Cận cảnh ‘bảo vật’ của làng cây cảnh Nam Định, người dân thay nhau chăm sóc, giá nào cũng không bán

Hai cây sanh cổ có tuổi đời hơn 100 năm từng được chủ nhân gánh bộ vào kinh thành Huế dự thi, đạt giải và được vua Bảo Đại ban thưởng.

Làng nghề Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định lâu nay nổi tiếng là khắp nước với giống cây sanh Nam Điền, được giới chơi cây đánh giá là giống sanh giá trị bậc nhất. Nhiều sản phẩm sanh Nam Điền được giới yêu cây cả nước săn lùng, có những giao dịch lên tới hàng chục tỷ đồng.

“Bảo vật” làng Vị Khê, giá nào cũng không bán

Tuy nhiên, ở làng Vị Khê hiện nay, có hai cây cảnh được người dân thay nhau chăm sóc, coi là bảo vật của làng, nhiều người sành chơi kéo về hỏi mua nhưng trả giá nào người dân trong làng cũng nhất quyết không bán.

Phóng viên VTC News đã tìm về đình làng Vị Khê, nơi đang đặt đôi cây sanh nổi tiếng.

Hai cây sanh cổ được coi là bảo vật của làng Vị Khê được đặt trang trọng ở khu vực sân đình làng.

Bước vào cổng đình, không khó để nhận ra hai cây sanh dáng trực với chiều cao gần 3 mét, thân vỏ xù xì được đặt ở vị trí trang trọng ngay trước sân. Ông Nguyễn Tuấn Hữu – thủ nhang đình Vị Khê – nói về gốc tích của hai cây quý: “Câu chuyện về đôi cây này từ bé đến lớn chúng tôi được nghe rất nhiều. Cả làng đều coi đây là bảo vật để thay nhau trông giữ và chăm sóc”.

Thủ nhang Phạm Tuấn Hữu thường ngày trông coi và chăm sóc cho đôi cây sanh cổ hàng trăm năm tuổi.

Còn ông Nguyễn Thế Lực, trưởng thôn Vị Khê thì tự hào nói: “Đôi cây này là của ông ngoại tôi, tuổi đời chính xác thì có lẽ không ai rõ nhưng cả trăm năm trước ông tôi đã đưa cây đi dự thi và được nhà vua ban thưởng”.

Theo lời kể của ông Lực, năm 1924, ông ngoại của ông là cụ Nguyễn Văn Lã đã đi bộ, gánh đôi cây sanh trực của mình vào dự thi tại kinh thành Huế. Sau nhiều ngày dự thi, tác phẩm đôi sanh trực đạt được giải 3 và được vua Bảo Đại ban thưởng bằng một số lượng lớn gạch xây nhà.

Sau cuộc thi, phần thưởng được cụ Lã sử dụng để xây một mái nhà khang trang, còn đôi sanh đạt giải tiếp tục được cụ Lã nuôi trồng, chăm sóc.

Ông Nguyễn Thế Lực, trưởng thôn Vị Khê kể về đôi cây bảo vật của ông ngoại mình tặng cho làng.

“Căn nhà được xây bằng số gạch vua ban thưởng hiện nay vẫn còn và đang được sử dụng”, ông Lực nói thêm.

Thời gian qua đi, đến giai đoạn cuối những năm 1970, khi ngành nghề cây cảnh nghệ thuật phát triển, cụ Lã đưa đôi cây của mình ra trưng bày tại vườn hoa của làng. Từ đó, đôi sanh cổ trở thành tài sản chung được cả làng giữ gìn và chăm sóc.

Sau đó, nhiều lần hai cây sanh được di chuyển trưng bày tại trụ sở UBND xã. Đến năm 2017, cây được đưa về đặt tại khu vực sân đình làng Vị Khê theo nguyện vọng của người dân.

Đôi cây được người dân khẳng định là vô giá và chưa từng có ý định bán.

Nói về giá trị của đôi cây này, ông Lực nhấn mạnh: “Chắc chắn so với những cây giá trị hàng chục tỷ đồng trên thị trường thì đôi cây này không hề thua kém. Tuy nhiên, về giá trị thực của nó thì là vô giá bởi dân làng chúng tôi không có ý định bán, chưa từng định giá”.

Tiếp lời ông Lực, thủ nhang đình Vị Khê nói: “Đôi cây là bảo vật của làng chúng tôi, hiện nay đang được giao cho hội nghệ nhân của làng có trách nhiệm chăm sóc và bảo quản. Nhiều lần các lãnh đạo trung ương về thăm đã đánh giá đây là một tài sản tinh thần vô giá. Chúng tôi muốn lưu giữ để truyền từ đời này sang đời khác, duy trì truyền thống làng nghề cây cảnh hơn 800 trăm năm lịch sử”.

Đôi sanh cổ được coi là biểu tượng của làng nghề hơn 800 năm tuổi.

Cận cảnh “bảo vật”

Sau một hồi trò chuyện, muốn chỉ rõ về giá trị và vẻ đẹp của đôi sanh cổ này, ông Lực trầm giọng phân tích: “Hai cây sanh này được tạo hình theo dáng trực, muốn thể hiện đức tính chính trực của con người. Với tuổi đời hơn 100 năm, đôi sanh được dân làng chúng tôi gọi với cái tên đơn giản là đôi trực cổ. Đôi cây này tính từ gốc lên đến ngọn có chiều cao 2m, ngang 1,6m. Ngày trước khi ông ngoại tôi đưa cây đi dự thi, cây nhỏ hơn hiện nay rất nhiều nên mới có thể gánh bộ vào tận kinh thành Huế”.
Phần thân vỏ xù sì và u cục chỉ những cây có tuổi thọ vài chục cho đến hàng trăm năm mới có được.

Theo ông Lực, có 3 yếu tố chính để đánh giá về giá trị của một cây sanh đó là: Tuổi thọ của cây, dáng cây, và những lớp u cục của cây do thời gian để lại.

Chỉ vào lớp da sù sì, đầy u cục của cây, ông Lực phân tích, để có được lớp thân vỏ như này chỉ những cây có tuổi đời từ vài chục đến hàng trăm năm tuổi mới có được.

Đôi sanh cổ hội tụ đủ yếu tố của một cây sanh giá trị cao.

“Từ lúc tôi bắt đầu lớn lên đã thấy đôi cây này ở đó. Nó là biểu tượng của làng nghề, là đôi sanh cổ nhất người làng tôi còn giữ được. Vì thế, chúng tôi coi đôi sanh cổ này là bảo vật, sẽ lưu giữ từ đời này sang đời khác, không có mức giá nào có thể khiến chúng tôi bán nó cả”, thủ nhanh đình làng Vị Khê nhấn mạnh.

Nguồn VTC: //vtc.vn/can-canh-bao-vat-cua-lang-cay-canh-nam-dinh-nguoi-dan-thay-nhau-cham-soc-gia-nao-cung-khong-ban-ar802074.html

Tin liên quan