Nông dân vựa quất lớn nhất Nam Định nơm nớp lo lỡ vụ Tết
Dù 5 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, song nhiều nhà vườn tại vựa quất lớn nhất Nam Định đứng trước nguy cơ thất thu vụ Tết do mưa lớn kéo dài đúng đợt chuyền quất khiến hoa chậm phát triển, không đủ thời gian để quả sinh trưởng, kịp chín đúng vụ.
Xã Nam Phong (TP. Nam Định) được biết đến là vựa quất lớn nhất của tỉnh Nam Định. Hiện toàn xã có khoảng 50ha diện tích đất trồng quất, với gần 1.200 hộ dân trồng loại cây này. Cũng nhờ cây quất, nhiều hộ dân trong xã vươn lên làm giàu nhanh chóng do nghề trồng quất đem lại thu nhập trung bình từ 100-300 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều so với cấy lúa.
Theo những nhà vườn có nhiều năm kinh nghiệm tại xã Nam Phong, đối với cây quất cảnh phục vụ Tết, kỹ thuật trồng không quá khó nhưng phải chăm sóc quanh năm, mất nhiều công sức. Tuy nhiên, để quất ra hoa, đậu quả, chín đúng độ phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.
Công đoạn quyết định để quất ra hoa đó là chuyền quất. Đợt chuyền quất thường sẽ bắt đầu từ giữa tháng 5 âm lịch. Lúc này, nhà vườn sẽ xới đất ở gốc cây, làm đứt rễ, kích thích quất ra hoa. Nếu thời tiết thuận lợi, đến tháng 7 âm lịch cây đậu quả, quất sẽ chín đúng dịp Tết.
Năm nay do thời tiết không ủng hộ, các đợt mưa lớn kéo dài đúng đợt chuyền quất đã khiến hàng chục ha quất tại xã Nam Phong ra hoa chậm, nhiều vườn bị thiệt hại lớn do quả không đủ thời gian sinh trưởng, chín kịp đúng dịp Tết.
Chủ tịch Hội nông dân xã Nam Phong Bùi Quốc Huy cho biết, đến thời điểm hiện tại, toàn xã có khoảng 40% diện tích trồng quất bị thiệt hại nửa vườn, gần 10% diện tích bị mất trắng, quả không kịp chín để phục vụ thị trường Tết. Đối với diện tích còn cứu vãn được để bán vào dịp Tết, địa phương đã vận động bà con tập trung chăm sóc, gỡ gạc lại phần vốn đã đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Năm (56 tuổi, trú tại xã Nam Phong) cho biết, dù đã có hơn 30 năm trồng quất nhưng năm nay bà cũng không tránh được thiệt hại. Cả năm dày công chăm sóc chỉ trông ngóng vào vụ Tết nhưng năm nay coi như công cốc vì đa phần quất ra quả muộn, không kịp chín. Bằng vốn kinh nghiệm tích luỹ từ nhiều năm, bà Năm đã cố gắng cứu vãn bằng cách dùng bạt che đậy nhưng hết đợt mưa này đến đợt mưa khác, bà đành bất lực, chấp nhận năm nay sẽ bị thất thu.
Nhiều năm nay, cả nhà tôi sống dựa vào cây quất. Ban đầu, vụ quất năm nay tôi dự tính có khoảng gần 300 gốc quất trên 4 năm tuổi được bán. Giá bán giao động khoảng từ 3-5 triệu đồng/cây.
Đợt cuối tháng 5 âm lịch vừa qua, tôi tiến hành chuyền quất nhưng khi vừa chuyền xong thì mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng đến bộ rễ khiến 60% diện tích bị lỡ hẹn dịp Tết do hoa phát triển chậm 1 tháng so với khung thời vụ. Bốn vườn quất của tôi chỉ được có 1 vườn với khoảng 100 cây đậu quả đúng dịp. Đúng là “người tính không bằng trời tính”. Giờ đành chăm sóc các cây ra hoa muộn để sang năm làm lại”, bà Năm buồn bã nói.
Ngay kế bên, vườn quất của ông Trần Văn Đoan (68 tuổi) cũng thiệt hại ít nhất khoảng 15%. Ông Đoan cho biết, thời điểm này, quả quất phải phát triển to bằng ngón tay mới kịp chín đúng dịp Tết, thế nhưng đến nay, vườn quất của ông có những cây mới bắt đầu ra hoa. Những cây này ông sẽ phải ngắt hết hoa, nuôi cây phát triển cho vụ sau.
Nằm trong số ít hộ may mắn chuyền quất sớm khoảng gần chục ngày, gần 200 gốc quất của anh Vũ Xuân Trường (34 tuổi, trú tại xã Nam Phong) đã “thoát” được đợt mưa, quất vẫn đậu quả đúng dự tính. Tuy vậy, anh Trường cho biết, nghề trông quất phụ thuộc rất lớn vào thời tiết nên cứ năm được năm mất, năm nay thời tiết mưa gió thất thường nên khó làm hơn mọi năm. Không phải muốn chuyền quất sớm là chuyền được vì phải đợi quất già lộc thì mới làm được công đoạn này.
“Dù giai đoạn đậu quả đã thành công, nhưng từ giờ đến vụ Tết vẫn phải bỏ nhiều công sức chăm sóc, vẫn phải “trông trời nhìn đất” vì lo mưa nhiều, sâu bệnh nhiều. Chính vì thế, nông dân chúng tôi chỉ mong thời tiết ủng hộ để công sức cả năm không bị bỏ uổng”, anh Trường bộc bạch.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/nong-dan-vua-quat-lon-nhat-nam-dinh-nom-nop-lo-lo-vu-tet-2316363.html