Làng “kỳ hoa dị thảo” ở Nam Định (bài 1): Đất tổ nghề trồng cây cảnh, ông tổ là Thái úy vương triều nhà Lý

Nhắc đến làng Vị Khê (xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), chắc hẳn giới chơi cây cảnh không ai là không biết. Vị Khê được mệnh danh là đất tổ nghề trồng cây cảnh, trồng hoa ở Việt Nam mà ông tổ là Thái úy Tô Trung Từ, một đại thần của vương triều nhà Lý.

Từ thành phố Nam Định, đi qua cầu Đò Quan, xuôi theo quốc lộ 21 khoảng 8 km, du khách sẽ đặt chân tới làng nghề trồng hoa cây cảnh Vị Khê với tuổi đời hơn 800 năm. Ảnh: Lãng Hồng.

Làng Vị Khê ra đời vào thế kỷ thứ X, với tên ban đầu là Nguyễn Gia Trang. Ngày nay, làng Vị Khê nằm ở trung tâm xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nơi đây, được mệnh danh là đất tổ nghề trồng cây cảnh, trồng hoa ở Việt Nam. Ảnh: Lãng Hồng.

Thái úy Tô Trung Từ, một đại thần của nhà Lý đã dạy người dân làng Vị Khê nghề trồng hoa, trồng cây cảnh để làm kế sinh nghiệp. Tô Trung Từ được người dân tôn thờ là ông tổ nghề trồng hoa, cây cảnh ở địa phương. Ảnh: Lãng Hồng.

Theo lịch sử để lại, năm Tân Mùi (1211), Thái úy Tô Trung Từ, một đại thần vương triều nhà Lý đến Nguyễn Gia Trang, nay là làng Vị Khê (xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Thấy nơi đây là vùng đất đẹp, ruộng đất phù sa màu mỡ, dân cư thuần phác nên đã cho lập hành cung để đi lại.

Nhờ đó, mà người dân Vị Khê mới biết đến nghề trồng hoa cây cảnh và phát triển cho tới ngày nay. Theo thống kê, có khoảng 700 hộ đang làm nghề trồng hoa, cây cảnh. Ảnh: Lãng Hồng.

Đi dọc theo con đường liên xã vào sâu bên trong làng Vị Khê, du khách dễ dàng bắt gặp những vườn cây, chậu cây cảnh “siêu to khổng lồ” ngút ngát màu xanh, thuộc nhiều chủng loại như tùng la hán, sanh cổ, sung… Ảnh: Lãng Hồng.

Theo người dân nơi đây, để cây có hồn, hình dáng bắt mắt, thu hút khách hàng thì bắt buộc cây phải đảm bảo các tiêu chí “Cổ, kỳ, mỹ, văn”. Hiểu nôm na rằng, cổ là lâu năm, kỳ là kỳ lạ, mỹ là đẹp, văn là nhân văn. Ảnh: Lãng Hồng.

Hiện nay, người dân làng Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đang trồng nhiều loại cây cảnh với nhiều hình dáng, thế khác nhau gồm thế trực, thế long, thế bạt phong, thế hoành…, mỗi thế mang 1 ý nghĩa riêng. Ảnh: Lãng Hồng.

Thế trực nghĩa là cây có thân thẳng, thể hiện sự chính trực, con người lúc nào cũng ngay thẳng. Thế bạt phong thể hiện con người đã từng trải qua khó khăn, vượt qua bão táp. Thế long thăng thể hiện con rồng đang vươn mình bay lên trời; thế long giáng thể hiện con rồng với tư thế đáp xuống… Ảnh: Lãng Hồng.

Bên cạnh những phom dáng cây cảnh của lớp người đi trước để lại, ngày nay, lớp người sau ở làng Vị Khê đã biết cách tân, sáng tạo ra những tác phẩm cây cảnh mô phỏng Chùa Một cột, Khuê Văn các (biểu tượng của thủ đô Hà Nội), tháp Eiffel (biểu tượng của nước Pháp), con rồng trong tư thế bay… Ảnh: Lãng Hồng.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, các thế hệ người dân ở đây đã xây dựng nên một làng quê trồng cây cảnh trù phú. Nhiều gia đình xây nhà lầu, mua xe hơi nhờ trồng cây cảnh. Ảnh: Lãng Hồng.

“Hội làng Vị Khê thường được tổ chức từ ngày 12 – 16 tháng Giêng hàng năm. Đây là dịp để tưởng nhớ ông tổ nghề trồng cây cảnh là Thái úy Tô Trung Từ-một đại thần vương triều nhà Lý và cũng là dịp quảng bá làng nghề trồng cây cảnh với du khách xa gần, góp phần rạng rỡ truyền thống mảnh đất văn hiến có bề dày hơn 800 năm khởi nguồn tích tụ”, cụ Nguyễn Tuấn Hữu, thủ nhang đình làng Vị Khê cho hay. Ảnh: Lãng Hồng.

Tin liên quan