Những điều thú vị về làng nghề làm trống da trâu gần 300 năm ở Nam Định

Thôn Tống Xá, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định không chỉ nổi tiếng cả nước với nghề đúc đồng truyền thống mà còn có nghề làm trống da trâu của dòng họ Nguyễn Văn có lịch sử gần 300 năm.

Sáng ngày 3/9, phóng viên Gia đình và Xã hội có mặt tại làng Tống Xá (tổ dân phố số 13), thuộc thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định nơi đây là một làng nghề truyền thống từ lâu đời nay, trong đó có nghề làm trống đã gần 300 năm tuổi.

Trên đường dẫn vào tổ dân phố 13 của thị trấn Lâm (thôn Tống Xá xưa), tiếng lách cách đục đẽo, bào gọt gỗ, tiếng cạo da trâu điểm xuyết nhịp gõ kéo căng bề mặt trống nghe thật vui tai.

Tại đây, chúng tôi dừng chân tại một xưởng sản xuất trống gia truyền từ trăm năm nay.

Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Quang Thanh chủ xưởng trống Quang Thanh, tổ 13 thị trấn Lâm cho biết: “Nghề làm trống da trâu nơi đây đã trải qua lịch sử phát triển gần 300 năm. Trước đây, trống của dòng họ Nguyễn Văn làng Tống Xá được khách hàng gần xa tin tưởng đặt hàng với đủ loại như: Trống chèo, trống trường, trống Trung thu, trống con, trống cái, trống chùa, trống cơm… từ loại có đường kính từ 10cm, 20cm, 30cm đến loại lớn nhất là 1,3m – 1,5m.

Vị gia chủ này cho biết thêm, gia đình anh có nghề truyền thống lâu đời nay. Hiện tại đến đời anh là thứ 6, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Để hoàn thiện một quả trống như trong hình, từ lúc bắt đầu đến cuối khoảng 5 ngày mới hoàn thiện. Giá bán hiện tại giao động từ 3 – 3,5 triệu đồng.

Ngoài việc sản xuất tại chỗ, như anh Thanh còn đi khắp nơi tìm chỗ để làm trống. Có nơi đặt làm nhiều thì sẽ đưa máy móc đến tận nơi để làm. Ở nơi đây, nhiều gia đình mỗi năm xuất đi hơn 1.000 quả trống các loại.

Nghề làm trống làng Tống Xá vẫn là nghề làm thủ công hoàn toàn, ít có máy móc thiết bị hỗ trợ nên giá trị thu nhập thấp dần so với các sản phẩm làng nghề khác trên địa bàn.

Anh Thanh cho biết thêm, nghề làm trống đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo và am tường nghề của người thợ. Để hoàn thành một cái trống theo đúng yêu cầu, người làm nghề trống cần trải qua các giai đoạn làm da, làm tang và bưng trống (là căng mặt trống). Giai đoạn nào cũng quan trọng, cần có sự kiên trì tuyệt đối.

Nguyên liệu để làm trống thường dùng gỗ mít và gỗ xoan.

Một thứ không thể thiếu là da trâu, đây có thể gọi là “linh hồn” của quả trống.

Để tạo ra được một chiếc trống hoàn chỉnh, người dân ở nơi đây phải trải qua 3 công đoạn chính: Làm da, làm tang và bưng trống. Da trống được làm bằng da trâu. Da trâu được cạo lớp phôi cho mỏng rồi đem phơi khô.

Người thợ làm trống sẽ làm cho các dăm gắn kết lại với nhau bằng keo sữa, tạo thành trống kín, khít, tròn. Dăm trống không được phép nối vì sẽ ảnh hưởng tới âm thanh.

Những khung trống được dựng lên sau khi được gắn kết, được mài nhẵn.

Bên cạnh đó, bưng trống là công đoạn quan trọng nhất, quyết định tiếng trống. Người thợ sẽ căng tròn da trâu trên mặt trống rồi dùng đinh bằng vâu hoặc tre đóng cố định vào thân trống.

Sau khi hoàn thành các giai đoạn trên trống sẽ được mang đi sơn. Sau đó, trống được bán ra thị trường dao động ở nhiều mức giá,tùy thuộc vào kích cỡ và chất liệu từ 1 triệu đến cả vài chục triệu.

Không phát triển mạnh như nghề đúc đồng nhưng nghề làm trống da trâu vẫn tìm được lối đi vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội phát triển nghề, giữ gìn nét đẹp văn hóa.

Nguồn GĐ&XH: //giadinh.suckhoedoisong.vn/nhung-dieu-thu-vi-ve-lang-nghe-lam-trong-da-trau-gan-300-nam-o-nam-dinh-172230903171152342.htm

Tin liên quan