Ngôi đền không nóc ở một làng của Nam Định, biểu tượng văn hóa, giáo dục độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Lễ hội đền Độc Bộ thuộc xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là một trong những lễ hội mùa thu lớn nhất vùng châu thổ Bắc Bộ, được tổ chức thường niên, nhằm tri ân công đức của Triệu Quang Phục, người có công chống giặc ngoại xâm và giúp dân khắp vùng châu thổ ven biển an cư lạc nghiệp.

Cũng trên vùng sông nước được coi là nơi hóa thánh của Triệu Việt Vương, hàng trăm năm qua, lễ hội đền Độc Bộ đã vượt qua tầm hội làng, trở thành lễ hội danh tiếng mùa thu của hàng trăm làng vùng phía Nam châu thổ sông Hồng, có phạm vi ảnh hưởng rộng và có sức lan tỏa ra nhiều khu vực lân cận.

Không phải ngẫu nhiên mà gần như dân các làng có di tích trong vùng đều đến đây rước chân nhang thờ đức thánh Triệu Việt Vương về thờ vọng tại các khu thờ tự của làng mình và mỗi khi mở hội làng mình, họ đều phải tới đây xin phép khai hội.

Vào kỳ chính hội, trong không khí náo nhiệt của diễn trình nghi lễ “Tế Tam Kỳ giang” giữa ngã ba sông, du khách từ nơi xa đến dự lễ hội không khỏi ngạc nhiên khi nhìn về phía đối diện bên sông thuộc đất làng Phù Sa Thượng (xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), hiện hữu một kiệu đặt lô nhang ngự phía sau ban thờ nhỏ với đôi ba cây cờ phướn dựng quanh.

Đại diện dân làng tập trung hướng sang/về đền Độc Bộ làm lễ, chắp tay bái vọng… Theo ông Bùi Ngọc Tân, Trưởng ban Quản lý di tích đền, chùa Độc Bộ lý giải: Phía ven sông kia là ban thờ vọng của cư dân vốn có đền thờ của con gái Triệu Quang Phục.

Đền Độc Bộ bên sông thờ Triệu Việt Vương thuộc xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là một trong những lễ hội mùa thu lớn nhất vùng châu thổ Bắc Bộ. Ảnh: Di Tích Lịch Sử Đền Độc Bộ.

Nghe người xưa truyền lại: “Sau khi Triệu Quang Phục bị Lý Phật Tử âm mưu cướp ngôi, dong ngựa đến quán nước ven đường, gặp bà lão thì hỏi: – Giặc ở đâu? Bà lão trả lời: – Giặc ở sau lưng ngựa. Ngài quay lại, thấy cô con gái đang rắc lông ngỗng, bèn tuốt gươm chém cô con gái. Rồi chạy đến cửa Đại Ác, thấy giặc sắp đuổi đến nơi bèn cất hỏi: – Long ơi, Long cứu ta với! Thần Long nổi lên, có cơn sóng trào lên mở đường cho Triệu Quang Phục. Ngài bước xuống thì biến mất, hai mươi lăm năm sau người dân mới thấy nổi xác lên hiển Thánh.

Lại nói, sau khi bị chém, xác con gái vua Triệu trôi dạt sang bên kia sông. Người dân Phù Sa Thượng vớt đem về an táng và lập đền thờ. Các cụ truyền miệng lại, bên kia sông lập đền thờ xác con gái lần thứ nhất thì bị sấm sét đánh tan, lần thứ hai cũng như vậy nên sang làm lễ bên đền Độc Bộ.

Triệu Việt Vương hiện về phán truyền: Ta cho phép bên sông cư dân được làm đền thờ con gái ta, nhưng chỉ được làm đền thờ không nóc, lấy đó mà làm gương. Vào kỳ lễ hội, cấm không được sang bên Độc Bộ dâng lễ, hương khói”.

Theo lời kể ông Bùi Hoàng Điền (2018), Cán bộ UBND xã Yên Nhân“Con gái của Triệu Quang Phục là Cảo Nương hay còn gọi là Công chúa Cảo Nương. Do dẫn mối để kẻ thù giết cha là Triệu Quang Phục nên bị chém chết. Dân bên sông vớt lên đưa về an táng và lập đền thờ.

