Nam Trực: Làng nghề khăn xếp độc nhất vào vụ Tết

Còn hơn 60 ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán. Thời điểm này, làng nghề làm khăn xếp Giáp Nhất đang tất bật vào mùa xuất hàng phục vụ lễ cưới, hỏi và dịp Tết. Có lẽ ở miền Bắc, duy nhất chỉ còn người dân thôn Giáp Nhất (Nam Trực, Nam Định) lưu luyến với nghề làm khăn xếp của cha ông.

Thôn Giáp Nhất nằm cách thành phố Nam Định hơn 20km về phía Tây Nam. Ít ai biết được rằng, đây là xuất xứ của những chiếc khăn xếp thường thấy trong các lễ hội, đám cưới, mừng thọ ở nhiều tỉnh miền Bắc.

Thôn Giáp Nhất có 4 tổ dân phố với gần 200 hộ làm nghề khăn xếp. Trong đó, các hộ làm khăn xếp chủ yếu tập trung ở tổ 3. Trước đây, khăn xếp Giáp Nhất được làm bằng chất liệu vải để đội đầu và chủ yếu được làm duy nhất một màu đen, cùng với sự thích ứng với đà phát triển của xã hội, khăn xếp dần dần được chuyển sang đủ các loại màu khác nhau.

Không ai còn nhớ làng Giáp Nhất có nghề làm khăn từ bao giờ và cũng không ai nhớ ông tổ của nghề là ai. Người dân chỉ biết ông cha cứ đời này qua đời khác truyền lại cho con cháu sau này. Cho đến ngày nay Giáp Nhất vẫn là nơi “giữ hồn Việt” vào những chiếc khăn xếp.

 

Người dân làng Giáp Nhất là nơi duy nhất ở miền Bắc còn làm khăn xếp

Theo những người làm nghề khăn xếp cho biết, những năm 1950, người trong làng vẫn làm và mang sản phẩm đi khắp nơi tiêu thụ. Nhưng bắt đầu từ năm 1960, sản phẩm làm ra ít tiêu thụ được nên nghề dần có nguy cơ thoái trào.

Nhưng giữa lúc làng nghề khăn xếp khó khăn nhất, có một người vẫn kiên trì giữ nghề, đó là cụ Đoàn Thị Thùy. Cụ Thùy tin rằng sẽ có một ngày khăn xếp sẽ được mọi người sẽ dùng đến nó. Vì vậy, để giữ được nghề khăn xếp cụ vẫn khuyên bà con nên học giữ lấy nghề.

Những năm 1960 làng nghề khăn xếp tưởng chừng như “tan rã”. Nhưng đến đầu năm 1990 làng khăn xếp bắt đầu quá trình hưng thịnh

Đúng như bà Thùy dự đoán, từ năm 1990, rất nhiều người tìm đến làng hỏi mua khăn xếp. Những chồng khăn xếp bị phủ bụi, thậm chí bạc màu cũng được mua. Người dân trong làng bắt đầu quay lại với nghề.

Khăn xếp Giáp Nhất hiện có các loại như khăn đen với 4 quấn, 7 nếp; khăn 5 quấn, 7 nếp; khăn 6 quấn, 9 nếp; khăn quang dùng trong tế lễ (nam giới đội), khăn cô, khăn tế, khăn hầu các giá đồng… Tất cả các công đoạn như quấn, dán, khâu, cắt… đều được làm thủ công bằng tay. Khi quấn người làm phải cần mẫn, tỉ mỉ, chặt tay để các nếp không bị xô lệch, phải đều tăm tắp, vừa vặn.

Theo lời kể của các nghệ nhân làng Giáp Nhất, người xưa có để lại một lề lối cổ truyền về việc đội khăn xếp đối với đàn ông, ở tuổi khác nhau đàn ông sẽ đội khăn xếp theo màu khác nhau. Như đàn ông từ 50 – 60 tuổi sử dụng loại khăn xếp màu đen, có chữ Thọ hay không đều được. Từ 70-89 tuổi phải đội khăn xếp màu đỏ, có chữ Thọ ở trên. Các cụ ông từ 90 tuổi trở lên phải đội khăn màu vàng, chữ Thọ ở trên.

