Nam Định sắp công bố quy hoạch: Lộ diện 4 trung tâm đô thị lớn của tỉnh

Kinh tế của Nam Định năm 2023 tăng trưởng 10,19% so với năm trước, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.

Dự kiến vào ngày 6/3 tới, tỉnh Nam Định sẽ tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư tỉnh Nam Định năm 2024.

Theo đó, Nam Định sẽ phát triển 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo và 5 hành lang kinh tế động lực; phát triển đột phá khu vực kinh tế biển và ven biển, đưa khu vực ven biển trở thành một trọng tâm phát triển của tỉnh.

Bản đồ tỉnh Nam Định

Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi gồm toàn tỉnh với diện tích tự nhiên hơn 1.668km2; 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm thành phố Nam Định và 9 huyện (Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu).

Phấn đấu đến năm 2030, Nam Định trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, là tỉnh phát triển khá của cả nước, một trong những trung tâm phát triển quan trọng của vùng nam đồng bằng sông Hồng. Tỉnh cũng tập trung phát triển 4 trung tâm đô thị động lực và 5 hành lang kinh tế động lực.

Cụ thể, 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo gồm TP. Nam Định mở rộng và các đô thị đối trọng (thị trấn Nam Giang và đô thị Cao Bồ); đô thị Thịnh Long – Rạng Đông (gồm thị trấn Rạng Đông, Quỹ Nhất, Thịnh Long, khu kinh tế Ninh Cơ); đô thị Cao Bồ (thị trấn Lâm, đô thị 4 xã và thị trấn Bo thuộc huyện Ý Yên); đô thị Giao Thủy (thị trấn Quất Lâm, Giao Thủy, đô thị Đại Đồng).

5 hành lang kinh tế động lực bao gồm quốc lộ 10 (TP Nam Định – Cao Bồ); cao tốc Bắc Nam nối dài (Hà Nội – Cao Bồ – Rạng Đông); kinh tế ven biển (Nghĩa Hưng – Hải Hậu – Giao Thủy); quốc lộ 21 và tuyến đường từ TP Nam Định – Xuân Trường – Giao Thủy; tuyến cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng.

Tỉnh cũng phát triển hệ thống đô thị theo hướng hình thành các đô thị lớn, có mối liên kết mạnh với nhau, trong đó ưu tiên phát triển TP Nam Định. Theo quy hoạch tỉnh Nam Định, đến năm 2030 sẽ mở rộng địa giới, phát triển thành phố Nam Định (sáp nhập toàn bộ huyện Mỹ Lộc) trở thành đô thị loại I; đồng thời thành lập thêm 10 đô thị mới.

Quy hoạch cũng thiết lập hệ thống đô thị và các khu công nghiệp tập trung quy mô lớn, kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế – xã hội lớn của vùng đồng bằng sông Hồng, cả nước và khu vực.

Đồng thời, Nam Định tập trung phát triển vùng kinh tế biển, ven biển trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh; chuyển cơ cấu kinh tế vùng ven biển theo hướng tích cực, trọng tâm là công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ, du lịch, kết hợp nông nghiệp, thủy sản, bảo vệ bền vững môi trường. Mục tiêu năm 2030, vùng kinh tế ven biển sẽ là cực tăng trưởng phía nam của tỉnh.

Nam Định là một tỉnh nằm ở phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, có bờ biển dài 72km có điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi và đánh bắt hải sản. Kinh tế của Nam Định năm 2023 tăng trưởng 10,19% so với năm trước, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Quy mô kinh tế cán mốc 100 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 33/63 cả nước và 9/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.

Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2023 theo giá so sánh 2010 ước đạt 58.253 tỷ đồng, tăng 10,19% so với năm 2022, là mức tăng cao trong vùng (3/11) và cả nước (6/63). Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,45%, đóng góp 0,66 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 15,95%, đóng góp 6,68 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,40%, đóng góp 2,64 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,38%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm.

Quy mô kinh tế tỉnh Nam Định năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 103.596 tỷ đồng, tăng 13,41% so với năm 2022. GRDP bình quân đầu người giá hiện hành đạt 54,9 triệu đồng/người, tăng 12,0% so với năm trước.

Về cơ cấu kinh tế: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 17,83%; khu vực công nghiệp và xây dựng 44,77%; khu vực dịch vụ 34,30%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 3,10% (Cơ cấu tương ứng năm 2022: 19,39%; 42,65%; 34,78%; 3,18%).

nguồn ; https://nguoiquansat.vn/nam-dinh-sap-cong-bo-quy-hoach-lo-dien-4-trung-tam-do-thi-lon-cua-tinh-116910.html

Tin liên quan