Một ‘đại gia’ Hồng Kông ‘rót’ 1.500 tỷ đồng xây dựng nhà máy dệt may tại Nam Định

Nhà máy dệt may này có tổng diện tích đất sử dụng là 241.600m².

Ngày 28/2, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Nam Định đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án cho nhà đầu tư Crystal Denim Textiles (BVI) Limited (do ông Lo Lok Fung Kenneth, quốc tịch Anh làm đại diện theo pháp luật) tại khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định

Theo giấy chứng nhận, dự án đầu tư do Công ty Yi Da Denim Mill (VN) Co., LTD thực hiện thuộc lĩnh vực dệt may, có tổng vốn đăng ký đầu tư 1.467 tỷ đồng, tương đương 60 triệu USD. Nhà đầu tư chia dự án làm 3 giai đoạn, tổng diện tích đất sử dụng là 241.600m², trong đó, giai đoạn 1 là 144.960m²; thời hạn hoạt động của dự án là 41 năm.

Trong giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 880,2 tỷ đồng (tương đương 36 triệu USD), nhà đầu tư dự kiến khởi công xây dựng dự án trong năm 2024; hoàn tất xây dựng vào quý I/2026; vận hành chạy thử máy móc trong quý II/2026 và chính thức sản xuất từ quý III/2026.

Các giai đoạn sau của dự án dự kiến được thực hiện từ quý IV/2026 đến quý IV/2030. Sau khi hoàn thành cả 3 giai đoạn, dự kiến công suất mỗi năm của dự án đạt 55 triệu m² đối với vải có nhuộm, 5 triệu m² vải không nhuộm và 20 triệu sản phẩm quần áo.

Giai đoạn 1 của dự án sẽ đi vào sản xuất chính thức từ quý III/2026. Các giai đoạn sau của dự án dự kiến được thực hiện từ quý IV/2026 đến quý IV/2030. Sau khi hoàn thành cả 3 giai đoạn, dự kiến công suất mỗi năm của dự án đạt 55 triệu m² vải có nhuộm, 5 triệu m² vải không nhuộm và 20 triệu sản phẩm quần áo.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định, dự án Yi Da Denim Mill (VN) Co., LTD là dự án được đầu tư bởi Tập đoàn Crystal, Hồng Kông (Trung Quốc). Tập đoàn được thành lập vào năm 1970 tại Hồng Kông. Hiện nay, tập đoàn có khoảng 14 nhà máy tự vận hành tại 5 quốc gia: Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Bangladesh và Sri Lanka. Đây là một trong những tập đoàn lớn trên thế giới về chuỗi dệt may khép kín, có tổng doanh thu khoảng 2,5 tỷ USD; khách hàng chính là các thương hiệu danh tiếng như Uniqlo, Victoria Secret và các nhãn hàng bán lẻ của Mỹ.

Trước khi đầu tư dự án ở Nam Định, Tập đoàn Crystal đã có nhà máy hoạt động tại Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Phú Thọ và Bình Dương trong nhiều năm qua với tổng doanh thu xuất khẩu tại Việt Nam khoảng 1 tỷ USD, giải quyết việc làm cho 40.000 lao động.

KCN Dệt may Rạng Đông rộng hơn 500ha, là KCN có diện tích lớn nhất trong số các KCN đang hoạt động của tỉnh Nam Định. KCN nằm tại khu vực bãi bồi ven biển huyện Nghĩa Hưng và nằm trong khu kinh tế Ninh Cơ đang được UBND tỉnh Nam Định trình Chính phủ cho thành lập, được khởi công xây dựng hạ tầng tháng 4/2017.

Trước dự án của nhà đầu tư Crystal Denim Textiles (BVI) Limited, KCN dệt may Rạng Đông đã thu hút được một số dự án đầu tư lớn, thuộc lĩnh vực dệt may. Trong đó có dự án sản xuất các sản phẩm sợi vải của Tập đoàn Toray (Nhật Bản), vốn đầu tư 203 triệu USD, công suất thiết kế 120 triệu mét vải/năm.

Trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện nay có 10 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch, với tổng diện tích hơn 2.046ha. Trong đó, có 4 khu công nghiệp đã hình thành, gồm: khu công nghiệp Hòa Xá, khu công nghiệp Mỹ Trung, khu công nghiệp Bảo Minh, khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông sẽ được giữ nguyên. khu công nghiệp Bảo Minh, khu công nghiệp Hòa Xá, diện tích lấp đầy đã đạt 100%.

Theo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tính đến năm 2030, Nam Định sẽ có thêm 10 khu công nghiệp. Đến năm 2050, dự kiến tổng số khu công nghiệp tại tỉnh Nam Định tăng lên 27 khu với tổng diện tích 6.721ha.

nguồn ; https://nguoiquansat.vn/mot-dai-gia-hong-kong-rot-1-500-ty-dong-xay-dung-nha-may-det-may-tai-nam-dinh-116741.html

Tin liên quan