Nhận biết bạn gầy nhưng vẫn thừa mỡ

Cân nặng không phản ánh chính xác trạng thái của cơ thể; người gầy có mỡ bụng sẽ dễ chết hơn người thừa cân hoặc béo phì.
Bạn nghĩ mình thật may mắn khi sở hữu cân nặng ổn định dù không phải cố gắng nhiều. Thế nhưng chỉ số BMI và cân nặng không nói lên toàn bộ tình hình. Theo Health, 1/4 người có trọng lượng bình thường bị ảnh hưởng bởi hội chứng “gầy nhưng béo phì”. “Trông họ tương đối khỏe mạnh nhưng khi kiểm tra lại có nồng độ chất béo và viêm nhiễm cao”, bác sĩ Ishwarlal Jialal từ Hệ thống Y tế UC Davis (Mỹ) cho biết. “Những người này có nguy cơ cao bị tiểu đường và bệnh tim mạch, nhưng bạn không thể nhận ra nếu chỉ nhìn dựa vào bề ngoài”.

Kiểm tra huyết áp, cholesterol và đường huyết là cách tốt nhất để biết tình trạng sức khỏe bên trong. Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo một số triệu chứng dưới đây.

Béo bụng

Trong mọi trường hợp, mỡ thừa cảnh báo nguy hiểm. Nghiên cứu trên tờ Annals of Internal Medicine cho thấy người gầy bị béo bụng dễ chết sớm hơn những ai vốn thừa cân hoặc béo phì.

Mỡ bụng có hại nhất vì là nơi khởi đầu hiện tượng kháng insulin cùng các protein gây viêm nhiễm. Loại mỡ này không xuất hiện cùng một lúc khiến bạn rất dễ bỏ qua. Bởi vậy, hãy lưu ý nếu cảm thấy quần càng ngày càng chật.

Lười vận động

Người gầy vẫn có thể có mỡ thừa, đặc biệt là khi thiếu hoạt động thể chất. “Nếu không thừa cân, người ta thường không có thói quen tập thể dục để giữ gìn vóc dáng”, bác sĩ Jialal giải thích. “Nhưng thiếu đi các hoạt động đều đặn, họ sẽ dần dần yếu đi”.

Tập luyện thường xuyên các môn như đi bộ nhanh, đạp xe, chạy là rất quan trọng để giữ tim và phổi khỏe mạnh, đồng thời tăng cường cơ bắp, hỗ trợ trao đổi chất và đốt chất béo có hại.

Tiền sử gia đình

Nếu bố mẹ hoặc anh chị em ruột của bạn bị tiểu đường, bệnh tim mạch, huyết áp hoặc cholesterol cao, bạn rất dễ mắc các vấn đề tương tự. Duy trì cân nặng ổn định sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh, nhưng chỉ khi bạn tập luyện và thực hiện chế độ ăn lành mạnh.

Ăn uống vô độ

Đừng vội mừng nếu bạn không bị tăng cân dù ăn rất nhiều đồ ăn nhanh, dầu mỡ, nước ngọt mà không đụng đến hoa quả, rau củ. Điều này khiến bạn hấp thụ quá nhiều đường, muối, chất béo và thiếu hụt vitamin, chất xơ, protein “nạc”. Kết quả là nội tạng bị tổn thương và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư tăng cao.

Những thói quen như ăn không đúng giờ, bỏ bữa, nhịn ăn cũng sẽ tàn phá sức khỏe của bạn.

Thuộc nhóm nguy cơ

BMI không phải thước đo hoàn hảo cho mọi nhóm người, đặc biệt là với một số dân tộc. Nghiên cứu năm 2011 chỉ ra cư dân Nam Á thường bị mỡ bụng nhiều hơn người da trắng dù có cùng một chỉ số BMI. Gen chắc chắn ảnh hưởng đến quá trình tích mỡ, bên cạnh đó còn có nền văn hóa cùng chế độ ăn truyền thống.

Ngoài ra, người lớn tuổi không nên quá để ý đến chỉ số BMI. Theo thời gian, cơ thể chúng ta sẽ giảm cơ bắp và tăng chất béo nên điều quan trọng là chăm vận động để sống lâu và khỏe mạnh.

(Nguồn: VNExpress)

Tin liên quan