Nghĩa Hưng: Về thăm chùa Phúc Lộc – Bảo tháp Đại Bi

Chùa Phúc Lộc còn có tên gọi là Phúc Lộc Tự, là ngôi chùa cổ nằm Ven sông Đào nay thuộc thôn Hưng Lộc, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
heo các cụ cao niên trong làng kể lại, Phúc Lộc Tự được xây dựng vào khoảng năm 1440 hoàn thành khoảng năm 1442. (tính tới nay đã tròn 570 năm). Hiện chùa Phúc Lộc còn đang lưu giữ một số báu vật quý như: Chiếc chuông đồng cổ treo trên gác trước cổng trên có ghi:

Hoàng triều Cảnh Hưng.

Vạn Vạn Niên.

Chi nhị thập Tam Tuế.

(Như vậy có thể thấy Quả chuông cổ này được đúc vào năm Cảnh Hưng thứ 13 vào khoảng năm 1762 tính tới nay là 250 năm).

Trải qua hàng trăm năm, ngôi chùa gần như bị chìm vào quên lãng. Mấy năm gần đây, vị sư trụ trì của chùa hiện nay là Ni sư Thích Đàm Thành được sự giúp đỡ của Giáo hội Phật giáo Nam Định và được sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, Phật tử, thiện trí thức công đức đã tiến hành trùng tu và mở rộng chùa.

Năm 2010 ngày 15 tháng 11 tức ngày 10 tháng 10 năm Canh Dần. Chùa Phúc Lộc làm lễ khởi công trùng tu và xây dựng Bảo Tháp Đại Bi cao 13 tầng (cao 48m tính từ sân Bảo Tháp lên đến đỉnh Tháp). Được thiết kế xây dựng là 13 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng là 1.500m2 trong khu quần thể kiến trúc tâm linh rộng 3.000m2. Phía trước Bảo Tháp, có cầu Di Lặc, hai bên có hồ tịnh thủy hình bán nguyệt và bốn phương của Bảo Tháp là bốn pho trong Bát Bộ Kim Cương – Hộ trì Phật pháp hướng về. Ngày 17/11/2013 ( tức ngày 15/10 năm Quý Tỵ) vừa tròn 3 năm chùa Phúc Lộc đã Khánh thành Bảo Tháp Đại Bi và Khai ấn Ngọc Phật.

Cổng vào và khuôn viên bao quanh Bảo Tháp được lát đá, có chạm khắc hình rồng cùng nhiều hoa văn tinh xảo. Theo đó là sự bài trí của 100 cây cột đá, biểu tượng của 100 chữ phúc vừa mang ý nguyện Bảo Tháp Đại Bi đem phước lành đến cho bách gia trăm họ vừa tạo sự hài hòa cho tổng thể công trình, đồng thời tạo sự gắn kết nhuần nhụy với văn hóa dân tộc và Phật giáo Việt Nam.


Chiều cao của Bảo Tháp là 49m trên 13 tầng. Tầng 1 thờ Đức Phật THÍCH CA và hai đệ tự là ngài A NAN và MA HA CA DIẾP.

Cấu trúc bên ngoài Bảo Tháp là hình bát giác. Từ tầng hai đến tầng mười hai, trên mỗi cạnh của hình bát giác đó diễn bầy một pho tượng, biểu thị một hiện tướng của Đức Quan Âm trong Thần Chú Đại Bi.

Cấu trúc bên trong của Bảo Tháp theo hình tứ trụ. Từ tầng thứ hai đến tầng thứ mười hai thờ 33 pho tượng Phổ Môn và tứ thánh kiết tường gồm: Phật Mẫu Ta – Ra, Phật Mẫu Chuẩn Đề, Phật Bà Nghìn Mắt Nghìn Tay và Phật Quan Âm Thập Nhất Diện.

Trên tầng 13 thờ tượng trong cửu phẩm A DI ĐÀ và Tam thánh Tây phương, Phật ngọc, Xá lợi Phật cùng với Ấn Phật ngọc.

Đặc biệt tòa sen trên đỉnh Bảo Tháp được đúc bằng đồng nặng gần 3 tấn. Trên năm cánh sen có 5 bức tượng Phật gắn 5 viên đá quý là biểu tượng của ngũ trí Như Lai. Cũng từ hình búp sen này, nhìn từ xa lại, Bảo Tháp tựa cây bút thần viết lên trời xanh những âm thần chú vi diệu đem tới pháp lực vô biên nhằm nâng đỡ, hộ trì cho khắp nẻo chúng sanh dưới cõi ta bà. Bảo Tháp được xây dựng theo đúng tinh thần của Đàn pháp với chiều cao 49m tương ứng với 49 ngày Đức Phật thiền định kiên định để đạt tới giác ngộ viên mãn, trở thành bậc Chính đẳng, Chính giác của nhân loại.

