Nam Định: Ban hành 46 quyết định xử phạt đối với các dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp

Các dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước thường rơi vào các tình trạng triển khai dự án chậm so với tiến độ được UBND tỉnh chấp thuận; thực hiện sai mục tiêu, xây dựng công trình không phép hoặc không đúng quy hoạch tổng mặt bằng.

Theo UBND tỉnh Nam Định, giai đoạn từ năm 2022 trở lại, do những hạn chế cả khách quan và chủ quan, lực lượng quản lý Nhà nước về đất đai, đầu tư, xây dựng nên việc triển khai các dự án ngoài khu, cụm công nghiệp còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Một số nhà đầu tư còn hạn chế về năng lực chuyên môn và tiềm lực tài chính, chưa nắm được đầy đủ các quy định pháp luật để triển khai thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, chất lượng quy hoạch sử dụng đất chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, thiếu tính dự báo chiến lược dẫn đến tình trạng dự án đã được cho thuê đất để sản xuất, kinh doanh nhưng đến khi lập Quy hoạch chung thì dự án lại nằm trong phạm vi quy hoạch đất thương mại, dịch vụ, vì vậy nhà đầu tư khó thực hiện dự án theo chủ trương đã phê duyệt trước đó.

Để khắc phục những tồn tại, bất cập kể trên, trong năm 2023 tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các cấp chính quyền, ngành chức năng nâng cao hiệu quả phối hợp, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát 67/178 dự án UBND tỉnh giao đất đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2016-2022 đến nay.

Qua kiểm tra, giám sát, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất UBND tỉnh chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với 4 dự án gồm: Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước sạch Hoàng Kim tại huyện Hải Hậu; Dự án đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Hoa Việt tại huyện Ý Yên; hai dự án tại huyện Nghĩa Hưng gồm: Dự án xây dựng nhà máy đóng mới và sửa chữa phương tiện tàu thủy của Công ty TNHH Thương mại Đại Lục và Dự án xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm ngành dệt may của Công ty Jindi Việt Nam.

Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước sạch Hoàng Kim tại huyện Hải Hậu bị chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Ảnh: GDTĐ

Thanh tra Sở đã ban hành 46 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KH và ĐT với tổng số tiền xử phạt 2,125 tỷ đồng; trong đó, có 16 trường hợp vi phạm chậm tiến độ, đầu tư không đúng theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số tiền xử phạt 1,190 tỷ đồng.

Đến hết tháng 9/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã yêu cầu nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh 42 dự án được kiểm tra giám sát.

Cũng trong năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát 23 dự án sử dụng đất bãi ven sông trong 206 dự án sản xuất, kinh doanh ngoài khu, cụm công nghiệp.

Sở Xây dựng đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra 44 dự án trong nhóm 206 dự án nêu trên mà chưa được cấp phép xây dựng, tiến hành xử lý theo quy định đối với các trường hợp xây dựng công trình không phép, sai phép, vi phạm quy hoạch theo thẩm quyền và phân cấp.

Để giải quyết tình trạng trên, đối với các dự án đã được UBND tỉnh và UBND huyện giao đất, tỉnh Nam Định giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư các dự án đã có chấp thuận chủ trương đầu tư; xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp có phát sinh vi phạm; tích cực hỗ trợ, phối hợp giải quyết khó khăn, kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp khi thực hiện xin chấp thuận chủ trương đầu tư/chứng nhận đăng ký đầu tư và trong quá trình triển khai dự án.

Đối với các dự án chậm tiến độ phải tổ chức theo dõi, đôn đốc; tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý các dự án nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính, không hoặc chậm triển khai dự án đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Về phía chủ đầu tư các dự án, tỉnh yêu cầu phải tập trung nguồn lực, chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, các ngành chức năng khắc phục giải quyết khó khăn, vướng mắc; quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo đúng quy hoạch, dự án được phê duyệt; đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, đảm bảo chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.

Về lâu dài, các sở, ngành, các địa phương tiếp tục nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, chủ động tham mưu UBND tỉnh trong công tác quản lý các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách theo đúng quy định; trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng thẩm định đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh.

Tỉnh cũng quán triệt các ngành, các địa phương quyết liệt thực hiện nhất quán định hướng thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh. Trong đó, đối với các dự án công nghiệp phải thu hút vào các khu, cụm công nghiệp; đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp chỉ xem xét chấp thuận đối với các dự án có tầm ảnh lớn đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Riêng nhóm dự án không thể hoạt động trong khu, cụm công nghiệp như: Lĩnh vực thương mại – dịch vụ sẽ chú trọng thu hút, phát triển các dự án có trọng tâm, trọng điểm để hình thành một số khu, điểm du lịch, dịch vụ quy mô lớn, dịch vụ logistics, dịch vụ tài chính – ngân hàng và dịch vụ bưu chính viễn thông.

Lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản chú trọng thu hút các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp theo các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp để làm cơ sở tập trung, thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu.

Thu hút đầu tư vào các địa bàn có địa hình phù hợp, khu chăn nuôi tập trung, không đầu tư xây dựng các trang trại, mô hình tại các khu đô thị, khu vực có mật độ dân cư cao, không đảm bảo về khoảng cách và xử lý môi trường.

Tăng cường phân công, phân cấp trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở (cấp huyện, cấp xã) đối với công tác quản lý, theo dõi các dự án đầu tư trên địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các huyện, thành phố trong việc theo dõi, kiểm tra, xử lý các sai phạm trong hoạt động đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định đặc biệt yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ tình hình thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật; đối với các dự án không triển khai, chậm triển khai và không thực hiện đúng cam kết, đúng quy định sẽ kiên quyết xử lý chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định pháp luật.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nam-dinh-ban-hanh-46-quyet-dinh-xu-phat-doi-voi-cac-du-an-dau-tu-ngoai-khu-cum-cong-nghiep-post282330.html

Tin liên quan