Chờ đợi đường sắt cao tốc Sài Gòn về Nam Định chỉ mất 6 giờ
‘Nếu tàu cao tốc Bắc – Nam chạy với thời gian tương tự máy bay thì tôi chắc chắn sẽ chọn đi tàu từ TP HCM về thẳng Nam Định’.
Theo kế hoạch, Việt Nam phát triển hệ thống đường sắt cao tốc Bắc – Nam dài hơn 1.500 km, dự kiến triển khai trước năm 2030, cụ thể vào giai đoạn 2026-2027. Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 có 3.000 km đường cao tốc và tăng lên 5.000 km vào 2030. Đó là những thông tin mới nhất được Bộ Giao thông vận tải chia sẻ trong buổi làm việc chiều 25/6.
Đặt nhiều kỳ vọng vào dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, độc giả Tín Lê chia sẻ: ” Cứ nghĩ tới việc có tàu đi từ Sài Gòn về Nam Định mấy khoảng 6-8 tiếng là tôi đã thấy rất hào hứng rồi. Bình thường tôi phải đi máy bay về sân bay Nội Bài (Hà Nội) hoặc Cát Bi (Hải Phòng) rồi sai đó mới bắt xe khách để về quê. Tính ra, tổng thời gian di chuyển cũng mất 7-8 tiếng, đi lại mệt mỏi. Thế nên, nếu tàu cao tốc đi với thời gian tương tự thì tôi sẽ chọn đi tàu”.
Đồng quan điểm, bạn đọc Lechautuan bình luận: “Rất mong Việt Nam sớm có hệ thống đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Chẳng biết tốc độ sẽ là bao nhiêu, nhưng với cá nhân tôi, đi từ TP HCM đến Hà Nội mà tổng thời gian khoảng 10 tiếng đồng hồ là bản thân đã thấy sướng lắm rồi. Còn nếu tàu đi với tốc độ nhanh hơn nữa thì chắc chắc ai cũng muốn”.
“Tốc độ đi lại càng tăng thì du lịch càng phát triển, vì thời gian dành cho việc tiêu tiền của du khách cũng tăng theo.Chẳng ai muốn đã không tiêu được tiền mà lại thêm ê mông, mỏi cổ cả. Ví dụ, bình thường tôi đi Đà Nẵng mất 5 tiếng, nay tôi chỉ mất 3,5 tiếng, vậy là tôi có thêm 1,5 tiếng để đi dạo ngắm phố phường và mua sắm. Một người như tôi đã vậy thì 100 người như tôi sẽ tạo nên sự thay đổi lớn thế nào?”, độc giả Hoakhanharcheage nói thêm.
>> Cơ hội cho đường sắt khi vé máy bay về quê gần 4 triệu đồng
Cũng ủng hộ dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam sớm thành hình, bạn đọc Tuanh phân tích: “Chưa biết chúng ta sẽ dùng công nghệ nào, khổ đường sắt bao nhiêu… nhưng đường sắt tốc độ cao cực kỳ phù hợp với địa hình của nước ta (hẹp và dài từ Bắc xuống Nam với khoảng 2.000 km). Cùng với hàng không, khi đường sắt cao tốc đi vào vận hành, cả hai sẽ tự thúc đẩy nhau để cùng nâng cao chất lượng và giảm bớt một áp lực cho giao thông đường bộ”.
Trong khi đó, nói về tốc độ khai thác của đường sắt cao tốc Bắc – Nam, độc giả Châu nhận định: “Tuyến tàu tốc độ cao có nghĩa là sẽ cho cả tàu chở hàng 150 km/h và tàu chở người 250 km/h chạy. Như vậy thì mới đảm bảo kinh tế, giá thành chuyên chở người và hàng hóa đều giảm. Hàng nông sản có thể chở thẳng từ ĐBSCL, Nam bộ và Nam trung bộ sang Trung Quốc trong vòng 24h, giảm thiểu xe container chạy đường dài.
Nhiều người cứ muốn làm cao tốc hơn 300 km/h, giá vé cao sẽ ít người đi, mà tốc độ vẫn thua xa máy bay, chưa làm đã lo bù lỗ. Nếu đặt hiệu quả lên hàng đầu thì tốc độ chở người 200-250 km/h và chở hàng 100-150 km/h là hợp lý. Tuyến này sẽ giải quyết chở khách các chặng dưới 700 km và chở hàng xuyên quốc gia và quốc tế (Trung Quốc, Nga và châu Âu), giảm tải cho Quốc lộ 1 và đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Nhờ vậy, đầu tư sẽ có lời”.
Trước đó, cuối tháng 11/2023, Bộ Giao thông Vận tải xin ý kiến về ba kịch bản đường sắt Bắc – Nam, trong đó có hai kịch bản tàu tốc độ 350 km/h chở khách riêng và dự phòng chở hàng.
nguồn ; https://vnexpress.net/cho-doi-duong-sat-cao-toc-sai-gon-ve-nam-dinh-chi-mat-6-gio-4763271.html