Bảo Tháp hình chóp, ba phần tương ứng với ba Thân hiện tướng của Đức Phật: Tầng thứ nhất thể hiện Báo thân Phật là thân hiện tướng của Đức Phật tại thế gian. Từ tầng thứ hai đến tầng mười hai, thể hiện Báu Thân Phật, là thân hiện tướng ở các cảnh giới các cõi trời. Còn tầng 13 trở lên thể hiện thân tuyệt đối của Niết bàn gọi là Pháp thân Phật.

Mặt ngoài của tháp, từ tầng 2 đến tầng 13 có cấu trúc giống nhau tổng cộng gồm 96 pho tượng, phía bên ngoài được diễn bầy bởi 84 pho tượng Phật trong đàn pháp ĐẠI BI là hóa thân của các chư vị Bồ Tát. Cụ thể là trên mỗi tầng có bố trí 8 bức tượng bằng đồng quay ra phía bên ngoài, mỗi bức tượng trung bình khoảng 330kg với chiều cao là 1m67, được đúc bởi các nghệ nhân lành nghề đầy nhiệt huyết mang cả một tâm thành hiến dâng cho Phật pháp.

Mỗi pho tượng là biểu hiện cho một sự hiển tướng của Quan âm, với lòng yêu thương chúng sinh vô bờ bến, vô lượng vô biên, ngài đã thực hiện những hạnh nguyện Bồ tát luôn luôn phổ độ giáo hoá chúng sinh.

 

Cấu trúc bên trong tháp là một hình tứ trụ được tạo thành 1 khối thông suốt theo một trục từ dưới lên đến đỉnh tháp.

Tầng 1: Tam Bảo có kim thân Phật Thích Ca đứng cao 2m70 nặng 1 tấn hai bên có Tôn giả Xá Lợi Phất và Tôn giả Mục Kiền Liên. Tôn giả Xá Lợi Phất và Tôn giả Mục Kiền Liên cao 2m00 nặng 500kg.

Từ tầng 2 đến tầng 12 có tổng số 33 pho tượng là hóa thân của đức Quan Âm trong kinh Phổ môn được bố trí trên 3 cạnh của hình tứ trụ đó, phía trước được đặt bát hương. Mỗi pho khoảng 460kg.

Tầng thứ 13 là tầng trên cùng, tổng cộng bao gồm 11 pho tượng, trong đó bên ngoài có 8 pho tượng Đức A Di Đà trong tư thế đứng hướng mặt phía trước đại diện cho sự thông suốt trải qua 12 duyên nghiệp đến cảnh giới của tầng thứ 13 là đắc Niết bàn với ý nghĩa ban phát và phổ độ chúng sinh, một tay cầm hoa sen biểu hiện cho sự tiếp dẫn chúng sinh bằng giáo pháp, ý muốn nhắc nhở mọi chúng sinh luôn giác ngộ tâm hướng Phật, hướng đến sự giải thoát mọi khổ đau, diệt trừ vô minh, đoạn tận các khổ, an lạc nơi cảnh giới cực lạc niết bàn trong sự tiếp độ của Đức A Di Đà.

Bài trí tượng bên trong tầng 13 có tượng Phật A Di Đà toạ ngồi nhìn ra mặt trước Bảo Tháp đồng thời 2 bên trái là Quan Âm và bên phải là Đại Thế Chí. Mỗi pho nặng trung bình 500kg.

Toàn bộ trong Bảo Tháp có tổng số 148 bức tượng (đặc biệt vật liệu để tôn tượng hoàn toàn bằng đồng đỏ để đảm bảo chịu được khí hậu khắc nghiệt mưa nắng để trường tồn mãi với thời gian, dự tính khoảng trên 80 tấn đồng)toàn bộ số tượng này được bố trí cả bên trong lẫn bên ngoài cùng với ý tưởng xây dựng tháp ĐẠI BI được thiết kế theo cấu trúc hình bát giác và hình tứ trụ mang ý nghĩa của giáo pháp rất thâm sâu, đó là:

