Chuyện về chùa cổ 800 tuổi từng là cơ sở cách mạng ở Nam Định

Nam Định – Ngôi chùa cổ hơn 800 năm tuổi ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là cơ sở cách mạng của tỉnh Nam Định.

Chùa Phúc Chỉ (xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) nơi gắn với cuộc kháng chiến của dân tộc. Ảnh: Hà Vi

Chùa Phúc Chỉ ở xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định do Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật xây dựng sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược. Chùa tọa lạc trên một khu đất rộng, thoáng mát. Đến thế kỷ XIX, chùa được đại trùng tu.

Theo lưu truyền về lịch sử chùa Phúc Chỉ, đây là nơi gắn với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân hai huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng. Cuối năm 1929, tại chùa Phúc Chỉ, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Nghĩa Hưng được thành lập gồm 13 người. Không chỉ tổ chức các cuộc họp, hội nghị quan trọng, chùa Phúc Chỉ còn là nơi cất giấu tài liệu, là trạm giao liên thông báo tình hình địch cho cán bộ kháng chiến.

Cũng từ cơ sở cách mạng này đã khơi dậy sự đoàn kết trong quân và dân Phúc Chỉ, tham gia cùng các địa phương khác đấu tranh giành chính quyền, nhiệt tình bảo vệ và nuôi dưỡng cán bộ, lãnh đạo Đảng.

Tiền đường chùa Phúc Chỉ có 7 gian được trùng tu, nâng cấp nhiều hạng mục. Ảnh: Hà Vi

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và cách mạng, chùa Phúc Chỉ được xếp hạng cấp quốc gia năm 1990.

Công trình kiến trúc chùa xây dựng theo bình đồ hình chữ Sơn, kiểu trùng thềm điệp ốc, bao gồm: tiền đường 7 gian và 3 tòa phía sau tiền đường. Trong đó, tòa giữa có 3 gian, hai tòa hai bên mỗi tòa 2 gian thờ Mẫu và Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Ngay phía cổng vào di tích là tháp Cửu Phẩm cao hơn 10m.

Tháp Cửu Phẩm cao hơn 10m. Ảnh: Hà Vi

Gắn bó với ngôi chùa cổ đã hơn 40 năm, trụ trì chùa Phúc Chỉ Thích Đàm Tĩnh cho biết: “Ngôi chùa cổ này có cách đây hơn 800 năm nên nhiều hạng mục bị xuống cấp và đã được sửa chữa, khắc phục hoàn thiện từ năm ngoái. Chùa còn là nơi gắn liền với cuộc kháng chiến của dân tộc nên các trường học thường xuyên tổ chức cho học sinh đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử. Từ đó, giúp nâng cao nhận thức về lịch sử, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh”.

Tin liên quan