Ngư dân Nam Định đi cà kheo săn lộc trời từ biển

Nam Định – Vào mùa moi biển (hay còn gọi là con tép), nhiều ngư dân ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định xuống biển đánh bắt bằng cách đi cà kheo có gắn lưới, kiếm thu nhập ổn định mỗi ngày.

Ngư dân đi cà kheo trở về người khi người ướt hết và thấm mệt. Ảnh: Lương Hà

Từ sáng sớm, nhiều ngư dân ở xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã có mặt bên bãi biển để đi cà kheo bắt moi biển.

Ông Nguyễn Sung Sướng (người dân xã Hải Đông, huyện Hải Hậu) cho biết: “Những người “đi kheo” như chúng tôi dậy từ sớm tinh mơ, ra biển chuẩn bị ngư cụ để xuống biển săn tôm, moi và cá nhỏ, chỗ vùng nước sâu thì chúng tôi phải dùng cà kheo để đi. Hàng ngày tôi thường ra bãi biển từ 5h sáng, cũng tùy con nước, sóng biển để có thời gian đánh bắt phù hợp. Như hôm nay (18.11) thời tiết lạnh nên tôi đi muộn hơn và chủ yếu đi vào buổi trưa”.

Công việc đi cà kheo chỉ kéo dài khoảng 2 – 3 tiếng vào buổi sáng. Ảnh: Lương Hà

Theo người dân địa phương, từ xa xưa, những người dân vùng biển đã sáng tạo ra dụng cụ sản xuất để khai thác nguồn lợi thủy sản. Từ chỗ cào ngao, xúc tép moi gần bờ, người dân bắt đầu tính chuyện đi xa hơn để đánh bắt được nhiều tôm, cá hơn, nên đã tạo ra dụng cụ gọi là cà kheo.

“Công cụ để “đi kheo” của tôi gồm 1 cây tre to dài phía sau và 2 cây tre bằng nhau nhưng nhỏ hơn phía trước, sau đó khớp 3 cây lại với nhau thành hình chữ Y. Ở vùng biển này, ngư dân chúng tôi làm cà kheo từ thân tre nên có độ bền bỉ, dẻo dai, với kích thước từ 1 – 3m.

Để giữ chắc đôi kheo vào chân, tôi dùng 2 chiếc vòng được làm bằng mây hoặc dây thừng, vải, bao bì… để cố định. Hai chiếc vòng này có kích thước lớn hơn bắp đùi một chút, đủ để luồn đầu kheo vào đùi” – ông Sướng nói.

“Lộc biển” sau nhiều giờ lênh đênh trên biển đi cà kheo của một ngư dân. Ảnh: Lương Hà

Để đi được cà kheo thành thạo, ngư dân ở đây phải tập đi mất khoảng một tháng, rồi nâng dần độ cao. Vào những ngày ít gió, biển lặng mới có thể “đi kheo” được.

Cứ đến độ tháng 8 (mùa moi biển) trở đi, ông Nguyễn Văn Tân (ở xã Hải Lý, huyện Hải Hậu) lại tranh thủ mỗi ngày vài tiếng đi biển để kiếm thêm thu nhập.

“Công việc vất vả, thu nhập không cao nên gia đình tôi cũng chỉ làm mỗi khi vào mùa moi biển, mấy nay lạnh hơn nên tôi tranh thủ buổi trưa. Đây cũng là lộc trời mà thiên nhiên ban tặng nên chúng tôi vừa khai thác vừa giữ gìn. Những năm gần đây, nghề đánh bắt bằng cà kheo đang dần mai một. Hầu hết người làm nghề này bây giờ chủ yếu là đàn ông trung niên hoặc tuổi đã cao” – ông Tân chia sẻ.

Nhờ nghề “đi kheo”, những ngư dân nơi đây có thu nhập từ 200.000 đồng/ngày. Những hôm trúng mẻ moi, tôm biển cũng có thể kiếm thu nhập từ 500.000 – 700.000 đồng.

nguồn l https://laodong.vn/kinh-doanh/ngu-dan-nam-dinh-di-ca-kheo-san-loc-troi-tu-bien-1269332.ldo

Tin liên quan