Hình bát giác biểu hiện cho Bát chính đạo, với tinh thần giúp đỡ khiến cho khách tham quan và với mỗi chúng sinh khi nhìn vào Bảo tháp sẽ biết được ý nghĩa, thể nhập vào tâm thức tư duy của Bát chính đạo mà đức Phật đã chỉ dạy, đó là con đường đưa chúng sinh đến chỗ giác ngộ và giải thoát, gồm 8 điều chân Chánh, đó là: Chính kiến – Chính tư duy – Chính ngữ – Chính nghiệp – Chính mạng – Chính tinh tấn – Chính niệm và Chính định. Bát Chính đạo giúp chúng sinh tìm được con đường giác ngộ và giải thoát, không thụ động chấp nhận, không cầu nguyện van xin, cắt đứt trói buộc, dẹp tan phiền não, thoát ly đau khổ, xây dựng được đời sống an lạc và hạnh phúc.

Hình tứ trụ được thiết kế bên trong bảo tháp có ý nghĩa nhắc nhở chúng sinh hãy luôn ghi nhớ rằng mọi sự vận hành của vạn vật trong vũ trụ đều không nằm ngoài qui luật của quá trình: Thành – Trụ – Dị – Diệt. Đối với chúng sinh đó cũng Chánh là quá trình chịu sự tác động của 4 yếu tố: Sinh – Lão – Bệnh – Tử, đó là cái lý vô thường của chúng sinh và Đức Phật cũng nói tới cái tính chất vô thường của vạn vật.

Chính giữa Bảo tháp là 1 hình vuông thông suốt trong 12 tầng từ tầng 2 đến đỉnh tháp, là sự kết nối của Thập nhị nhân duyên, gồm có 12 yếu tố: Từ Vô Minh (dẫn đến) – Hành – Thức – Danh Sắc – Lục Căn – Xúc – Thọ – Ái – Thủ – Hữu – Sanh – Lão – Tử. Đây là mười hai yếu tố liên hệ tương hỗ với nhau theo lý duyên sinh và nhân quả, diễn biến trong cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai, đề cập đến vấn đề nguồn gốc của vòng sinh tử luân hồi, nguyên nhân của sự đau khổ, nhằm mục đích giúp chúng sinh thoát ra khỏi mọi đau khổ của đời sống.

5 pho tượng tại Bảo tháp , gồm:

1, 04 Pho Tứ Đại Thiên Vương cao trên 4m nặng gần 4 000kg (04 tấn/pho).

2, 01 Pho Phật Di Lặc cao trên 2m nặng gần 3 tấn.

3, 03 Pho Tam thế cao 1,55m nặng 500kg/pho (tượng ngồi)

4, 08 Pho A Di Đà cao 1,67m nặng trên 300kg/pho (tượng đứng)

5, 34 Pho Bồ Tát (trong Đại Bi Chú) cao 1,67m nặng trên 300kg/pho.

Toàn bộ số tượng trên được đúc bằng đồng đỏ nguyên chất.

Đây là ngôi Bảo Tháp mang ý nghĩa giáo pháp rất thâm sâu. Cấu trúc bên ngoài Bảo Tháp hình bát giác nương theo Bát chánh đạo: Chính kiến – Chính tư duy – Chính ngữ – Chính nghiệp – Chính mạng – Chính tinh tấn – Chính niệm và Chính định. Trên mỗi cạnh của hình bát giác có một bức tượng bằng đồng quay ra phía bên ngoài, mỗi pho tượng là biểu hiện cho một hiển tướng của Quan Âm. Với lòng yêu thương chúng sinh vô bờ bến, vô lượng vô biên, Ngài đã thực hiện những hạnh nguyện Bồ tát luôn luôn phổ độ, giáo hóa chúng sinh. Bát chính đạo cũng chính là con Đường đức Phật đã chỉ dạy đưa chúng sinh đến giác ngộ và giải thoát.

Cấu trúc bên trong hình tứ trụ, là một khối thông suốt lên đến đỉnh tháp, là biểu hiện sự kết nối của Thập nhị nhân duyên, gồm có 12 yếu tố: Từ Vô Minh (dẫn đến) – Hành – Thức – Danh Sắc – Lục Căn – Xúc – Thọ – Ái – Thủ – Hữu – Sanh – Lão – Tử. Mười hai yếu tố này liên hệ tương hỗ với nhau theo lý duyên sinh và nhân quả, diễn biến trong cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai, đề cập đến vấn đề nguồn gốc của vòng sinh tử luân hồi, nguyên nhân của sự đau khổ, nhằm mục đích giúp chúng sinh thoát ra khỏi mọi đau khổ của đời sống.