Làm khăn xếp tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng lại đòi hỏi nhiều kinh nghiệm nhất trong cả chu trình làm ra chiếc khăn xếp

Khăn xếp gồm 3 loại: Khăn dành cho nam, cho nữ và loại khăn cả nam, nữ đều đội được. Khăn dành cho nam thường là loại khăn quang, đằng sau phía trên búi tó dựng đứng, đằng trước phía trên là lưỡi trai, nếp và vành.

Theo ông Bùi Văn Hưng, chủ một xưởng làm khăn xếp trong thôn thì để làm ra một chiếc khăn xếp không hề đơn giản mà có tới 7 công đoạn như cắt vải, cắt xốp, máy, quấn, vẽ hoa… Mặc dù đã đưa máy móc thay thế cho làm thủ công ở một số công đoạn và các hộ trong làng nghề đã phân chia sản xuất theo từng công đoạn khác nhau để nâng cao năng xuất nhưng thu nhập từ nghề vẫn còn rất thấp.

Bình quân thu nhập của nhân công ở đây là từ 70.000 – 100.000 đồng/ngày, chỉ bằng non nửa thu nhập so với các làng nghề lân cận như làng hoa Báo Đáp, làng cơ khí Vân Chàng.

Người không đủ kiên nhẫn, rất khó để xếp được một chiếc khăn đẹp và như ý

Ông Hưng tâm sự: “Dù giá trị kinh tế của một chiếc khăn xếp mang lại không đáng là bao, thậm chí nếu đi so với các nghề khác thì càng không thấm. Nhưng chúng tôi không bao giờ từ bỏ nghề này, bởi vì chiếc khăn xếp mang một giá trị văn hóa, lịch sử bao đời của dân tộc, còn quý hơn cả tiền bạc”.

Ông Nguyễn Văn Viên, một người làm khăn xếp, cho biết: “Làm khăn xếp tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng lại đòi hỏi nhiều kinh nghiệm nhất trong cả chu trình làm ra chiếc khăn xếp. Chiếc khăn xếp sau khi hoàn thành phải chắc chắn, độ dày các lớp đều nhau, cao độ của từng lớp hợp lý”.

Chất liệu để làm khăn trước đây là vải lượt, nhiễu hay vải sa tanh cũ, cốt khăn làm bằng giấy. Bây giờ, khăn xếp được làm với chất liệu tốt hơn như lớp ngoài là sa tanh, bóng, phi, nhung, gấm…

Đã có những thời điểm, làng khăn xếp Giáp Nhất tưởng chừng như sẽ mai một theo thời gian. Nhưng nhờ những nghệ nhân yêu nghề trong thôn mà cái nghề “giữ hồn Việt” trong những chiếc khăn xếp mới không bị “thất truyền”. Trai gái thôn Giáp Nhất dù không sinh sống bằng nghề làm khăn xếp, nhưng ít nhất họ cũng được truyền dạy lại quy trình cách làm một chiếc khăn xếp như thế nào.

Chiếc khăn xếp sau khi hoàn thành phải chắc chắn, độ dày các lớp đều nhau, cao độ của từng lớp hợp lý

Theo các hộ làm nghề ở Giáp Nhất, chất liệu để làm khăn trước đây là vải lượt, nhiễu hay vải sa tanh cũ, cốt khăn làm bằng giấy. Bây giờ, khăn xếp được làm với chất liệu tốt hơn như lớp ngoài là sa tanh, bóng, phi, nhung, gấm… Bên trong là vải sợi lót, cốt khăn làm bằng mút. Bình quân giá khăn xếp khoảng 20 nghìn đồng/chiếc. Trong đó, giá cao như khăn dân tộc, khăn chầu có giá 30.000 đồng/chiếc, rẻ nhất là khăn thọ màu đen giá 13.000 đồng/chiếc…

(Theo Dân Trí)

Tin liên quan