Nam Định: Dân khát nước sạch, nhà máy đắp chiếu

Hàng vạn hộ dân thuộc huyện Hải Hậu vui mừng khi có tin chính quyền cho phép xây dựng nhà máy nước sạch. Nhưng rồi năm này qua năm khác, người dân chỉ thấy người ta đóng cọc xong, để lại một vùng đất hoang vắng, cỏ mọc đầy. Hy vọng có nước sạch cứ chìm dân theo tháng năm…

Dân trông chờ nước sạch

Năm 2017, Dự án đầu tư Xây dựng nhà máy xử lý nước sạch xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt nhằm mục đích cung cấp nguồn nước sạch sinh hoạt cho nhân dân 32 xã, thị trấn thuộc huyện Hải Hậu và cấp nước đầu mối cho 2 nhà máy cấp nước sạch thị trấn Yên Định và 2 xã Hải An, Hải Toàn khi có nhu cầu và mở rộng cho các vùng lân cận.

Nhà máy được xây dựng trên diện tích 6 ha tại xã Hải Minh với tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 1 là hơn 531 tỷ đồng với thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư.

Công suất của nhà máy đến giai đoạn II năm 2005 theo phê duyệt công suất nhà máy từ 30.000m3/ngày đêm lên 60.000m3 ngày đêm.

Người dân khu vực xung quanh nhà máy nước vui mừng vì từ đây họ có nước sạch dùng sau nhiều năm trời dùng nước giếng khoan.

Môi trường nước ở nhiều xã quanh khu vực nước sạch bị ô nhiễm do ở đây có nhiều làng nghề truyền thống như mộc, sắt thép…

Người dân dùng nước giêng khoan rất bức xúc khi mà chất lượng nước không đảm bảo, cứ khoảng 15 đến 20 ngày họ phải thay lõi lọc nước vì lượng bùn đất bám vào lõi lọc nước quá dày.

Ông Lương Thế Mạnh ở xã Hải Vân cho biết, người dân đã quen sống chung với nước giếng khoan từ lâu rồi và khát khao có nước sạch.

Dự án đã đầu tư rất nhiều tiền của nhà đầu tư.

Nguồn nước sinh hoạt rất đục, chúng tôi phải mua nước để dùng. Con cháu đi học rồi làm việc ở thủ đô mỗi lần về quê chúng sợ nhất là tắm rửa, nên về một đến 2 hôm lại đi.

Chúng tôi đã đăng ký dùng nước sạch khi có tin nhà máy khởi công, đến bây giờ dự án vẫn là một bãi đất hoang, thấy có tập trung đóng cọc nhưng rồi bỏ không đến giờ”.

Bà Mai Thị Hoa cùng ở xã Hải Vân vừa dẫn phóng viên xem nguồn nước sinh hoạt trong gia đình, bà cho biết thêm: “Đời sống của bà con huyện Hải Hậu không đến nỗi nghèo khó mà không thể xây dựng nổi nhà máy nước sạch.

Cứ phải sống với nguồn nước giếng khoan, ô nhiễm như hiện nay là điều bất đắc dĩ. Dân chung kêu quá nhiều rồi, nhưng không hiểu vì sao dự án đã có lại dừng lại?”.

Vậy lý do gì nhà máy đã được cấp phép xây dựng lại “trơ gan cùng tuế nguyệt”, khiến cả dân và chủ dự án kêu trời?

Mọi thứ không như là mơ

Ngày 11/6/2019, UBND tỉnh ra quyết định cho Công ty Hoàng Kim thuê 52.848m2, đất trả tiền 1 lần, thời hạn 50 để triển khai dự án. Doanh nghiệp cũng đã thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng và được khấu trừ vào tiền thuê đất.

Nhưng đến tháng 4/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh ra Quyết định số 21 về chấm dứt 1 phần dự án vì chậm tiến độ 15 tháng.

Một tháng sau, chỉ trong một ngày 23/5/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định đã ban hành 2 Quyết định số 29/QĐ-SKH&ĐT và số 30/QĐ-SKH&ĐT về việc chấm dứt hoạt động và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý nước sạch tại xã Hải Minh.

Lý do chấm dứt dự án mà Sở KH&ĐT nêu ra là: “Dự án chậm tiến độ thực hiện 15 tháng so với tiến độ được phê duyệt, nhà đầu tư không thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án, không thực hiện thủ tục ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết định chấm dứt một phần hoạt động dự án theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư”.

Nhà đầu tư đau xót khi dự án đã đầu tư rất nhiều tiền của nhưng lại bị thu hồi.