Truyền lại rằng, đền bên kia sông ba, bốn lần cứ cấtnóc đền xong, đến đêm lại bị giông gió sét đánh tan nát. Dân làng Phù Sa bèn sang đền Độc Bộ dâng lễ bái kiến. Lúc này Quan bản đền giáng đồng hiển linh thánh, phán rằng:“Cứ đúng ngày chính hội 13/8 lịch trăng, chồng kiệu ra bờ sông, sau đó thỉnh chỉ cho phép thờ ai thì mới được thờ.

Ngày 13/8 hằng năm, chính hội đền Độc Bộ, dân làng Phù Sa Thượng lập ban thờ ven sông, đặt kiệu, cắm cờ, làm lễ bái vọng. Đợi đến khi bên Độc Bộ rã hội, đại diện bô lão trong làng Phù Sa mới được sang dâng lễ cúng Triệu Việt Vương”.

Lễ hội đền Độc Bộ, thuộc xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ảnh: Di Tích Lịch Sử Đền Độc Bộ.

Theo sách Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược – Hai bộ Thượng và Hạ của Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh viết vào cuối thế kỷ XIX (bản dịch của Dương Văn Vượng, lưu tại Thư viện tỉnh Nam Định, trang 141) ghi “Đền xã Độc Bộ: Đền làm kiểu 8 mái ở phía trước tòa chữ đinh. Tòa chữ đinh thì chuôi vồ ba gian, tiền đường 5 gian đều làm mái cong, tòa 8 mái cũng mái cong nhưng bốn mặt trống trải, nên mỗi chiều 3 trượng có đục rồng phượng rất tinh xảo.

Truyền rằng tiền triều không có phương đình phía trước, đến thời Mạc mới dựng lên. Đền thờ vua Triệu Quang Phục khi thua trận chạy về tự trầm ở cửa Đại Ác. Tương truyền tại xã Phù Sa có đền thờ Lý Phật Tử, trước đây Phật Tử dùng mẹo cho con trai là Nhã lấy con gái vua Triệu là Cảo, rồi lừa lấy đâu mâu, vua Triệu mất vũ khí bại trận chết ở cửa biển này.

Sau Phật Tử đường cùng cũng chết ở cửa biển ấy, dân xã mới lập đền thờ Phật Tử. Một hôm sắp đến ngày giỗ vua Triệu, bỗng có gió bão sấm sét, đều nhằm vào đền Phật Tử mà đánh, sáng ra tan nát cả, sở tại sợ không dám làm lại nữa, nay xã này chỉ còn đền thờ con gái vua Triệu không có nóc thôi. Gần đó có đền thờ Ngô Nhật Khánh”.

Truyền thuyết quanh vùng phía Nam huyện Ý Yên và tại làng Phù Sa Thượng, thuộc huyện Nghĩa Hưng được truyền lưu chi tiết hơn: Trong thời kỳ xưng vương, trị vì thiên hạ, đóng đô ở đất Vũ Ninh, để giữ mối hòa hảo, Triệu Việt Vương đã gả con gái của mình là Cảo Nương cho Lý Phật Tử, mặc cho cận thần là Nguyễn Khoan can gián, rồi về làng Phạm Xá chọn đất nghỉ ngơi.

Chẳng bao lâu sau, nhà Lý làm phản, cha con Lý Phật Tử đuổi đánh Triệu Vương đến tận Đại Nha. Vua Triệu thấy mình cùng đường, quyết không để sa vào tay giặc, đã cùng các cận thần phi ngựa ra doi đất Bộ Đầu, xuống thuyền bơi đến giữa ngã ba sông tuẫn tiết. Trên đường ra sông, vua Triệu thấy con gái Cảo Nương theo sau, vừa đi vừa rắc lông ngỗng có ý báo đường cho cha con Lý Phật Tử.

Bà bán hàng nước ven đường nhìn thấy, cấp báo Triệu Vương, vua liền quay lại tuốt gươm chém đứa con gái phản nghịch trước khi lao xuống thuyền ra ngã ba sông tuẫn tiết. Cảo Nương bị chém cụt đầu, xác trôi sang bên kia sông. Người dân vớt lên, đưa về thềm đất Phù Sa Thượng ven sông ngay đầu làng (thuộc xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng) an táng và lập đền thờ.

