Nam Định Đầu năm học lại ‘nóng’ việc cấm giáo viên dạy thêm
Bước vào đầu năm học, nhiều địa phương như Nam Định, Phú Thọ, Nghệ An,… yêu cầu các trường dừng dạy thêm, học thêm, dạy liên kết với trung tâm bên ngoài dưới mọi hình thức.
Tại Nam Định, công văn nêu rõ, hiện nay một số cơ sở giáo dục và giáo viên đang tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng với các văn bản hướng dẫn, quy định của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, dẫn đến hoạt động dạy thêm, học thêm chưa thực sự hiệu quả, tạo dư luận không tốt đối với học sinh, phụ huynh và xã hội.
Do đó, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường THPT, các Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm theo các văn bản hướng dẫn hiện hành; trong đó chú ý một số nội dung sau:
Không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Học sinh có nhu cầu học thêm tự nguyện viết đơn xin học thêm và được gia đình đồng ý (cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ trực tiếp ký vào đơn).
Thực hiện đúng quy định về thời gian, thời lượng, các yêu cầu chung về dạy thêm, học thêm trong nhà trường và theo đúng Kế hoạch dạy thêm, học thêm đã báo cáo về Sở GD&ĐT (đối với trường THPT), Phòng GD&ĐT (đối với trường tiểu học và THCS).
Đặc biệt, không dạy thêm, học thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, dạy tiếng Anh theo Đề án 1792 của UBND tỉnh.
Cũng theo công văn, không tự ý cho giáo viên trong trường mượn hoặc thuê cơ sở vật chất, tài sản nhà trường để tổ chức dạy thêm, học thêm. Nếu cho cá nhân, tổ chức mượn hoặc thuê cơ sở vật chất, tài sản nhà trường để tổ chức dạy thêm, học thêm, nhà trường phải xây dựng Đề án báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định tại Hướng dẫn 1595/STC-QLG&CS ngày 30/7/2018 của Sở Tài chính.
Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường nhưng không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép (bằng văn bản) của hiệu trưởng quản lý giáo viên đó.
Hiệu trưởng các nhà trường có trách nhiệm quản lý, tổ chức và nâng cao chất lượng việc dạy và học chính khóa; tổ chức, quản lý và kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường; giám sát việc dạy thêm ngoài nhà trường của các cán bộ, giáo viên nhà trường; yêu cầu giáo viên thuộc phạm vi quản lý chấp hành nghiêm túc quy định; kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm về dạy thêm, học thêm.
Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cũng ban hành công văn về việc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm.
Theo công văn, Sở GD&ĐT nghiêm cấm tổ chức dạy thêm đối với học sinh học buổi chiều 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học (ngoại trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).
Người đứng đầu nhà trường phải nâng cao giám sát, thường xuyên theo dõi, nắm bắt và quản lý giáo viên đơn vị mình có tham gia dạy thêm trong và ngoài nhà trường theo quy định…
Tại Nghệ An, Sở GD&ĐT cũng quyết định tạm dừng việc liên kết dạy kỹ năng sống trong các nhà trường, đồng thời rà soát các trung tâm, thẩm định chương trình dạy kỹ năng sống. Sau khi tạm dừng, việc dạy kỹ năng sống cho học sinh vẫn được các nhà trường triển khai thông qua lồng ghép, tích hợp vào các môn học, hoạt động trải nghiệm…
Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, việc dạy và học phải được triển khai theo tinh thần tự nguyện, không được ép buộc. Riêng các trung tâm ngoài nhà trường nếu đủ điều kiện đảm bảo theo quy định vẫn được hoạt động theo đúng các văn bản hướng dẫn và theo nhu cầu phụ huynh.
Đồng thời, Sở GD&ĐT tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc hoạt động của các trung tâm giáo dục kỹ năng sống này.
Tương tự, tại An Giang, Sở GD&ĐT cũng vừa ban hành công văn chấn chỉnh việc nuôi giữ, chăm sóc học sinh tiểu học ngoài giờ học chính khóa tại các cơ sở ngoài nhà trường.
Sở này cũng yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về hoạt động nuôi giữ, chăm sóc học sinh ngoài giờ học chính khóa; không được tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào tại cơ sở nuôi giữ và chăm sóc học sinh.
Theo đó, nhà trường và giáo viên tuyệt đối không dùng các biện pháp trực tiếp hay gián tiếp để gợi ý hay ép buộc học sinh tham gia.
Đề xuất đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Trước đó, cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị sửa đổi hoặc thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGD&ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết, ngày 16/5/2012, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 17/TT- BGD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm (sau đây gọi tắt là Thông tư số 17).
Sau khi Luật sửa đổi Luật Đầu tư đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một số điều quy định về điều kiện và cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 17 không còn hiệu lực.
Tuy nhiên, các quy định khác của Thông tư số 17 vẫn có hiệu lực thi hành, như quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục.
Hoạt động dạy thêm, học thêm phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản sau: Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau, khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.
Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa; đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý.
Không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm; hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của học sinh.
Về các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, Thông tư số 17 đã quy định: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dau-nam-hoc-lai-nong-viec-cam-giao-vien-day-them-post1570458.tpo
-
Huyện đầu tiên của tỉnh Nam Định đón nhận Bằng nông thôn mới nâng cao năm 2023
-
Nam Định “tăng tốc, bứt phá” tạo động lực tăng trưởng kinh tế
GÓC NAM ĐỊNH
-
Nam Định “tăng tốc, bứt phá” tạo động lực tăng trưởng kinh tế
-
Nam Định là nơi sinh của 5 trạng nguyên, có 2 trạng nguyên thần đồng đất Việt, đó là những trạng nguyên nào?
-
Thương hiệu dệt may hàng đầu Singapore chọn Nam Định mở nhà máy 600 tỷ đồng
-
Phát hiện nhóm nam nữ liên tỉnh ‘bay lắc’ trong nhà nghỉ