Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam ‘nắn tuyến’ qua Nam Định mang lợi 400 triệu USD

Bộ GTVT cho rằng, việc lựa chọn hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam qua TP.Nam Định có lợi ích ước tính khoảng 400 triệu USD trong vòng 30 năm, so với việc đi thẳng và không đi qua khu vực này.

Thông tin này được Bộ GTVT nêu ra trong báo cáo việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Lợi thế so sánh của đường sắt tốc độ cao so với các loại hình phương tiện khác

Trước đó, cơ quan thẩm tra có ý kiến đề nghị làm rõ hướng tuyến theo nguyên tắc ”thẳng nhất có thể” nhất là đoạn đi qua tỉnh Nam Định, để đảm bảo hiệu quả cho dự án.

Theo Bộ GTVT, hướng tuyến qua tỉnh Nam Định đã được nghiên cứu đảm bảo phù hợp quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch các vùng và quy hoạch tỉnh.

Trong quá trình nghiên cứu, đơn vị thiết kế đã đưa ra 3 phương án để phân tích so sánh lựa chọn. Trong đó, phương án 1 – hướng tuyến tiếp cận gần trung tâm TP.Nam Định, vị trí ga cách trung tâm thành phố khoảng 5 km.

Phương án 2, hướng tuyến đi cách xa trung tâm TP.Nam Định, vị trí ga cách trung tâm thành phố khoảng 12 km.

Phương án 3 – duỗi thẳng hướng tuyến kết nối trực tiếp Hà Nam – Ninh Bình, hướng tuyến không đi qua Nam Định.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, với vai trò là trung tâm phía nam vùng Duyên hải Bắc bộ, TP.Nam Định có quy mô dân số quy hoạch đến năm 2040 khoảng 600.000 dân, là đầu mối giao thông có nhu cầu vận tải lớn, vùng hấp dẫn các địa phương lân cận trong khu vực Đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Hưng Yên…

Theo dự báo đến năm 2050, nhu cầu đi và đến ga Nam Định khoảng gần 3 triệu khách/năm. Cũng theo Bộ GTVT, nếu tính chi phí đầu tư và vận hành khai thác trong 30 năm, đoạn tuyến qua Nam Định (12 km) sẽ có chi phí khoảng 1,66 tỉ USD, lợi ích thu được ước đạt 2,06 tỉ USD.

“Việc khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao qua khu vực TP.Nam Định có lợi ích ước tính đạt khoảng 400 triệu USD trong vòng 30 năm so với việc tuyến đường sắt tốc độ cao đi thẳng và không đi qua khu vực này”, báo cáo nêu.

Ngoài ra, kinh nghiệm thế giới đã cho thấy, có nhiều trường hợp tuyến đường sắt tốc độ cao đi vòng qua các trung tâm lớn để thu hút hành khách, thay vì đi thẳng như tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức.

Thảo luận tại tổ hôm qua 13.11 về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) cũng cho rằng trong quy hoạch hệ thống đường sắt quốc gia và trong quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ga đường sắt tốc độ cao tại xã Mỹ Hưng (H.Mỹ Lộc) (nay là P.Hưng Lộc, TP.Nam Định).

Theo ông Dũng, nhân dân Nam Định rất vui mừng khi thấy bản đồ quy hoạch có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua địa bàn tỉnh và kỳ vọng điều này sẽ sớm được thực hiện trên thực tế.

Các phương án hướng tuyến của đường sắt tốc độ cao
Bộ GTVT cho biết, phương án hướng tuyến đường sắt tốc độ cao đã tính đến kết nối với các tuyến đường sắt hiện hữu và quy hoạch, mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM. Kết nối các cảng hàng không, cảng biển lớn, các khu kinh tế quan trọng và kết nối với mạng đường sắt quốc tế (Trung Quốc, Lào, Campuchia).

Khu vực phía bắc: từ tổ hợp Ngọc Hồi, ga Thường Tín, tuyến sẽ kết nối với các tuyến đường sắt phía bắc (tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lạng Sơn) thông qua tuyến vành đai phía đông và vành đai phía tây.

Mô phỏng tàu đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Đồng thời, kết nối với trung tâm Hà Nội qua tuyến đường sắt đô thị số 1; kết nối với sân bay Nội Bài qua tuyến đường sắt đô thị số 6; kết nối cảng biển khu vực Hải Phòng, liên vận quốc tế với Trung Quốc thông qua tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lạng Sơn.

Khu vực miền Trung, tuyến kết nối liên vận quốc tế với Lào tại ga Vũng Áng thông qua tuyến Mụ Giạ – Vũng Áng – Vientiane; tại ga Chu Lai kết nối với cảng hàng không Chu Lai được hoạch định là đầu mối vận tải hàng hóa bằng hàng không khu vực miền Trung.

Ngoài ra, kết nối cảng biển Vũng Áng (ga Vũng Áng), cảng Kỳ Hà (ga Chu Lai), cảng Vân Phong (ga Ninh Hòa). Quy hoạch kết nối với tuyến đường sắt qua Tây Nguyên tại ga Đà Nẵng.

Khu vực miền Nam: tuyến kết nối với mạng lưới đường sắt khu đầu mối TP.HCM, cảng biển (Cái Mép – Thị Vải) thông qua tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu (ga Trảng Bom); kết nối liên vận quốc tế với Campuchia thông qua tuyến đường sắt TP.HCM – Lộc Ninh.

Kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo tuyến TP.HCM – Cần Thơ. Ga Thủ Thiêm kết nối với trung tâm TP.HCM, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thông qua các tuyến đường sắt đô thị; kết nối trực tiếp với sân bay Long Thành tại ga Long Thành.

nguồn ://thanhnien.vn/duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-nan-tuyen-qua-nam-dinh-mang-loi-400-trieu-usd-185241114091936415.htm

Tin liên quan