cách đây hơn một năm, nhưng khi đó chưa được khám phá hết các ngóc ngách nơi này vì thời gian hạn hẹp. Lần này tôi quyết định đi hết cho thỏa chí. Danh sách “ăn và chơi” đất Nam Định của tôi đã có đủ. Bạn nào cũng có ý định phiêu lưu thì tham khảo nhé.

PHƯƠNG TIỆN VÀ KHÁCH SẠN
Để đến Nam Định, du khách có thể đi ô tô, tàu hoặc đi xe máy (Nam Định cách Hà Nội khoảng 90km, rất hợp cho chuyến phượt cùng bạn bè). Riêng tôi, tôi chọn đi tàu từ Hà Nội đến thành phố Nam Định. Tại đây tôi sẽ thuê xe máy của khách sạn để rong ruổi các cung đường miền đồng xanh bát ngát.
NHỮNG NƠI NHẤT ĐỊNH SẼ ĐẾN
Nam Định có quá nhiều nơi để tham quan, vui chơi. Trong chuyến đi này của mình, tôi chọn các điểm đến sau:
1. BIỂN LONG THỊNH
Bãi biển Long Thịnh ở huyện Hải Hậu tuyệt đẹp với cát mịn, nước trong, sóng nhẹ mang đến vẻ đẹp khoáng đạt. Bãi biển Long Thịnh cũng là nơi tôi có thể quan sát những người dân biển đi bắt tôm cá nhỏ (gọi là đi te), cào ngao hoặc xem thuyền cá về bến bên bờ biển. Nhất định tôi sẽ dậy thật sớm đến biển Long Thịnh ngắm bình minh lên, hòa mình vào làn gió mát của biển khơi.

Bãi biển Long Thịnh – Ảnh: Xuan Duyên

Cách bãi tắm biển Long Thịnh không xa là cánh đồng muối nằm gần nhà thờ đổ. Chỉ cần đi thêm một chút là tôi có dịp tìm hiểu về đời sống của diêm dân. Trên đường đi sẽ dễ gặp nhiều làng chài và chợ cá, mặc sức cho tôi thỏa thuê lưu giữ khoảnh khắc đẹp tại các làng chài.

Trên đồng muối – Ảnh: Minh Duc Nguyen

Hình ảnh thường thấy tại bãi biển Long Thịnh lúc bình minh – Ảnh: Le Bich

2. ĐỀN TRẦN
Đền Trần nằm ở thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, TP. Nam Định. Khu di tích đền Trần rộng khoảng 8ha, nằm ở một thế đất cao, theo thuyết phong thủy xưa thì đó là kiểu đất đẹp, thế phát vương. Đến thăm khu di tích đền Trần, du khách có dịp thả hồn về với cội nguồn, tìm hiểu về một thời lịch sử của nước nhà.

Đền Trần nằm ở Tức Mặc, vốn là mảnh đất dấy nghiệp là quê hương của vương triều nhà Trần – Ảnh: nxhaivn

Cổng chính giữa đền Trần ở trên có hai chữ “Trần Miếu” – Ảnh: Tuấn CaNon

Hàng năm, lễ hội đền Trần diễn ra vào tháng Giêng thu hút đông đảo du khách khắp nơi hội tụ về dự hội lớn.
3. CHÙA KEO HÀNH THIỆN
Chùa Keo Hành Thiện tọa lạc ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đây là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc 400 năm qua.

Chùa Keo Hành Thiện là một ngôi chùa cổ ở Việt Nam – Ảnh: vns360

Không gian chùa Keo Hành Thiện là cả một khu kiến trúc cổ to lớn, bề thế với 13 tòa rộng, hai bên đường kiệu lát gạch, kề liền hai dãy hành lang. Gác chuông chùa Keo Hành Thiện cũng là một sự kết hợp hài hòa của kiến trúc tam quan, làm theo kiểu chồng diêm, dáng vẻ thanh thoát với mái cong, bờ cánh kẻ bảy uốn lượn.

Chùa Keo Hành Thiện có hồ bán nguyệt, soi bóng mái cong uy nghiêm, thơ mộng – Ảnh: Đăng Định

Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc, trong chùa Keo Hành Thiện còn lưu giữ, bảo tồn những di vật cổ có giá trị như những án thư, sập thờ, tượng pháp nhiều chuông khánh, văn bia cổ, hoàng văn phi đối và sách chữ Hán nói về chùa Keo Hành Thiện. Đến chùa Keo Hành Thiện, tôi sẽ có dịp trầm lòng trong tiếng chuông chùa để thấy lòng bình an, thanh thản.

4. VƯỜN QUỐC GIA XUÂN THỦY
Vườn quốc gia Xuân Thủy, thuộc huyện Giao Thủy, là khu dự trữ thiên nhiên với nhiều sinh cảnh độc đáo. Đây cũng là khu vườn đầu tiên của nước ta tham gia Công ước quốc tế Ramsar (Công ước bảo tồn những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi cư trú của những loài chim nước).

Khu dự trữ thiên nhiên vườn quốc gia Xuân Thủy – Ảnh: vns360

Vườn quốc gia Xuân Thủy được ví như “trạm dừng chân” của hàng ngàn con chim di trú trên đường tìm về phương Nam khi mùa đông về và khi chúng quay lại phương Nam khi giá rét qua đi. Ở vườn quốc gia Xuân Thủy những rừng sú, vẹt còn là nơi cư ngụ của mèo biển, cáo biển, rái cá… Dưới nước là các loại cá, tôm, cua, rắn… là nguồn thức ăn phong phú cho các loài chim. Vào mùa hoa sú, vẹt hương thơm tỏa ngào ngạt.

