Nam Định phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường
Nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, Nam Định có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại. Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16.01.2017 của Bộ Chính trị về ‘Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn’, tỉnh đã tăng cường các nguồn lực phát triển du lịch, chú trọng các biện pháp bảo vệ môi trường trong các hoạt động du lịch.
Đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng du lịch
Những năm qua, tỉnh Nam Định đã tập trung khai thác hiệu quả các nguồn vốn đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch, ưu tiên đầu tư các tuyến đường giao thông, hệ thống điện, cơ sở vật chất kỹ thuật cho các dự án nằm trong quy hoạch phát triển du lịch. Nhờ đó, diện mạo các khu, điểm du lịch trong tỉnh ngày càng đổi thay theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.
Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định cho thấy, tính đến tháng 8.2023, toàn tỉnh có 318 cơ sở lưu trú du lịch với 4.924 buồng phòng. Trong đó, có 32 cơ sở lưu trú du lịch xếp hạng từ 1 – 3 sao với 1.173 buồng phòng. Các cơ sở lưu trú du lịch, đặc biệt là các cơ sở lưu trú du lịch xếp hạng sao đã thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định, chú trọng phân loại và xử lý rác thải tại cơ sở kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường. Các cơ sở kinh doanh lưu trú đi vào hoạt động đã thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, niêm yết công khai giá cả dịch vụ, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đã từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, giữ gìn vệ sinh môi trường. Một số khu, điểm du lịch đã thiết lập đường dây “nóng” hỗ trợ khách du lịch và bảo đảm công tác an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường.
Thực tế, các khu, điểm du lịch của tỉnh được phân bố tại các vùng ven biển, vùng nông thôn hoặc tại khu vực ngoại thành, những nơi này quỹ đất tự nhiên lớn, mật độ dân cư không cao nên các hoạt động của du lịch tác động tới môi trường tự nhiên ở mức độ vừa phải. Nhưng hiện đa số các khu, điểm du lịch luôn tự giác, chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, bố trí thùng rác và các phương tiện, vật dụng thu gom, lưu trữ, phân loại chất thải rắn, chất thải nguy hại, quan tâm bố trí nhân viên thu gom và xử lý rác thải hàng ngày. Nhờ đó, môi trường du lịch tỉnh Nam Định ngày càng được cải thiện, tạo ấn tượng tốt cho du khách.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đỗ Quang Trung, những năm gần đây, nhận thức của những người làm việc trực tiếp, gián tiếp trong ngành du lịch, khách du lịch và Nhân dân về các hoạt động bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng được nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hình ảnh du lịch Nam Định. Tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách, bán hàng rong, ăn xin tại các điểm du lịch lễ hội đã được hạn chế. Tại các điểm lễ hội, tình trạng đốt vàng mã được cải thiện. Do đó, số lượt khách đến với Nam Định tăng theo từng năm, trong đó, năm 2022 có 1.036.000 lượt, tăng gần 120% so với cùng kỳ năm 2021.
Khuyến khích phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng
Thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu để chủ động ứng phó với nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng ứng dụng khoa học – công nghệ, vận dụng những mô hình hay, phát huy sáng kiến, kinh nghiệm, tập quán sinh hoạt truyền thống của cộng đồng dân cư trong việc phòng chống bão, lũ, ngập úng… Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch về các biện pháp sử dụng các loại vật liệu xây dựng, các nguồn năng lượng, nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường để tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, giảm thải nhiệt, các chất khí gây hiệu ứng nhà kính. Hướng dẫn các cơ sở thờ tự, di tích đình, đền, chùa, phủ thực hiện nghiêm các quy định về thực hành nếp sống văn minh trong lễ hội, hạn chế đốt vàng mã, giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu vực di tích.
Cùng với đó, tỉnh quan tâm, tạo điều kiện, khuyến khích phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng thân thiện với môi trường, gắn phát triển loại hình du lịch này với các hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên như: bảo vệ rừng, bảo vệ dải cây xanh, từng bước tạo lập sinh kế mới cho người dân bản địa chung sống hài hòa với tài nguyên thiên nhiên ban tặng, thay thế sinh kế truyền thống là chỉ khai thác gây tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái như: làm than, chặt phá rừng lấy củi, thu hẹp diện tích rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản vì lợi ích kinh tế trước mắt.
Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế du lịch với bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu thiết lập và duy trì trật tự kỷ cương, văn hóa kinh doanh bền vững đối với kinh doanh dịch vụ du lịch; tăng cường quản lý giá cả, chất lượng dịch vụ, bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý du lịch; chú trọng quản lý bảo vệ tài nguyên du lịch. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động du lịch tại các địa phương, các khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nhất là vào thời điểm lễ, Tết, thời gian cao điểm về du lịch nhằm xây dựng môi trường du lịch Nam Định văn minh, thân thiện, hiện đại.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/nam-dinh-phat-trien-du-lich-gan-voi-bao-ve-moi-truong-i346231/