Nam Định: Lập hồ sơ đề cử Vườn Quốc gia Xuân Thủy trở thành Vườn Di sản ASEAN
Được công nhận là Vườn Di sản ASEAN có ý nghĩa rất lớn đối với công tác bảo tồn hệ sinh thái có sự đa dạng sinh học; nâng cao nhận thức, thúc đẩy các hành động bảo vệ của chính quyền, người dân.
Ngày 18/9, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Nam Định cho biết, cùng ngày UBND tỉnh ban hành văn bản đồng ý cho Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xây dựng hồ sơ để cử Vườn Quốc gia Xuân Thủy trở thành Vườn Di sản ASEAN theo đề nghị của Vườn và của Sở.
Trong văn bản, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo Vườn Quốc gia Xuân Thủy có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ đảm bảo đúng quy trình thủ tục và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
UBND tỉnh Nam Định giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan hướng dẫn Vườn Quốc gia Xuân Thủy triển khai theo đúng quy định.
Vườn quốc gia Xuân Thủy nằm ở cửa Ba Lạt, nơi sông Hồng đổ về biển với một bên là huyện Giao Thủy (Nam Định) một bên là huyện Tiền Hải (Thái Bình), là một hệ sinh thái đất ngập nước vùng cửa sông. Ngày 2/1/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2003/QĐ-TTg về việc chuyển Khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy thành Vườn quốc gia Xuân Thủy, với tổng diện tích là 7.100 ha, trong đó có 3.100 ha đất nổi và 4.000 ha là đất ngập nước.
Trước đó, từ năm 1989 Vườn quốc gia Xuân Thủy đã tham gia Công ước Ramsar (công ước bảo tồn những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước, được ký tại thành phố Ramsar, Iran năm 1971, có mục đích bảo tồn và sử dụng một cách khôn khéo các vùng đất ngập nước thông qua hành động của địa phương, của khu vực, của quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới). Đến năm 2004, Vườn được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển vùng châu thổ sông Hồng.
Đặc trưng của Vườn là bạt ngàn cây sú vẹt, mênh mông đầm bãi với rất nhiều loài thủy sản. Vườn cũng được biết đến như một “ga chim” khi hàng năm các loài chim di trú trên hành trình tránh rét thường về đây “dưỡng sức”, chuẩn bị cho hành trình tiếp theo.
Trong khi đó, “Vườn Di sản ASEAN” có ý nghĩa như một danh hiêụ̣ bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Vào ngày 18/ 12/2003 các Bộ trưởng về Môi trường của khối ASEAN đã cùng ký Tuyên bố ASEAN về việc thành lập các Vườn di sản, với mục đích hợp tác, bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực. Việc công nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN góp phần quan trọng đối với công tác bảo tồn các hệ sinh thái có sự đa dạng sinh học của từng quốc gia và cả khu vực, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN.
Tính đến nay, Việt Nam đã có 10 “Vườn Di sản ASEAN”, gồm Vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai, Lai Châu), Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), Vườn quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh), Khu bảo tồn Ngọc Linh (Kon Tum), Vườn quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum), Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai), Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang), Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (Lâm Đồng), Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát (Tây Ninh).
Nguồn Đại Đoàn Kết: //daidoanket.vn/nam-dinh-lap-ho-so-de-cu-vuon-quoc-gia-xuan-thuy-tro-thanh-vuon-di-san-asean-5738717.html