Bà Vũ Thị Tuyết, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Cung cấp nước sạch Hoàng Kim cho phóng viên biết: “Chúng tôi đã đầu tư vào dự án, tổng thể trên 100 tỷ đồng từ giải phóng mặt bằng…đến bây giờ khi nhận được quyết định dự án bị thu hồi lãnh đạo cũng như tất cả công nhân đều nhớn nhác, không biết đi đâu về đâu.

Quyết định khó hiểu này mang thiệt hại rất lớn về kinh tế của doanh nghiệp cũng như nhu cầu dùng nước sạch của người dân.

Đường ống và cáp ngầm đã đầu tư xong khắp thôn xóm chưa biết bỏ đi đâu? Các nghĩa vụ tài chính đã có của doanh nghiệp, bao gồm tiền GPMB sẽ được hoàn trả cho người dân sẽ như thế nào?”

Liên quan đến Quyết định về rút giấy phép dự án Nhà máy nước Hải Minh của Sở KH&ĐT Tỉnh Nam Định, Luật sư Trương Quốc Hòe, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Cả 3 căn cứ để cơ quan này rút giấy phép là chậm tiến độ, và chậm nộp phạt hành chính đều chưa xem xét đến các trường hợp bất khả kháng như đại dịch, thiết kế nhà máy nước sát dòng sông đòi hỏi quá trình thẩm định của bộ ngành kéo dài.

Về yêu cầu đặt cọc ký quỹ, luật sư cho rằng: Vì DN đã bỏ tiền GPMB, do vậy không cần phải thực hiện yêu cầu này.

Vì Hoàng Kim đã nộp tiền thuê đất, mà đất này là đất chuyên dung để thực hiện việc kinh doanh nước sạch, thì có nghĩa rằng giá trị của Hoàng Kim đã được nộp vào ngân sách của Nam Định, có lẽ rằng đã lớn hơn 7 tỷ mà theo Luật đầu tư buộc phải ký quỹ.

Vậy thì trong trường hợp này khi đánh giá xem xét nghĩa vụ của Hoàng Kim buộc phải ký quỹ thì UBND Tỉnh phải xem xét đến yếu tố này, vì Hoàng Kim đã bỏ một khối tiền rất lớn để bồi thường giải phóng mặt bằng, rồi nộp tiền thuê đất một lần, lượng tiền đã nộp vào ngân sách NN rất lớn, như vậy cần phải xem xét đến điều 26 của Luật đầu tư”.

Khi sự việc trên chưa được giải quyết xong thì ngày 02/01/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định lại có Văn bản số 04/BC- SKH&ĐT Báo cáo thẩm định về việc chấp thuận nhà đầu tư thực hiện Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước sạch tại xã Hải Minh, huyện Hải Hậu giao cho liên danh Công ty CP cấp nước Nam Định và Công ty CP ngành nước DNP.

Được biết, ngày 05/01/2024, UBND tỉnh Nam Định đã có Quyết định số 25/QĐ-UBND chấp thuận nhà đầu tư thực hiện Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước sạch tại xã Hải Minh, huyện Hải Hậu cho Công ty CP cấp nước Nam Định và Công ty CP ngành nước DNP. Hiện tại, công ty Hoàng Kim đã khởi kiện vụ việc nêu trên ra tòa án.

Ông Mai Văn Quyết, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Nam Định cho biết: “Nước là mặt hàng đầu tư có điều kiện nên việc cấp nước tránh tranh chấp và chồng lấn và phải có phân vùng, quy hoạch hợp lý”.

Ông Quyết cũng chưa trả lời là bao giờ người dân ở Hải Hậu có nước sạch dùng và phải thực hiện đúng quy trình.

Huyện Hải Hậu, là một trong 5 huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới và là huyện đầu tiên có tất cả xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới.

Đảng bộ tỉnh Nam Định và huyện Hải Hậu đều ban hành Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với mục tiêu Hải Hậu là huyện nông thôn mới kiểu mẫu, đến hết năm 2021 sẽ có tất cả đơn vị cấp xã đạt hoặc cơ bản nông thôn mới nâng cao.

Nhưng đến nay, tiêu chí về nước sạch cho người dân vẫn chưa đáp ứng và khó có thể được hoàn thành bởi những vướng mắc đến quy hoạch, đầu tư.

Huyện Hải Hậu có 34 xã, thị trấn nhưng đến nay chỉ có xã Hải An và thị trấn Yên Định được cấp nước sạch, còn lại 32 trong số 34 xã, thị trấn, người dân vẫn phải “sống nhờ” vào nguồn nước ngầm không bảo đảm chất lượng từ nhiều năm nay.

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/giao-thong-do-thi/nam-dinh-dan-khat-nuoc-sach-nha-may-dap-chieu-d203928.html

Tin liên quan