Nam Định: Phát triển khu công nghiệp tạo mặt bằng hút “đại bàng” về làm tổ

Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã sẵn sàng mặt bằng hoàn thiện hạ tầng để phát triển các KCN, tạo mặt bằng, đảm bảo tốt vấn đề xử lý môi trường, quản lý doanh nghiệp để thu hút đầu tư.

Từ tạo mặt bằng sạch…

Theo ông Phạm Gia Túc – Bí thư tỉnh Nam Định, từ năm 2003, tỉnh đã phát triển các khu công nghiệp (KCN) để tạo mặt bằng, đảm bảo tốt vấn đề xử lý môi trường, quản lý doanh nghiệp để thu hút đầu tư về tỉnh. Với phương châm mặt bằng sẵn sàng, cơ sở hạ tầng hoàn thiện là một trong những yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư, đây là một trong những tiêu chí đánh giá địa điểm đầu tư dự án có hiệu quả hay không bởi việc dự án có thể triển khai nhanh và thuận lợi sẽ giúp nhà đầu tư tiết kiệm được rất nhiều chi phí, kiểm soát và nắm chắc được thời cơ.

Theo Bí thư Túc cho biết, tỉnh Nam Định có những cách đi riêng trong việc thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, doanh nhân theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Thay vì ồ ạt mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư thì Nam Định ưu tiên thu hút những doanh nghiệp lớn, công nghệ cao, thân thiện môi trường, bao gồm cả doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư vào các khu công nghiệp.

Ông Túc cho biết, có những doanh nghiệp muốn đầu tư hàng tỷ USD để chăn nuôi lợn ở Nam Định, nhưng tỉnh không chấp thuận vì có thể ảnh hưởng tới môi trường. Phương châm của lãnh đạo tỉnh trong việc thu hút doanh nghiệp đến đầu tư là “quỹ hồ tinh, bất quý hồ đa”, lượng doanh nghiệp nhiều cũng tốt nhưng doanh nghiệp nhiều mà đóng góp cho sự phát triển của tỉnh ít cũng không phải tốt. “Nam Định đi sau nhưng may là cơ hội chọn lựa bước đi vững chắc”, ông Túc nói. Hiện, Nam Định đang đầu tư về hạ tầng giao thông, quy hoạch kinh tế – xã hội tới 2030 tầm nhìn 2050 để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư và thông tin thêm, tỉnh Nam Định có nhiều giải pháp để thu hút đầu tư theo hướng riêng. “Chúng tôi làm quy hoạch thì công khai luôn để doanh nghiệp tham gia”, ông Túc nói.

Ông Phạm Gia Túc – Bí thư tỉnh Nam Định và lãnh đạo Tập đoàn Quanta ký thỏa thuận phát triển dự án sản xuất máy tính quy mô lớn tại KCN Mỹ Thuận

Hiên nay toàn tỉnh Nam Địnhcó 9 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển, với tổng diện tích 2.046ha, trong đó có 6/10 KCN đã được triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, với tổng diện tích 1.289ha, 2 KCN đang triển khai các thủ tục để thành lập, với tổng diện tích 334ha. Các KCN đã hoạt động ngày càng phát huy được vai trò trong phát triển kinh tế, đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn bao gồm cả vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Hàng năm, vốn FDI đầu tư vào KCN chiếm từ 35-40% tổng vốn đăng ký tăng thêm của cả tỉnh, riêng lĩnh vực công nghiệp chiếm gần 80%.

Theo UBND tỉnh, bên cạnh thành tựu tích cực, quy mô phát triển KCN chưa tương xứng với vị thế Nam Định là tỉnh có truyền thống về công nghiệp; đồng thời chưa tương xứng với vai trò của các KCN. Các KCN (nhất là các KCN Hòa Xá, Mỹ Trung) chủ yếu phát triển theo mô hình KCN đa ngành; mới chú ý đến tiến độ thu hút các nhà đầu tư thứ cấp lấp đầy diện tích đất cho thuê của KCN nhưng ít quan tâm đến nhiệm vụ nâng cao hiệu quả kinh tế của các KCN, chưa thu hút được nhiều ngành công nghiệp đầu tư vốn lớn, công nghệ cao. Các doanh nghiệp đầu tư vào KCN chủ yếu là dệt may (chiếm 32% số dự án đầu tư trong KCN) dẫn đến nhiều vấn đề phải xử lý về đất đai và lao động, thu ngân sách hạn chế.

Một số KCN đang hoạt động còn nhiều hạn chế, nhất là về phát triển hạ tầng dẫn đến thiếu sức hấp dẫn với các nhà đầu tư thứ cấp. Dịch vụ phục vụ KCN còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Việc tập trung lao động quá cao ở một số khu vực có KCN trong khi việc triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân, phát triển các dịch vụ phục vụ công nhân tại các KCN còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người lao động.