Vườn quốc gia Xuân Thủy là “nhà ga” của chim chóc – Ảnh: John_vn

Đến vườn quốc gia Xuân Thủy, được hòa vào không gian bao la của đất trời, mây nước, hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn giang sơn của những đàn cò, bồ nông, ngỗng đang cần mẫn tìm mồi hay nhởn nhơ bay lượn còn gì tuyệt vời bằng.

Khung cảnh bình dị ở vườn quốc gia Xuân Thủy – Ảnh: Phí Kim Huyên

5. GIÁO XỨ BÙI CHU
Giáo phận Bùi Chu có số giáo hữu đông nhất trong Giáo hội Việt Nam. Đến với Bùi Chu, bạn không chỉ được ghé thăm một xứ đạo lâu đời mà còn được chiêm ngưỡng các nhà thờ với kiến trúc đẹp và ấn tượng. Nhà thờ Bùi Chu là nhà thờ chính tòa của giáo phận Bùi Chu. Đây là một trong những nhà thờ nổi tiếng và lâu năm nhất tỉnh Nam Định.

Nhà thờ chính tòa trước Tòa giám mục Bùi Chu – Ảnh: Tran Tuan Viet

Đây là một nhà thờ cổ ở Nam Định – Ảnh: flickr

Ngoài ra, trong Tòa giám mục Bùi Chu còn có Nguyện đường, có vườn kinh, Phục Sinh đường, đài xét xử, tháp Thăng Thiên… Tất cả các công trình đều có kiến trúc vô cùng độc đáo và đặc biệt.

Nguyện đường – Ảnh: Hải Yến

Phục Sinh đường – Ảnh: Hải Yến

Tháp Thăng Thiên – Ảnh: Hải Yến

CÁC MÓN SẼ THƯỞNG THỨC VÀ MUA VỀ LÀM QUÀ

Nam Định có nhiều đặc sản nổi tiếng, dù đã từng thưởng thức qua vài món, nhưng lần này tôi nhất định dành thời gian thưởng thức hết cho “đã thèm”.

1. HẢI SẢN
Ở Nam Định, có rất nhiều đặc sản biển như cua, ghẹ, tôm. Hải sản ở đây không to như các thành phố du lịch biển khác, nhưng tươi ngon vì được đánh bắt gần bờ. Nghe bạn bè giới thiệu bàn mai (cồi mai) Nam Định thịt ngọt và đậm đà nên lần này tôi nhất định tìm mua và thưởng thức. Một bữa hải sản ngon tuyệt ngay trên bãi biển thì còn gì bằng!

Hấp dẫn món bàn mai – Ảnh: sưu tầm

2. NEM

Tôi đã được ăn nem Nam Định vài lần, lần nào cũng thấy không đã thèm. Nem chua Nam Định cũng giống với nem của các vùng miền Bắc, nhưng vị riêng đặc trưng. Cái nem dai, vị thịt và thính thơm quyện mùi lá ổi đậm đà. Nem nắm Giao Thủy cũng vô cùng đặc biệt, luôn là món ăn chơi nổi tiếng của đất Nam Định.

Nem nắm Giao Thủy – Ảnh: lamchame

3. KẸO SÌU CHÂU

Kẹo sìu châu gần giống với kẹo lạc, nguyên liệu làm kẹo sìu châu cũng tương tự gồm lạc, vừng, đường, mạch nha nhưng đặc sản Nam Định thường dùng nhiều lạc ít nha nên thơm và ngon hơn.

Kẹo sìu châu càng ngọt vị bên chén trà nóng – Ảnh: Internet

4. BÁNH NHÃN

Bánh được làm từ loại gạo nếp hương hoặc nếp cái hoa vàng Hải Hậu nổi tiếng cùng trứng gà, vì giống hình quả nhãn nên gọi là bánh nhãn. Bánh nhãn Nam Định có vị mát, thơm giòn, béo ngậy.

Bánh nhãn thơm với độ ngọt vừa phải, ăn hoài không chán.

5. BÁNH GAI

Bánh gai thơm ngon, dẻo ngọt là thứ đặc sản tiêu biểu của đất Thành Nam. Bánh gai Nam Định là món truyền thống giữ được hương vị nguyên bản của lá gai và gạo nếp. Cùng với nhân bánh là sự tổng hợp của nhiều nguyên liệu như đỗ xanh bỏ vỏ, thịt mỡ, lạc, sen… hòa quyện vào nhau tạo nên mùi vị khác biệt, thơm ngậy và ngọt bùi. Bánh gai không thể thiếu trong túi quà du lịch Nam Định của tôi.

Bánh gai Bà Thi nổi tiếng thơm ngon nhất Nam Định – Ảnh: supertourviet

Danh sách những việc cần làm, nơi cần đi, món ăn cần thưởng thức của tôi quá dài. Tôi phải chuẩn bị ba lô ngay từ bây giờ thôi. Có bạn nào muốn lên đường với tôi không, chúng ta sẽ cùng làm bạn đồng hành rong chơi Nam Định.
Nào, cùng đi thôi!

Hải Yến – Mytour.vn

Tin liên quan