Muốn giải rượu phải tránh uống nước chanh

Nhiều người cho rằng uống nước chanh giúp giải rượu nhanh hơn mà không biết nó có thể gây tổn thương dạ dày.Say rượu là một dạng ngộ độc rượu. Tùy từng người, mức độ uống, loại rượu mà biểu hiện say khác nhau. Có người uống xong thì ngủ, dạng nhẹ thì chậm chạp lờ đờ, không tỉnh kích thích vật vã nhiều, nôn nhiều; nặng thì hạ đường huyết hôn mê…

Theo thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hầu hết mọi người đều lầm tưởng uống nước chanh hoặc đồ uống chua có thể giúp giải rượu nhanh hơn. Tuy nhiên, nước chanh chứa rất nhiều axít, cộng với rượu đã uống, lại không ăn gì có thể khiến dạ dày bị tổn thương gây nôn thêm.
Nhiều người cũng nghĩ gây nôn rất tốt cho người say rượu, song thật ra chỉ đúng khi người bệnh tỉnh táo, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Cố ép gây nôn khi không tỉnh táo, người bệnh rất dễ bị sặc, thức ăn hay đồ uống vào phổi có thể gây viêm phổi, sặc, ngạt đường thở dẫn đến tử vong.

Bác sĩ khuyến cáo, khi người nhà bị say rượu, người thân cần chú ý theo dõi, nếu người bệnh vẫn tỉnh và nhận biết được thì nên cho ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lưu ý thực phẩm có đường, tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn. Ngoài ra có thể uống cốc nước đường, sữa, nước canh, nước mật ong… hoặc uống oresol bù nước, điện giải

Nếu người say nói ú ớ, không thành rõ từ, gọi không biết, không thể ngồi được thì cần đặt nằm nghiêng sang một bên, tốt nhất nghiêng sang bên phải do dạ dày uốn cong, nằm vị trí này giúp dạ dày không bị kích thích nôn ra ngoài. Khi người say thở yếu, ngừng thở, tím tái, chân tay lạnh thì cấp cứu ngay.

Để tránh nguy hiểm, bác sĩ Nguyên khuyên mọi người không nên uống rượu hoặc uống lượng vừa phải. Uống rượu khi đã ăn, đặc biệt là ăn đầy đủ, thức ăn dạng lipid, có tác dụng làm chậm hấp thu rượu vào cơ thể.

Không có một mức uống rượu bia nào là an toàn. Nguy cơ rượu bia ảnh hưởng sức khỏe phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống. Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp gây ít nhất 30 bệnh và gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương.

(Nguồn: VNExpress)

Tin liên quan