Nam Định phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030

Ngày 23/11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định tổ chức Hội nghị thảo luận cho ý kiến vào các báo cáo, đề án quan trọng liên quan đến thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, một số nội dung khác.

Tại Hội nghị, các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy thảo luận và cho ý kiến vào 14 nội dung quan trọng về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 là: Dự thảo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; Dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024; Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Báo cáo tổng quyết toán ngân sách Nhà nước tỉnh Nam Định năm 2022; Phương án phân bổ dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước tỉnh Nam Định năm 2024; Danh mục dự án phải thu hồi đất năm 2024 trên địa bàn tỉnh; Danh mục dự án chuyển đổi mục đích sử dụng dưới 10ha đất trồng lúa, dưới 20ha đất rừng phòng hộ năm 2024 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch tạm phân bổ biên chế công chức và số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên năm 2024; Giao số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đối với các huyện, thành phố tỉnh Nam Định năm 2024; Quy định về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2023 – 2025; Công tác tổ chức cán bộ; Lĩnh vực kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng.

Nam Định phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định, thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt của chính quyền các cấp, sự giám sát của HĐND, sự phối hợp của Ủy ban MTTQ; hoạt động quyết liệt, chủ động của các sở, ban, ngành, đoàn thể, cùng sự nỗ lực của toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nên tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định, có sự phát triển so với cùng kỳ và đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực với 12/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên với tổng sản phẩm GRDP ước tăng gần 10% (đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, cao hơn mức tăng chung của cả nước); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,5%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước tăng 14,3%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 17%; thu ngân sách Nhà nước ước tăng 25% so với năm 2022. Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt; ước hết năm 2023, toàn tỉnh có 191/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 93,6%) và 25/188 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 13,3%); các huyện Giao Thủy, Nam Trực, Hải Hậu đang hoàn thành các tiêu chí để đạt huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông huyết mạch, các khu, cụm công nghiệp, các dự án đầu tư trọng điểm tiếp tục được quan tâm đầu tư, đẩy nhanh tiến độ. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư được triển khai có trọng tâm, trọng điểm và đạt được những tín hiệu rất tích cực. Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm triển khai. Trách nhiệm người đứng đầu được quy định rõ ràng cho bí thư, chủ tịch các huyện, thành phố; thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh. Công tác kiểm tra, giám sát được chỉ đạo quyết liệt. Lĩnh vực văn hóa – xã hội được quan tâm, đạt được nhiều kết quả; an sinh xã hội được đảm bảo. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới cần tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực xây dựng Đảng; chung sức, đồng lòng giữ vững ổn định và bảo đảm tốc độ tăng trưởng khá của nền kinh tế; đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, chuyển đổi số, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển.

Toàn tỉnh tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội, nhất là tuyến đường trục, đường cao tốc qua địa bàn tỉnh, dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu Di tích lịch sử – văn hóa thời Trần; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Đặc biệt, tỉnh quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động biện pháp phòng, chống thiên tai, ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; củng cố quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nỗ lực cao hơn, quyết tâm hơn để hoàn thoàn toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần năng động, sáng tạo, bảo đảm đúng nguyên tắc, quy định của pháp luật, từ đó đóng góp tích cực vào việc xây dựng Nam Định trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030./.

nguồn ; https://dangcongsan.vn/xay-dung-chinh-don-dang-nhung-viec-can-lam-ngay/tu-nghi-quyet-den-cuoc-song/nam-dinh-phan-dau-tro-thanh-tinh-phat-trien-kha-cua-ca-nuoc-vao-nam-2030-653266.html

Tin liên quan