Trại lợn ở Nam Định bốc mùi khó chịu khiến dân ăn không ngon, ngủ không yên

Mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ trang trại chăn nuôi lợn tại xã Đại Thắng (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) khiến cuộc sống của người dân xung quanh bị đảo lộn.

Khốn khổ vì mùi hôi thối

Theo phản ánh của người dân thôn Làng Mới (xã Đại Thắng), từ đầu năm 2023 đến nay, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mùi hôi thối bốc ra từ trang trại chăn nuôi lợn của Công ty CP Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Bách Phượng (công ty Bách Phượng), địa chỉ tại khu Đồng Bùi, thôn Làng Mới.

Trang trại chăn nuôi lợn của Công ty Bách Phượng cách khu dân cư chưa đến 300m

Bà Nguyễn Thị Vân (56 tuổi, trú tại thôn Làng Mới) bức xúc nói: “Nhà tôi ở trong thôn, mùi hôi thối từ trại lợn liên tục bốc lên nồng nặc khiến cả gia đình khốn khổ, ăn không ngon, ngủ không yên.

Nhiều hôm bưng mâm cơm ra, ngửi thấy mùi thối xộc vào là buồn nôn, không thể ăn nổi dù đi làm về rất mệt và đói. Nhà tôi lắp cửa nhôm kính, lúc nào cũng đóng cửa kín nhưng mùi thối vẫn bay vào”.

Bà Vân nói đang tính bỏ ruộng nếu trại lợn còn tiếp tục bốc mùi hôi thối

Cùng chung cảnh ngộ, bà Vũ Thị Thái (63 tuổi, trú tại thôn Làng Mới) bày tỏ: “Những hôm đúng hướng gió thổi vào, mùi thối quá, ở trong nhà cũng phải bịt khẩu trang. Người dân chúng tôi chỉ mong sớm thoát được cảnh này, chứ mùi thối cứ kéo dài, chúng tôi sống sao nổi”.

Nhiều gia đình tại thôn Làng Mới phải đóng kín cửa khi sinh hoạt trong nhà

Không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của nhiều hộ dân, tình trạng này còn gây thiệt hại về kinh tế khi nhiều diện tích đất canh tác ngay sát trại lợn phải bỏ hoang do người dân không chịu nổi mùi thối mỗi khi ra đồng làm việc.

Ghi nhận thực tế của PV, mương nội đồng nằm ngay sát trang trại lợn vốn là nguồn tưới tiêu cho cả cánh đồng, giờ đây, dòng nước đã chuyển màu đen kịt, bốc mùi nồng nặc.

Bà Đỗ Thị Cải (69 tuổi, trú tại thôn Làng Mới), một người dân có ruộng và ao cá ngay sát trang trại lợn không khỏi ngậm ngùi: “Ruộng nhà tôi cách tường rào trang trại khoảng 3m. Vụ trước tôi vẫn cố canh tác, không để lãng phí đất, nhưng mỗi lần ra đồng phải bịt mấy lớp khẩu trang mà vẫn không ăn thua.

Vừa qua, dòng nước đen ngòm đã tràn vào ruộng, lội xuống ruộng thì vừa thối vừa ngứa. Dù mảnh ruộng này đã được cày bừa để chuẩn bị vào vụ mới nhưng giờ tôi không dám làm nữa. Vụ này buộc phải bỏ hoang.

Còn ao nhà tôi nằm ngay bên cạnh mảnh ruộng, từ khi nước chuyển sang màu đen, ốc, cá chết nổi hết cả”.

Ruộng nhà ông Trường cách trang trại lợn 10m hiện đã bỏ hoang

Đứng nhìn 3 sào ruộng gần trang trại lợn đang bỏ hoang, để cỏ dại mọc vì không chịu nổi mùi hôi mỗi khi ra đồng canh tác, ông Vũ Văn Trường (67 tuổi, trú tại thôn Làng Mới) nói: “Trước kia, ruộng nhà tôi trồng ngô, lạc cho năng suất rất cao, nhưng từ năm 2023, các con tôi không cho làm nữa vì vị trí ruộng ngay cạnh trang trại, sợ tôi ra ngửi mùi nhiều về phát bệnh.

Mỗi lần ra ruộng, dù bịt khẩu trang tôi vẫn không thể chịu được mùi thối. Công việc đồng áng làm bao nhiêu năm nay, giờ để đất hoang phí tôi cũng buồn lắm nhưng không cách nào được”.

Sức khỏe của người dân được đặt lên hàng đầu

Liên quan đến phản ánh của người dân, trao đổi với PV VietNamNet, Chủ tịch UBND xã Đại Thắng Đào Xuân Quỳnh cho biết, sau quá trình chăn nuôi, từ năm 2023, mùi hôi thối từ trang trại nuôi lợn của Công ty Bách Phượng bị phát tán ra xung quanh. Chính quyền đã nhiều lần nhận được phản ánh của người dân thôn Làng Mới về vấn đề này.

Khu vực trong trang trại lợn có nhiều bể chứa nước đen ngòm, bọt trắng

Khi bà con phản ánh, đại diện chính quyền địa phương đã xuống tận nơi gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe, giải thích cho người dân và có đề xuất, kiến nghị lên các cấp.

Theo ông Quỳnh, lần gần đây nhất, sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, UBND xã đã làm báo cáo gửi UBND huyện Vụ Bản, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện. Ngay sau đó, UBND huyện đã có quyết định thành lập tổ công tác thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về môi trường của Công ty Bách Phượng.

Tổ công tác đã xuống làm việc với trang trại và đo quan trắc vào sáng 26/11.

“Quan điểm của địa phương là đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu. Nếu công ty này tiếp tục chăn nuôi thì phải đảm bảo môi trường. Nếu việc chăn nuôi của doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ quan chức năng sẽ xử phạt.

Nếu vi phạm tiếp diễn, chính quyền địa phương sẽ báo cáo lên các cấp có thẩm quyền xem xét đề nghị đình chỉ hoạt động trang trại”, ông Quỳnh khẳng định.

Công ty Bách Phượng được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án “Xây dựng trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn thịt siêu nạc và nuôi trồng thủy sản” vào năm 2018 với diện tích trang trại là 35.000m2, trong đó có 7 chuồng nuôi, tổng diện tích 6.030m2. Công suất thiết kế: Lợn đực 10 con/năm, lợn nái 600 con/năm, lợn thịt 6.000 con/năm (3.000 con/lứa), cá rô phi 80.000 con/năm (30 tấn/năm).

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/trai-lon-o-nam-dinh-boc-mui-kho-chiu-khien-dan-an-khong-ngon-ngu-khong-yen-2346341.html

Tin liên quan