Nam Định tìm cách phát triển du lịch
Hội thảo mới đây của Sở VHTTDL Nam Định cho thấy việc xây dựng và quảng bá sản phẩm đặc thù là rất cần thiết trong việc phát triển du lịch.
Cả tỉnh hiện có 1.330 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 349 di tích đã được xếp hạng gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt (di tích đền Trần- chùa Phổ Minh và di tích chùa Keo Hành Thiện); 81 di tích quốc gia và 266 di tích cấp tỉnh.
Nhiều quần thể di tích có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc như: quần thể di tích văn hóa Trần, phủ Dầy, chùa Cổ Lễ, chùa Keo Hành Thiện, cầu Ngói chùa Lương, nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh…
Nam Định còn có hơn 400 nhà thờ công giáo với kiến trúc đặc trưng cũng có sức hút đối với khách du lịch…
Nằm trong vành nôi văn minh lúa nước sông Hồng, Nam Định có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể rất phong phú với các loại hình dân ca, dân vũ.
Tại các địa phương trong tỉnh, hằng năm có hơn 100 lễ hội truyền thống được tổ chức vào dịp đầu xuân, cuối thu, trong đó có những lễ hội nổi tiếng vì quy mô và sự độc đáo như chợ Viềng mỗi năm chỉ có một phiên, lễ hội Đền Trần với tục khai ấn đầu năm, lễ hội Phủ Dày được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…
Đặc biệt, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt mà tỉnh Nam Định được Bộ VHTTDL giao lập hồ sơ trình UNESCO đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2016.
Tuy nhiên, nói như ông Khúc Mạnh Kiên- giám đốc Sở VHTTDL Nam Định thì một số sản phẩm du lịch thu hút đông khách đến đây đã có dấu hiệu bão hòa.
Đáng chú ý, khả năng liên kết giữa các sản phẩm du lịch, nhất là những sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Nam Định với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc với vai trò là điểm nhấn trên hành trình tour, tuyến còn hạn chế, rời rạc nên chưa tạo được sự đa dạng cho sản phẩm du lịch của cả vùng.
Chính vì vậy, việc tìm “lối ra” cho du lịch Nam Định là vấn đề cần được đặt ra.