Ở nơi này của Nam Định nuôi cá kiểu gì mà kéo toàn con to bự, bao nhiêu cũng bán hết, dân giàu lên

Với quy mô sản xuất hơn 140ha, mỗi năm Nông trường Bạch Long (xã Bạch Long, huyện Giao Thủy) cung cứng ra thị trường khoảng 2.000 tấn cá thương phẩm. Nơi đây, được coi là “vựa” cung cấp cá trắm đen thương phẩm lớn nhất nhì tỉnh Nam Định.

Xã Bạch Long (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) được coi là “vựa” cung cấp cá trắm đen thương phẩm lớn nhất nhì tỉnh Nam Định. Ảnh: Mai Chiến.

Chuyển từ trồng cây cói sang đào ao nuôi cá trắm đen
Nông trường Bạch Long (xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) được thành thành lập từ năm 1971. Trước đây, Nông trường chủ yếu trồng cây cói, phục vụ nguyên liệu cói cho các làng nghề sản xuất chiếu cói ở trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, nhiều nghề có thu nhập tốt hơn nghề làm chiếu nở rộ ở các vùng quê, do đó nghề làm chiếu cói dần bị thu hẹp, điều này cũng đã tác động đến những người trồng cói ở Nông trường Bạch Long nói riêng và những vùng trồng cói ở miền Bắc nói chung.

Trước những thay đổi của thị trường, Nông trường Bạch Long ắt phải thay đổi theo. Lãnh đạo và các thành viên đã quyết định chuyển đổi mô hình sản xuất từ trồng cói sang nuôi trồng thủy sản. Từ đó, các ao, đầm nuôi cá, tôm thẻ chân trắng bắt đầu được hình thành trên vùng quê ven biển.

Đến nay, xã Bạch Long có 2 lĩnh vực được coi là mũi nhọn phát triển kinh tế địa phương. Đó là sản xuất muối trắng và nuôi trồng thủy hải sản (cá, tôm…).

Các ao nuôi ở Nông trường Bạch Long được quy hoạch bài bản, xây dựng kiên cố. Ảnh: Mai Chiến.

Ông Nguyễn Hồng Khanh – Giám đốc Nông trường Bạch Long chia sẻ, toàn bộ Nông trường có gần 170 hộ gia đình nhận khoán hơn 140ha ao, đầm để nuôi tôm thẻ chân trắng; cá chép, trắm đen, trắm cỏ… Các ao, đầm nuôi được quy hoạch bài bản.

Trung bình, mỗi năm Nông trường Bạch Long cung cứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 2.000 tấn cá thương phẩm các loại, trong đó cá trắm đen là chủ lực.

Theo ông Khanh, trong quá trình chăn nuôi cá, Nông trường hướng dẫn các thành viên nuôi xen canh con tôm thẻ chân trắng. Nhờ đó, mỗi ha canh tác khi nuôi xen tôm tăng hiệu quả kinh tế từ 50 – 60 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi ha cho thu về 150 – 200 triệu đồng.

“Nếu so với trồng cây cói, thì nuôi cá thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao hơn, giá bán tương đối ổn định, qua đó đời sống của các thành viên được đảm bảo”, ông Khanh cho hay.

Nuôi cá trắm đen đặc sản hướng bền vững
Ông Khanh cho biết, để đảm bảo an toàn dịch bệnh trong quá trình nuôi trồng thủy sản, Nông trường thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn kinh nghiệm chăn nuôi, xử lý dịch bệnh trên ao nuôi.

Đồng thời, yêu cầu các hộ nuôi cá phải tuân thủ quy định mà Nông trường đã đề ra. Theo đó, các hộ nuôi không được thải nước bẩn ra sông; các đầu kênh vùng mặn phải đắp cẩn thận, đảm bảo an toàn. Các hộ có nhu cầu lấy nước ngọt vào vùng mặn phải báo đội trưởng trước 2 ngày…

Gia đình ông Vũ Văn Thiện (xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) thu hoạch cá trắm đen thương phẩm. Ảnh: Mai Chiến.

Là một trong những thành viên tham gia mô hình nuôi trồng thủy sản ở Nông trường Bạch Long, ông Vũ Văn Thiện (xã Bạch Long) tâm sự, thời gian qua, gia đình ông đã đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi cá với quy mô lớn. Hiện nhà ông đang canh tác gần 1,5ha.

Chúng tôi tìm đến trang trại của gia đình ông Thiện khi gia đình ông đang tổ chức kéo cá, bán cho thương lái. Dưới ao, hàng trăm con cá thương phẩm vừa to, dài, nặng gần 10kg/con đang quẫy đuôi, chen chúc trong 1 máng lưới quây. Từng con cá “khủng” được các thương lái bắt đưa lên bờ, chuyển sang thùng nhựa để cân.

Ông Thiện chia sẻ, sau gần 2 năm nuôi thả ròng rã, đến nay gia đình ông bắt đầu thu hoạch cá trắm đen. Trung bình mỗi con cá trắm đen có trọng lượng từ 7 – 8kg. Hiện tại, cá trắm đen đang được bán với giá khoảng 70.000 đồng/kg.

“Chúng tôi cung cứng cá trắm đen thương phẩm cho nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc. Do các ao trong Nông trường được các thành viên nuôi gối vụ nên việc đảm bảo cung ứng cá cho các thương lái được thông suốt và liên tục”, ông Thiện thổ lộ.

Theo UBND xã Bạch Long, toàn xã có khoảng 250 ha nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, các hộ nuôi thủy sản đã bắt đầu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản, bước đầu nâng cao hiệu quả kinh tế, phát huy tiềm năng kinh tế vùng ven biển…

nguồn ; https://danviet.vn/o-nam-dinh-dan-nuoi-ca-tram-den-kieu-gi-ma-keo-toan-con-to-bu-bao-nhieu-cung-ban-het-dan-giau-len-20231112230251196.htm

Tin liên quan