Thuê vàng cưới

Ngồi tính toán chi phí cho hôn lễ, Trần Hà Phương nhận ra riêng khoản vàng cưới đã tốn 64 triệu đồng, số tiền quá lớn với cả hai gia đình nên cô quyết định đi thuê vàng.

“Rất may là hai gia đình đều không thích phô trương nên đồng ý bỏ hẳn màn trao tặng vàng”, cô gái 25 tuổi quê Hải Hậu, Nam Định nói.

Trước đó, vợ chồng Phương định dùng số vàng miếng có sẵn để chế tác thành kiềng, vòng để trao cho cô dâu trong ngày cưới như tục lệ. Tuy nhiên, cô nhận ra chi phí chế tác không rẻ, cưới xong họ vẫn phải bán làm vốn bắt đầu cuộc sống nên càng mất giá. “Chưa kể giá vàng tăng từng giờ, từng ngày, rất tốn kém”, Phương nói.

Cặp vợ chồng trẻ tìm đến tiệm vàng đặt vấn đề thuê, thay cho mua. Phương chọn một dây chuyền ba chỉ, lắc tay hai chỉ và vòng tay ba chỉ, thuê trong ba ngày với giá 650.000 đồng.

“Mình cảm thấy đây là lựa chọn đúng đắn, rất hài lòng bởi tiết kiệm được chi phí”, Phương nói.

Hà Phương và chồng trong ngày cưới ở quê nhà Nam Định. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giữa tháng 10, Phương Ngọc cùng chồng tìm đến tiệm vàng ở phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú (TP HCM) để thuê vàng. Cô gái 25 tuổi dự định tổ chức đám cưới vào cuối năm nay nhưng giá vàng nhẫn đang tăng cao chạm ngưỡng 88 triệu đồng.

Ngọc và chồng đều là công nhân, cảm thấy lo lắng bởi họ không đủ tiền mua vàng. Vợ chồng cô quyết định đi thuê một bộ trang sức dành cho cô dâu trong ngày cưới gồm nhẫn, kiềng, bông tai. Phía tiệm vàng yêu cầu đặt cọc số tiền bằng giá trị bộ trang sức, phí thuê là hai triệu đồng.

Khảo sát của VnExpress với một số tiệm vàng ở Hà Nội, TP HCM được biết dịch vụ cho thuê vàng cưới xuất hiện khoảng 5 năm trước nhưng đặc biệt nở rộ từ cuối 2023, kể từ khi giá vàng tăng cao. Chủ một tiệm vàng ở TP HCM cho biết, tính đến ngày 23/10, nhẫn trơn đã tăng liên tục 10 ngày, mỗi lượng nhẫn trơn tăng hơn 4,5 triệu đồng. So với đầu năm 2024, giá mặt hàng này đã tăng gần 25 triệu một lượng.

Hiện, TP HCM và Hà Nội có hàng chục cơ sở cho thuê vàng cưới. Chủ đề “thuê vàng cưới” xuất hiện ở các hội, nhóm mạng xã hội thu hút hơn hàng triệu lượt xem và trăm nghìn bình luận.

Ông Phạm Duy Hiếu, giám đốc công ty TNHH thương mại vàng bạc đá quý Anh Phương (TP HCM) cho biết nhu cầu thuê vàng nữ trang dùng cho đám cưới đã tăng 80% tính từ cuối năm 2023, trung bình 50-60 lượt khách mỗi tháng.

Dịch vụ phục vụ khách không đủ tài chính mua vàng cưới hoặc muốn tiết kiệm chi phí, một số người thuê chỉ để chụp ảnh. Công ty cho thuê trang sức cưới được trưng bày ở cửa hàng, khách thuê cần để lại CCCD và đặt cọc 8-10 triệu, tùy theo giá trị trang sức.

Khách hàng ở tiệm vàng thuộc quận 3, TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đại diện của dịch vụ cưới hỏi trọn gói Marie Bridal (TP HCM) cho biết xu hướng thuê vàng cưới phổ biến khi giá vàng liên tục biến động và tăng cao. Nhiều cặp vợ chồng trẻ e ngại khi đầu tư vào vàng cưới nên chọn đây là giải pháp linh hoạt và tiết kiệm, giảm nhẹ gánh nặng tài chính.

“Gen Z đang chú trọng đến trải nghiệm và kỷ niệm hơn là việc sở hữu một lượng vàng lớn”, người đại diện nói.

Do đó, các dịch vụ cho thuê nở rộ còn đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa trang sức của các cô dâu. Họ có thể thoải mái lựa chọn nhiều kiểu dáng khác nhau để phù hợp với từng phong cách trang phục, thay vì chỉ có một bộ vàng nữ trang truyền thống.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Tâm, giảng viên khoa kinh tế Đại học Văn Lang TP HCM cho rằng việc tìm đến dịch vụ thuê vàng cưới là phản ứng tự nhiên trước sự biến động của thị trường vàng, đặc biệt là khi bước vào mùa cưới.

Trong văn hóa Việt Nam, vàng là vật phẩm không thể thiếu để làm sính lễ và hồi môn nhưng người trẻ đang chịu áp lực tài chính từ thị trường lao động lẫn khó khăn kinh tế. Một số người chọn cách đi vay tiền mua vàng nhưng sau đám cưới phải bán đi trả nợ và chấp nhận khoản lỗ không ít.

“Ý nghĩa của vàng cưới chúc phúc, tích lũy, không nên mang nặng hình thức”, ông nói. Trong khi đó, dịch vụ cho thuê vàng chỉ tính phí dịch vụ, không dựa trên tỷ giá của vàng nên đáp ứng được nhu cầu này. Với sự biến động của giá vàng, ông Tâm dự đoán xu hướng này sẽ nở rộ hơn nữa trong vài năm tới.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ, giảng viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng quan điểm. Ông nói cách đây 40 năm, nhiều cặp dâu – rể thậm chí phải mượn giày, quần áo hoặc cà vạt của nhau. Sau đó, dịch vụ cưới phát triển thêm cho thuê mâm cỗ, phù rể, MC, hội trường, ca sĩ. “Do đó, nếu xem vàng là một loại trang sức thì thuê cũng không làm mất ý nghĩa của ngày cưới”, ông nói.

Tuy nhiên, việc này cần có sự đồng thuận, thông cảm giữa đôi bên nam nữ và thông gia. Vợ chồng cần bàn bạc với nhau trước để không hiểu nhầm hoặc vướng dị nghị.

Đại diện của Marie Bridal cũng cho rằng sự thống nhất về việc thuê vàng cưới là rất quan trọng. Cả hai nên cùng nhau lựa chọn kiểu dáng vàng phù hợp với sở thích và phong cách.

Họ nên có bản kế hoạch chi tiết, bao gồm thời gian thuê, thủ tục nhận và trả vàng. Đồng thời, trong quá trình diễn ra đám cưới, cũng cần có người trông coi vàng để tránh bị mất mát hoặc hư hỏng, khi đó việc đi thuê lại thành ra tốn kém hơn mua

Tin liên quan