Nam Định: Dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, cố Tổng Bí thư Trường Chinh
Hoạt động tưởng niệm được địa phương tổ chức đúng ngày Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn mất 723 năm trước và 35 năm ngày cố Tổng Bí thư Trường Chinh đi xa, theo Âm lịch.
Sáng 4/10 (20/8 Âm lịch), tại Đền Thiên Trường (thuộc Khu di tích lịch sử-văn hóa đặc biệt Đền Trần-Chùa Tháp, TP Nam Định) và tại Di tích Đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định-quê hương, nơi phát tích của vương triều Trần tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 14 vị vua Trần, tưởng niệm 723 năm ngày mất Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (20/8/1300 – 20/8/2023, Âm lịch).
Tại các địa điểm thờ phụng trên, cán bộ, nhân dân địa phương đã ôn lại lịch sử, công lao, đóng góp của vương triều Trần (kéo dài 175 năm) – vương triều thịnh trị bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam; ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo gắn liền với chiến công 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên-Mông ở thế kỷ 13 của quân dân Đại Việt, làm nên hào khí Đông A lừng lẫy một thời.
Trần Hưng Đạo được cả đương thời và hậu thế nhìn nhận là người tiêu biểu cho truyền thống kiên cường, bất khuất, tinh thần quyết chiến, quyết thắng mọi kẻ thù xâm lược của dân tộc; là tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân, đại nghĩa dân tộc; là biểu tượng sáng ngời của tinh thần “trung quân, ái quốc”; là nhà tư tưởng kiệt xuất, nhà quân sự thiên tài, người đặt nền tảng hình thành binh pháp Việt Nam; người hết lòng chăm lo và trọng dụng người tài; coi việc đồng tâm hòa mục vua tôi, anh em, quân sỹ là đại nghĩa cao thượng; chủ động dẹp nỗi bất hòa, giữ tấm lòng trung son sắt vì vua, vì nước, vì dân…
Ông để lại cho hậu thế nhiều kiệt tác như Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư, Hịch tướng sĩ…, tất cả đều toát lên tư tưởng “chí trung đại nghĩa”, lấy dân làm gốc làm kế sách giữ nước.
Trong 30 năm, 3 lần chỉ huy quân dân Đại Việt kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông, Trần Hưng Đạo luôn là hạt nhân quy tụ quân và dân Đại Việt, đồng lòng “Sát Thát”, lập nên những đại chiến công, hiển hách như: Bạch Đằng, Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp…, mãi mãi được sử sách lưu truyền.
Trên hết, ông được nhân dân tôn thờ, suy tôn là bậc “Thánh”, thường được gọi là “Đức Thánh Trần”.
Ngày nay “trong lòng” Nam Định vẫn hiện hữu một không gian văn hóa thời Trần rộng lớn, với dày đặc những di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng cùng sự đậm đặc trong tâm thức dân gian. Đã thành truyền thống, hằng năm nhân dân địa phương tổ chức hai lễ hội là Lễ hội Khai ấn Đền Trần (lễ hội mùa Xuân) và Lễ hội Đền Trần (lễ hội mùa Thu, gắn với tâm thức Tháng Tám giỗ Cha, Tháng Ba giỗ Mẹ).
Cùng ngày, tại Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường), Tỉnh ủy Nam Định tổ chức dâng hương tưởng niệm 35 năm ngày ông đi xa (20/8/1988 – 20/8/2023 Âm lịch).
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gửi lẵng hoa tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Trường Chinh.
Cố Tổng Bí thư Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9/2/1907 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Với 81 tuổi đời, 63 năm hoạt động cách mạng, 3 lần đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư của Đảng, ông được nhìn nhận là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước. Ông đồng thời được nhìn nhận là nhà văn hóa, một trí thức lớn của dân tộc…
Ông là người đã chỉ đạo thành lập, thời kỳ đầu trực tiếp làm chủ bút Báo Cứu Quốc-cơ quan cổ động tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết ngày nay.
Nguồn Đại Đoàn Kết: //daidoanket.vn/nam-dinh-dang-huong-tuong-niem-anh-hung-dan-toc-tran-hung-dao-co-tong-bi-thu-truong-chinh-5740366.html