Quán phở bò gia truyền ba đời nổi tiếng Nam Định

Nam Định – Quán phở bò gia truyền lưu truyền ba thế hệ ở xã Đồng Sơn (huyện Nam Trực) là địa chỉ thưởng thức phở bò nổi tiếng Nam Định.

Quán phở ba đời nổi tiếng ở xã Đồng Sơn (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Ảnh: Lương Hà

Vợ chồng anh Vũ Văn Quang và chị Lại Thị Lý là thế hệ thứ ba tiếp quản việc kinh doanh của gia đình. Anh Quang cho biết, quán phở gốc tre (ở xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) là do ông nội anh mở ra, nấu và bán phở nổi tiếng của quê hương Vân Cù. Ông nội bán được khoảng 20 năm thì truyền nghề cho con là bố mẹ anh.

“Tôi phụ mẹ bán phở từ những năm tôi còn học cấp 2, lâu dần mẹ tôi truyền nghề lại cho vợ chồng tôi. Hiện tại, vợ chồng tôi đang tiếp quản và bán phở theo công thức cha ông để lại khoảng 5 năm nay”, anh Quang nói.

Quán mở bán vào hai khoảng thời gian, từ 4h đến 14h và từ 16h đến 21h. Bên ngoài quán đơn sơ, có vị trí ngay mặt đường tỉnh lộ 490C nên đến quán vào bất kỳ khung giờ nào cũng đông khách. Thực đơn của quán bao gồm các món chính là phở bò tái hoặc chín, áp chảo và sốt vang, nạm gầu. Giá cả dao động 30.000 – 50.000 đồng một bát tùy loại.

Phở ở quán gốc tre là phở tươi làng Vân Cù sản xuất. Ảnh: Lương Hà

Một bát phở bò quán gốc tre gồm bánh phở, thịt bò và nước dùng. Tuy nhiên, cách chế biến phở bò Nam Định có một số điểm khác với phở bò Hà Nội. “Nước dùng phở bò được tôi chế biến ninh nhừ từ xương ống, xương đuôi bò và xương lợn. Sau khi ninh đủ thời gian quy định, xương được vớt ra để tránh làm đục nước dùng”, anh Quang chia sẻ.

Người dân Nam Định hay khách từ các tỉnh, thành khác mỗi khi đi qua đường tỉnh lộ 490C, ít ai có thể bỏ qua quán phở nổi tiếng này.

Thưởng thức phở gốc tre nhiều năm nay, chị Lê Thu Ánh (huyện Nghĩa Hưng) cho hay: “Cứ mỗi lần có dịp từ quê lên thành phố Nam Định là tôi thường tranh thủ đi sớm để ăn sáng ở quán phở gốc tre. Việc đầu tiên làm khi ăn phở là tôi nếm nước dùng, nước dùng ngon sẽ thấy rõ vị ngọt của xương chứ không phải từ mì chính. Mấy chục năm ăn ở đây, hương vị món phở bò sốt vang, thêm vài miếng nạm gầu vẫn là món ăn mà tôi thích nhất”.

Vợ chồng anh Quang hiện vẫn giữ nguyên công thức gia truyền cha ông để lại. Nhờ vậy, qua nhiều năm, lượng khách đến quán không ngừng tăng. Trung bình mỗi ngày, quán bán được 500 – 700 bát, cuối tuần hay dịp lễ có thể lên đến 1.000 bát.

nguồn : https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/quan-pho-bo-gia-truyen-ba-doi-noi-tieng-nam-dinh-1409413.ldo

Tin liên quan