Chùa cổ hơn 900 tuổi của một làng ở Nam Định có thể sập đổ bất cứ lúc nào

Chùa Nghĩa Xá, hay còn gọi là chùa Viên Quang (thôn Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) có tuổi đời hơn 900 năm. Trải qua thời gian dài lịch sử, hiện ngôi chùa này đã xuống cấp, nhiều hạng mục có thể sập đổ bất cứ lúc nào.

Kiến trúc nội công ngoại quốc

Ông Phạm Công Chiên – Trưởng hội Thái lão làng, bồi bái chùa Viên Quang cho biết, hiện nay trong chùa còn lưu giữ tấm bia cổ khắc năm 1122, nội dung bia nói rõ chùa lúc đó được xây dựng ở Giao Thủy Vạn, quy mô chùa rất lớn với 36 toà, hàng trăm gian.

Tuy nhiên, về sau do sự đổi dòng của sông Hồng, chùa có nguy cơ bị cuốn đi, nên chùa được chuyển về xứ Bát Dương (nay thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), cũng ở ven sông Hồng.

Chùa Viên Quang (xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) có tuổi đời hơn 900 năm. Ảnh: An Lãng.

Sau một thời gian, khu vực chùa lại có dấu hiệu sạt lở nghiêm trọng, vì vậy vào tháng 3 năm thứ 19, đời vua Tự Đức (1867), chùa lại chuyển về vùng đất Lộc Cơ (nay là thôn Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định).

Theo ông Chiên, chùa Viên Quang được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”, nằm trên một khu đất rộng khoảng 5.000m2. Hiện nay chùa thờ Phật và Tứ vị Thánh tổ, trong đó có Thiền sư Giác Hải.

Được biết, chùa Viên Quang là nơi Thiền sư Giác Hải trụ trì và viên tịch. Theo lịch sử còn ghi chép lại, Thiền sư Giác Hải họ Nguyễn, tên Viên Y.

Tam Quan chùa Viên Quang có dấu hiệu xuống cấp, lớp áo tường bị bong tróc theo thời gian. Ảnh: An Lãng.

Ngài sinh năm Giáp Tý dưới triều Vua Lý Thái Tổ (năm 1024), viên tịch năm Mậu Ngọ (năm 1138) dưới triều Vua Lý Anh Tông. Ngài là người xã Hải Thanh (Nam Định), thuở nhỏ làm nghề chài lưới.

Năm 25 tuổi, Thiền sư Giác Hải đi tu thiền, xây dựng và trụ trì ở chùa Diên Phúc (chùa Viên Quang ngày nay). Sau này, Thiền sư Giác Hải kết bạn với Không Lộ và Đạo Hạnh; cả 3 cùng nhau tìm đường sang Tây Trúc học đạo nâng cao.

Hiện nay, trong chùa Viên Quang ngoài thờ Phật còn thờ Thánh. Ảnh: An Lãng.

Sau khi đắc đạo, Thiền sư Giác Hải cùng Không Lộ trở về chùa Diên Phúc. Riêng Từ Đạo Hạnh thì về núi An Sơn (tức núi Phật Tích).

Năm 1072, Thiền sư Giác Hải cùng Không Lộ vào triều trừ được mộc tinh (tắc kè) và chữa khỏi bệnh cho Vua Lý Nhân Tông. Đáp lại công ơn của 2 vị, Vua Lý Nhân Tong phong Không Lộ là Phù Vân Quốc Sư, còn Giác Hải được ban quốc tính.

Ngôi chùa hơn 900 tuổi kêu cứu

Theo ông Phạm Công Chiên, trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, tại ngôi chùa Viên Quang đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ. Năm 1946, thực dân Pháp quay lại xâm chiếm nước ta, chùa Viên Quang là nơi dân quân xã ăn nghỉ, tập luyện trong thời gian dài.

Cũng trong thời gian này, nhà sư Nguyên Thanh Các – Trụ trì chùa Viên Quang đã cởi áo cà sa, tham gia Vệ quốc đoàn để chống lại thực dân Pháp.

Thời kỳ năm 1947 – 1948, chùa Viên Quang là nơi Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Nam Định liên tục đi về tổ chức những cuộc mít tinh quần chúng, có những cuộc mít tinh lớn, như cuộc mít tinh lực lượng ba huyện miền Nam tỉnh: Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu.

Tính đến nay, ngôi chùa Viên Quang đã có tuổi đời hơn 900 năm. Dù trải qua thời gian hàng trăm trường tồn, nhưng chùa Viên Quang vẫn còn lưu giữ bia đá đời Lý, là một trong những bia quý hiếm; lưu giữ được kiến trúc thời Hậu Lê.

Đặc biệt, trong chùa còn lưu trữ tới 3 cỗ kiệu bát cống thời Hậu Lê, 3 nhang án và 3 bài vị thời Hậu Lê; khu mộ tháp bằng đá, mô hình tháp đất nung; 4 pho tượng thánh tổ cùng với tượng Quan Công, Phổ Hiền bằng đồng; các đạo sắc phong của các triều đại ban tặng…

Năm 1991, chùa được Bộ Văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Tuy nhiên, theo ông Chiên, do ngôi chùa được làm hoàn toàn bằng gỗ, đã trải qua thời gian dài lịch sử, nên các cột, vì kèo, mái ngói, cánh cửa…đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hạng mục có thể sập đổ bất cứ lúc nào.

Đặc biệt, Cung Cấm – nơi thờ Tứ vị Thánh tổ hiện đang xuống cấp nghiêm trọng nhất, xung quanh tường xuất hiện các vết nứt nẻ kéo dài, hở to ở nhiều chỗ; hệ thống vì kèo, rui, xà… đỡ mái ngói bị siêu vẹo, gãy, không còn trụ vững…

“Thời gian qua, nhà chùa cùng nhân dân địa phương dùng mấy cây luồng chống đỡ mái tạm thời để cho mái ngói không bị đổ sập… Qua đây, rất mong chính quyền các cấp, các sở ban ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm, hỗ trợ kinh phí để ngôi chùa sớm được trùng tu lại”, ông Chiên tâm sự.

Là người dân địa phương, từ nhỏ đã gắn liền với ngôi chùa cổ, ông Phạm Ngọc Uyển cho hay, trải qua thời gian dài, do chiến tranh tàn phá, do bão lũ vùng ven biển thường xuyên tác động nên ngày nay chùa Viên Quang ngày càng xuống cấp.

Mái chùa bị dột nhiều chỗ, hệ thống cột, vì kèo, giá đỡ… cũng bị mối mọt xâm hại. Cổng Tam Quan, tường bao quanh chùa không còn vững chắc như xưa, lớp áo tường theo thời gian bị bong tróc để lộ rõ ra những hàng gạch đỏ bên trong, do đó chùa cần phải nhanh chóng được trùng tu lại.

nguồn ; https://danviet.vn/chua-co-hon-900-tuoi-cua-mot-lang-o-nam-dinh-co-the-sap-do-bat-cu-luc-nao-dan-dang-keu-cuu-20231217204603932.htm

Tin liên quan