Đáng kể, khả năng thu hút đầu tư của nhiều KCN còn thấp, số lượng dự án và doanh nghiệp hoạt động trong các KCN còn tương đối ít so với tổng số dự án, doanh nghiệp công nghiệp trên toàn tỉnh, tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN mới đạt 50,8%. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng có nhiều khó khăn ảnh hưởng lớn đến kế hoạch thành lập các KCN theo quy hoạch đã được duyệt; việc xây dựng hạ tầng trong KCN còn chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu thuê đất của nhà đầu tư. Đặc biệt là, công tác quy hoạch các KCN ở giai đoạn trước còn chưa chủ động bố trí không gian và cơ sở phát triển các ngành, lĩnh vực thu hút đầu tư theo hướng hợp tác, liên kết giữa các KCN với nhau để tạo nên cụm sản xuất quy mô lớn qua việc hợp tác.

Để khắc phục bất cập, tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cải thiện chất lượng công tác quy hoạch liên quan đến phát triển các KCN, nhất là việc lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đã tích hợp phương án phát triển các KCN gắn với các trục động lực phát triển và các tuyến hành lang phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng nhằm tận dụng khả năng liên kết và mở rộng hợp tác phát triển; gắn với lợi thế cạnh tranh và khả năng thu hút đầu tư của KCN nhờ tính đồng bộ của cơ sở hạ tầng kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và cung ứng dịch vụ. Theo phương án, quy hoạch từ nay đến năm 2030, tỉnh giữ nguyên các KCN đã hình thành gồm: Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh, Dệt may Rạng Đông, Mỹ Thuận; bổ sung 11 KCN, nâng tổng số 16 KCN với tổng diện tích 2.546ha.

Nam Định xây dựng hạ tầng khu công nghiệp 500ha đón nhà đầu tư

.. đến hỗ trợ

Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho các KCN, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nâng cao hiệu quả thu hút nhà đầu tư thứ cấp.

Đáng kể, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng các KCN, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình đầu tư, khai thác các KCN theo đúng quy định pháp luật hiện hành, nhất là tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng và đảm bảo tiến độ thi công các công trình phụ trợ nằm trong tổng thể hạ tầng KCN.

Theo tỉnh Nam Định: Trong năm 2023, Ban Quản lý các KCN, Sở Công Thương, Sở Xây dựng đã phối hợp với các ngành có liên quan hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng KCN trên địa bàn tỉnh rà soát hạ tầng kỹ thuật, ngành nghề, lĩnh vực thu hút đầu tư; nắm bắt, dự báo nhu cầu của nhà đầu tư thứ cấp, từ đó tổ chức lập quy hoạch chi tiết giúp việc thu hút đầu tư được nâng tầm chủ động, theo quy hoạch.

Thời gian qua, Nam Định đã tích cực tham gia các sự kiện xúc tiến đầu tư lớn, trọng điểm, có nhiều tiềm năng của vùng và toàn quốc; chủ động phối hợp với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở các nước để tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư ở nước ngoài: châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc; trong đó chú trọng quảng bá về sự chủ động hệ thống hạ tầng các KCN giúp thúc đẩy các nhà đầu tư thứ cấp quan tâm, lựa chọn địa điểm đầu tư cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các KCN trên địa bàn tỉnh…

Theo BQL các Khu Công nghiệp: Để tăng cường thu hút đầu tư, cùng với việc thực hiện “3 sẵn sàng”: sẵn sàng về mặt bằng đầu tư; sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu; sẵn sàng hỗ trợ; BQL các Khu công nghiệp luôn là cầu nối, kết hợp chặt chẽ với nhà đầu tư chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực, tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại KCN.

Theo tỉnh Nam Định: Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút đầu tư vào KCN Dệt may Rạng Đông, KCN Bảo Minh; tập trung mạnh cho xây dựng hạ tầng KCN Hải Long, KCN Trung Thành, KCN Hồng Tiến (khi được thành lập) và thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ, mở ra không gian phát triển mới, gia tăng sức hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư thứ cấp cho các KCN.

Để đồng bộ các giải pháp cho phát triển hạ tầng KCN, các ngành, các địa phương cũng tích cực bám sát Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 982/QĐ-UBND tỉnh, tăng số lượng nhà ở xã hội cho công nhân, đảm bảo giai đoạn 2021-2025 sẽ có thêm khoảng 488.700m2 sàn nhà, tương đương khoảng 9.774 căn nhà ở xã hội xây dựng mới cho công nhân. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở giáo dục Nhà nước trên địa bàn tỉnh cũng đang từng bước hướng vào phục vụ theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, cung cấp nguồn lao động có tay nghề, kỹ thuật cho việc hình thành các KCN, góp phần vào việc chuyển dịch kinh tế, cơ cấu lao động theo vùng.

Việc gia tăng các giải pháp kể trên của tỉnh hướng đến mục tiêu nâng tầm để các KCN ngày càng khẳng định được vai trò là động lực góp phần không ngừng phát triển công nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp trong GRDP tỉnh, góp phần đến năm 2030 Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.

nguồn ; https://baonamdinh.vn/kinh-te/202312/nam-dinh-phat-trien-khu-cong-nghiep-tao-mat-bang-hut-dai-bang-ve-lam-to-b490e22/

Tin liên quan