Tuy nhiên, ngôi đền cứ được dựng lên là đêm đến lại bị sét đánh tan nát. Thấy vậy, dân làng làm lễ sang đền Độc Bộ xin vua Triệu cho phép lập đền. Đức vua hiện về, khoát tay ra lệnh: Nếu dân làng muốn thờ phụng Cảo Nương, chỉ được dựng ngôi đền không có nóc để ghi nhớ việc phản phúc của công chúa. Dân làng vâng lệnh làm theo.

Thế nhưng lạ thay, mỗi khi đem bát nhang thờ công chúa vào đặt trong đền, lại bị sét đánh vỡ tan. Khiếp sợ với mệnh trời, dân làng đành bốc bát nhang khác mang ra thờ ngoài sân đền, nội thất trong đền bỏ trống. Năm 1947, giặc Pháp phá ngôi đền không nóc để lấy đất lập bốt. Dân làng chạy được cỗ ngai và sắc phong mang về tạm thờ ở Phủ Mẫu phía trong chân đê, cách đền cũ chừng 300m.

Năm 1994, dân làng tổ chức tôn tạo và xây lập đền thờ mới, trong đó khôi phục các ban thờ thành hoàng làng, bao gồm ông Nhã Lang – một trong những tướng tài của Triệu Việt Vương; Ngô Nhật Khánh, con rể của vua Đinh (năm 979 làm phản vua Đinh, trốn vào Chiêm Thành, khi dẫn quân Chiêm theo đường thủy tiến đánh Kinh đô Hoa Lư, đến cửa biển Đại An bị bão gió đổ về dìm chết, xác trôi dạt vào ven bờ sông thuộc thôn Phù Sa Thượng, dân làng an táng và lập đền thờ) và Trần Khánh Dư, tướng tài nhà Trần.

Kể từ năm 1947-1948 trở đi, khi ngôi đền không nóc bị phá hủy, bài vị thờ Cảo Nương công chúa được rước vào thờ ở Phủ Mẫu, nhưng do chiến tranh loạn lạc, việc hương khói không được quan tâm. Từ đó cho nay, ngôi đền không nóc chỉ còn nằm trong tâm thức của lớp người cao tuổi.

Câu chuyện về nhân vật được phụng thờ là Cảo Nương mang đậm dáng dấp của chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy thời An Dương Vương vẫn được lưu truyền. Cũng chính vì thế, các bậc cao niên trong làng hơn chục năm trở lại đây vẫn tuân thủ tín ngưỡng và phong tục cổ xưa của ông cha, hàng năm, cứ vào dịp mùng một tháng Tư âm lịch vẫn làm giỗ cho công chúa Cảo Nương tại Phủ Mẫu.

Nhận thấy sự linh ứng, thiêng liêng của trời đất, mỗi khi đến kỳ lễ hội, dân Phù Sa Thượng chỉ dám lập đàn chầu tế bên sông, kiệu lô nhang thờ Cảo Nương ra đó, nhìn sang đền Bộ Đầu bái vọng vào đúng ngày chính hội. Khi bên Độc Bộ làm lễ tạ, kết thúc kỳ hội trong năm, dân làng Phù Sa Thượng mới được cùng nhau qua sông, dâng lễ vào đền lễ Thánh.

Trở về đền Độc Bộ những ngày này, dễ dàng đón gặp những lời tâm sự của các bậc cao niên trong Ban khánh tiết về câu chuyện ngôi đền không nóc phía bên kia sông. Theo các cụ sở tại, đây chính là một biểu tượng văn hóa mang ý nghĩa giáo dục độc đáo chưa từng thấy ở bất kỳ di tích tâm linh nào của Việt Nam.

Ước gì, địa phương quan tâm có kế hoạch phục dựng lại ngôi đền kỳ lạ và linh thiêng đó, để một mặt, ghi dấu thời khắc lịch sử bi tráng gắn với cha con Triệu Việt Vương; mặt khác, cũng là khắc họa ghi nhớ một bài học nhân văn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đến mọi thế hệ người dân Việt Nam trên tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, do cha ông sáng tạo và truyền lại cho hậu thế.

nguồn : https://danviet.vn/ngoi-den-khong-noc-o-mot-lang-nam-dinh-doc-nhat-vo-nhi-o-viet-nam-nho-ra-nga-ba-song-gi-20231225200758327.htm

Tin liên quan