Sản xuất công nghiệp của Nam Định ‘chạy nước rút’ về đích
9 tháng năm 2024 sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực với 2 con số, là điểm tựa tốt cho Nam Định hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm.
Công nghiệp chế biến chế tạo phát huy vai trò động lực tăng trưởng
Theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Nam Định, sản xuất công nghiệp duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực, các doanh nghiệp chủ động về kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đảm bảo đơn hàng trong dài hạn.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2024 ước tăng 14,52% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 14,62%, đóng góp 14,21 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,10%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 22,08%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 29,67%, làm giảm 0,10 điểm phần trăm.
Một số ngành công nghiệp cấp II duy trì sản xuất ổn định và có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 34,52%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 18,90%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 18,27%; sản xuất trang phục tăng 18,01%.
Cũng theo Cục Thống kê Nam Định, ngành may mặc đang tập trung sản xuất các mặt hàng thu đông phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Dự kiến các doanh nghiệp may xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung trong thời gian tới bởi xu hướng thay đổi nhà cung cấp từ Trung Quốc sang Việt Nam, do đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu của địa phương mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Ngày 24/9 vừa qua, Tập đoàn Quanta Computer Inc3 đã chính thức xuất khẩu 2 lô máy tính xách tay đầu tiên được sản xuất từ nhà máy tại Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Thuận. Hiện Tập đoàn Quanta đang thực hiện các bước theo lộ trình đầu tư tăng năng lực sản xuất vào năm 2025 đạt 2,6 triệu máy, năm 2026 đạt 3,6 triệu máy, năm 2027 đạt 4 triệu máy, năm 2028 đạt 4,5 triệu máy. Dự kiến, đến cuối năm 2024, tập đoàn sẽ sử dụng khoảng 2.000 lao động, đến cuối năm 2025 sẽ sử dụng 9.000 lao động. Đây là dấu ấn tích cực của tỉnh trong thu hút đầu tư và là tiền đề từng bước hình thành hệ thống doanh nghiệp công nghệ số tại tỉnh, là cú huých lớn đối với ngành công nghiệp điện tử của địa phương.
Tỷ lệ thuận với giá trị sản xuất công nghiệp tăng, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định tháng 9/2024 tăng 0,54% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, chỉ số này tăng 3,20% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp nhận định tốt về triển vọng tăng trưởng quý cuối của năm
Trên cơ sở kết quả đạt được trong 9 tháng năm 2024, mục tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Nam Định trong năm nay được nhận định rất khả thi. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh có cái nhìn “sáng” về quý cuối cùng của năm.
Kết quả khảo sát của Cục Thống kê Nam Định cũng cho thấy, doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo quý IV/2024 khả quan hơn quý III/2024 với 90,78% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định; 9,22% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Mặt khác, có 53,90% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất quý IV/2024 tăng; 37,59% giữ nguyên và 8,51% doanh nghiệp dự báo giảm so với quý III/2024. Về đơn hàng quý IV/2024, 90,71% số doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý III/2024; 9,29% số doanh nghiệp dự báo số đơn đặt hàng giảm.
Dù triển vọng cho tăng trưởng công nghiệp khá sáng trong quý cuối cùng của năm 2024, tuy nhiện đại diện Cục Thống kê Nam Định cho rằng, không nên chủ quan, do đó cần bám sát tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất để tháo gỡ kịp thời.
Thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nâng cao hiệu quả, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; thu hút các dự án đầu tư công nghiệp lớn có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, phát triển xanh, bền vững nhằm gia tăng năng lực sản xuất trên địa bàn và đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh.
Triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung khai thác, phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… nhằm mở rộng đầu ra cho mặt hàng công nghiệp.
Tập trung tối đa nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân, thực hiện hiệu quả vốn đầu tư công năm 2024. Đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/san-xuat-cong-nghiep-cua-nam-dinh-chay-nuoc-rut-ve-dich-349985.html