Cùng với ý nghĩa đó, hình tứ trụ bên trong Bảo Tháp còn tượng trưng cho sự vận hành của vạn vật trong vũ trụ theo quy luật: Thành – Trụ – Dị – Diệt. Hình tứ trụ cũng là biểu tượng của Tứ diệu đế: Khổ đế – Tập đế – Diệt đế – Đạo đế – con đường tuyệt diệu dẫn đến giải thoát, là bốn chân lý cao cả, là gốc cơ bản trí tuệ theo tinh thần Từ – Bi – Hỉ – Xả của Phật giáo.

Hướng lên đỉnh tháp là hình búp sen được đúc bằng đồng nặng gần 3 tấn, 5 pho tượng trên 5 cánh sen của Bút tháp có gắn 5 viên đá quý biểu thị cho Ngũ Uẩn trong Kinh Bát Nhã. Đây là phần tiếp xúc với không gian vô tận luôn phản chiếu ánh sáng hào quang của chư Phật với pháp lực vô biên. Từ đỉnh búp sen xuôi xuống, những cánh sen khum lại chứa một dòng cam lồ tịnh thủy là nguồn nước mưa công đức do chư Thiên rưới ban. Tiếp nhận được pháp lực, gia trì của chư Bồ tát, dòng nước thiêng này dẫn xuống sẽ dập tắt lửa phiền não, đem đến sự an lạc, may mắn cho chúng sinh khắp cõi ta bà.

 

Dòng nước thiêng từ Chư Thiên qua đỉnh búp sen, tiếp nhận sự thanh lọc, sự gia trì của thập phương Bồ Tát, thọ nhận từ Pháp lực, Nguyện lực của Tam thế Phật, dòng cam lồ được dẫn xuống nơi ngài Quan Thế Âm cầm bình cam lồ trên tay. “Xin lấy cam lồ tịnh thủy/ Tưới lên dập tắt não phiền” – đó là nguyện ước, tâm hướng về của tất cả những người con Phật!

Theo giáo lý Phật giáo, cấu trúc của Bảo Tháp tương ứng với Thân của Phật ngồi Kiết già trên tòa Sư tử, tượng trưng cho Phật Quả, cho Trí toàn giác của Chư Phật. Bảo Tháp chứa xá lợi, Kinh Điển, lời Đại Nguyện, hình tượng Phật, Bồ tát, Mandala, các Thánh vật Kiết tường…cũng chính là nơi thọ nhận Pháp Thân, tức là tâm của Chư Phật. Một Bảo Tháp xây dựng theo đúng Đàn Pháp sẽ nhận được lực gia trì của Chư Phật, Chư Bồ Tát mười phương.

Đặc biệt trong Bảo Tháp còn có Ấn Ngọc Phật, được làm từ ngọc nguyên khối. Chuôi Ấn mang hình tượng chày Kim Cang – là một loại Pháp Khí của nhà Phật mang pháp lực vô biên. Và tám cạnh của Ấn cũng được chạm khắc theo biểu tượng Bát Báu còn gọi là Bát cát tường với nguyện lực vô biên. Vi diệu nhất là mặt ấn khắc chữ “Om Cha Le Chu Le Chuẩn Đề Soaha”. Đây là câu Tâm chú của Thần chú Chuẩn đề với nội dung xin được quy y trước bảy mươi triệu hoàn hảo giác ngộ chư Phật và cầu mong lời nguyện thanh tịnh này vĩnh viễn trở thành sự thật!


Như vậy, cùng với Pháp lực của Bảo Tháp Đại Bi, Ấn ngọc với sứ mệnh biến mọi nguyện ước thanh tịnh trở thành sự thực, sự kết hợp này sẽ truyền được sự linh ứng của pháp lực vô biên, đem đến viên mãn cát tường cho người có đủ phước duyên thọ nhận đồng thời góp phần cầu nguyện cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình.

Trên quê hương Nam Định, những người con của mảnh đất này khởi tâm xây dựng Bảo Tháp Đại Bi với tinh thần xiển dương chính pháp, hộ trì quê hương ngày một phát triển hưng thịnh, an lạc chính là nguyện tiếp tục bồi đắp cội rễ sâu xa của tinh thần Đạo Pháp – Dân Tộc, góp phần giữ vững ngôi nhà Phật Pháp trong dòng chảy lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Vũ Thái Quảng – Nguoiphattu.com

Tin liên quan