Nam Định – ‘nhân tố mới’ trong cuộc đua FDI
Tại miền Bắc, bên cạnh Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang và Bắc Ninh, thì Nam Định đang trở thành hiện tượng mới trong việc đưa ra các chính sách hấp dẫn nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Nam Định – nhân tố mới trong cuộc đua FDI
Từ một tỉnh phụ thuộc vào nông nghiệp, trong vài năm gần đây, Nam Định đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn nhằm thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao ở cả trong và ngoài nước.
Đồng thời, Nam Định đã đẩy nhanh phát triển hạ tầng, hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm, phát triển thêm các khu công nghiệp, khu chế xuất để đón các “đại bàng” lớn về làm tổ.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Nam Định, trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế Nam Định có tốc độ tăng trưởng vượt xa so với mức tăng trưởng bình quân của cả nước, đạt mốc 8,56% so với cùng kỳ năm 2023, xếp thứ 11/63 tỉnh thành cả nước.
Riêng về công tác xúc tiến đầu tư, tính đến hết ngày 20/6, Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 39 dự án, bao gồm 20 dự án đầu tư trong nước và 19 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 5.572,8 tỷ đồng và 148,9 triệu USD. Như vậy, số lượng dự án gấp 3,4 lần và số vốn đầu tư đăng ký gấp 5,8 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện tại, toàn Nam Ðịnh có 170 dự án FDI đang hoạt động, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 4,1 tỷ USD.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, Nam Định có rất nhiều dư địa để thu hút vốn đầu tư FDI, như về quỹ đất, về hạ tầng, nhân lực và đã có những cơ chế thông thoáng tạo điểm nhấn.
Ông Ito Naoki, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 1,73 tỷ USD, đứng thứ 2 trong tổng số 84 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Các công ty Nhật Bản không chỉ đầu tư tại các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM mà còn đầu tư vào một số địa phương khác, trong đó có tỉnh Nam Định.
Riêng với Nam Định, ông Ito Naoki cho rằng: Hiện cơ sở hạ tầng tại đây đang được hoàn thiện nhanh chóng, góp phần nâng cao sức hấp dẫn của địa phương với nhà đầu tư.
Nam Định sẽ đồng hành với doanh nghiệp
Về phía địa phương, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND Nam Định cho rằng: Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, Nam Định xác định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài chính là “mỏ neo” lớn nhất, bền vững nhất cho sự gia tăng không ngừng nguồn vốn FDI.
Theo ông Dũng, các cấp, ngành thuộc tỉnh đang rất nỗ lực để tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, với phương châm “Đồng hành với doanh nghiệp, cùng hướng tới thành công”.
Nhờ đó, thời gian qua, Nam Định đã thu hút được nhiều dự án FDI lớn, như dự án sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy tính của nhà đầu tư Quanta với tổng mức đầu tư 120 triệu USD; Dự án Nhà máy sản xuất sợi, vải, may mặc tại KCN Rạng Đông của Công ty YI DA DENIM MILL (VN) CO., LTD với tổng mức đầu tư 60 triệu USD; Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc tại KCN Rạng Đông của Công ty TNHH sợi hóa học công nghệ cao Xielong Chương Bình Phúc Kiến với tổng mức đầu tư 40 triệu USD.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) về nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH AEON Việt Nam về phát triển dự án trung tâm thương mại AEON Nam Định.
Mới đây, tại Khu công nghiệp (KCN) Dệt may Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, Công ty TNHH Top Textiles, thuộc Tập đoàn Toray (Nhật Bản) đã khánh thành Nhà máy dệt nhuộm có tổng vốn đăng ký 203 triệu USD, tọa lạc trên diện tích hơn 31,2 ha.
Dự án Nhà máy dệt nhuộm Top Textiles được khởi công từ tháng 7/2022, đến nay đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với công suất 60 triệu mét vải/năm, gấp 4 lần công suất của Nam Định hiện nay. Hiện dự án đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Đây là Dự án công nghệ cao, sử dụng ít công nhân, sản xuất đa dạng các mặt hàng sản phẩm dệt may chất lượng cao. Khi hoàn tất đầu tư giai đoạn 2, nhà máy sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 120 triệu mét vải/năm.
Theo đại diện UBND tỉnh Nam Định, việc khánh thành, đưa nhà máy đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Nam Định, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho khoảng 1.800 lao động tại địa phương và các vùng lân cận; lan tỏa sức hấp dẫn, đồng thời khẳng định khả năng đáp ứng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp đến đầu tư lấp đầy tại KCN Dệt may Rạng Đông, từng bước đưa Nam Định trở thành trung tâm lớn về dệt may của cả nước.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cũng khẳng định, để dự án hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đồng thời tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, thời gian tới Công ty TNHH Top Textiles cần tập trung tổ chức tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, đạt hiệu quả kinh doanh cao và tạo công ăn, việc làm cho lao động địa phương.
Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh yêu cầu nhà đầu tư, các đơn vị liên quan chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nhất là các quy định về bảo vệ môi trường, đầu tư, xây dựng, lao động, phòng chống cháy nổ…
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nam-dinh–nhan-to-moi-trong-cuoc-dua-fdi-post303525.html