Người con quê phở từ mọi miền hội ngộ về Nam Định, mở hội nấu phở
TTO – Nhân dịp Ngày của phở 12-12, hàng chục người nấu phở Nam Định trong cả nước về làng Vân Cù, xã Đồng Sơn (Nam Trực, Nam Định) mở hội làng, cho du khách trải nghiệm nấu phở Nam Định truyền thống.
Đi hội nấu phở
Từ ngày 9-12, trước ngày diễn ra chuỗi sự kiện Ngày của phở 12-12, người dân làng Vân Cù mở hội để dân làng và du khách trải nghiệm những công việc liên quan đên nấu phở Nam Định truyền thống.
Vân Cù, Giao Cù, Tây Lạc là ba ngôi làng được xem là quê hương của món phở Nam Định. Những người con của làng truyền nhau bí quyết tráng bánh phở ngon, ninh xương ngọt đậm và có những bát phở thơm lừng từ đầu phố đến cuối phố.
Hội làng có trải nghiệm giã giò, tráng bánh phở, cắt bánh, thái thịt… các trò chơi bịt mắt đập niêu, múa rối nước, nghe hát ca trù…
Anh Vũ Đình Tuyên, người ở huyện Hải Hậu (Nam Định) được một đầu bếp của làng Vân Cù hướng dẫn cách tráng bột, vớt bánh bằng ống tre. Anh Tuyên lập nghiệp ở Hà Nội, rất tự hào khoe với bạn bè về những quán phở có chữ “Cồ”, chữ “Vũ” của người Nam Định khắp nơi. Đây là lần đầu tiên anh tận mắt thấy người quê Nam Định biểu diễn kỹ thuật tạo ra thứ bánh vừa dai, vừa mềm lại thơm dậy mùi lúa quê hương.
“Nếu để í một chút sẽ thấy bánh phở làm bằng máy dễ bị bở hoặc không quện với nước phở. Về đây tôi mới thấy khi thái bánh, người ta phết một lớp mỡ mỏng lên tấm ván để chống bánh dính vào nhau. Chính lớp mỡ rất mỏng này lại ngăn không cho sợi bánh bị se bề mặt, và dậy mùi thơm của bánh” – anh Tuyên nhận xét.
Bàn chuyện mở tour du lịch trải nghiệm
Anh Cồ Huy Đồi chia sẻ mấy đời người làng Vân Cù lam lũ với gánh phở. Nghề phở luôn tất bật thức khuya, dậy sớm, tay bám mỡ, áo ám mùi hồi. Thế nhưng những người làm nghề nấu phở như anh Đồi ngày hôm nay đã nghĩ đến những tour du lịch trải nghiệm.
“Ai cũng biết đến phở Nam Định, nhưng họ mới biết đó là một món ăn ở tỉnh nào cũng có. Nấu được bát phở ngon, người đầu bếp phải kỳ công, bỏ hết tâm huyết vào đó. Phở đã trở thành một nét văn hóa, vì thế khai thác nét văn hóa ấy, cho du khách được trải nghiệm, được tìm hiểu về phở để họ hiểu biết hơn về món ăn này, và cũng là một hoạt động mới cho khách du lịch”, Anh Đồi bày tỏ.
Người trong làng có nghề nấu phở gia truyền, họ bôn ba khắp nơi mang thứ quà trứ danh đất Thành Nam tới mọi miền Tổ quốc.
Ông Cồ Bảy xỏ chiếc đòn gánh vào gánh phở bằng gỗ, đội mũ lá cọ nhờ người làng chụp một bức ảnh lưu niệm. Người làng Vân Cù coi gánh phở như bảo vật của làng. Cuộc sống của ông cha người Vân Cù gắn liền với những gánh phở rong ruổi khắp các phố phường, đô thị.
Ông Bảy khoe, ông ngoại ông kiếm sống bằng việc gánh phở đi bán khắp các phố ở Hà Nội, rồi về Nam Định. Bố ông là người làng khác, đi gánh thuê cho ông ngoại rồi kết duyên với mẹ ông, trở thành người con làng Vân Cù.
Ngày nhỏ, ông Bảy vẫn theo bố đi bán phở ở thành phố Nam Định, lớn lên ông vào Bình Dương lập nghiệp. Mới đó, quán phở mang tên Cồ Bảy ở Bình Dương đã 30 năm.
Ông Bảy và người trong làng họa hoằn lắm mới có dịp về quê. Có khi là ngày tết, có khi là giỗ chạp, cưới hỏi. Năm nay, gần đến Ngày của phở 22-12, anh thu xếp về, vừa thăm bà con cô bác, vừa để gặp mặt bà con họ hàng là những ông chủ quán phở Nam Định ở khắp nơi trong nước.
“Đến bây giờ có thể nói chúng tôi đang phát huy rất tốt nghề của cha ông. Nhưng hôm nay chúng tôi tập hợp nhau lại, đoàn kết để tìm ra hướng đi bền vững nhất cho phở”, ông Bảy nói.
Theo ông Bảy, phở Nam Định có ở khắp nơi, nhưng làm cách nào để nhân rộng các quán phở ngon, định vị thương hiệu Phở Nam Định trong lòng người tiêu dùng vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.
Ông Cồ Huy Đồi cho hay, việc đầu tiên phải làm của từng thành viên trong Câu lạc bộ Phở Vân Cù là nấu phở ngon, tiến tới nâng cao chất lượng phục vụ, quảng bá để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thực khách. Cao hơn nữa là khai thác được nét đặc trưng, truyền thống của phở Nam Định, kết hợp với những đơn vị lữ hành chuyện nghiệp để khai thác các tour trải nghiệm liên quan đến phở.
Tinh hoa hội tụ
Đó là slogan của chương trình Ngày của phở 12-12 năm 2022, tổ chức tại Nam Định từ ngày 10 đến 12-12.
Ở tuổi lên 6, Ngày của phở lần đầu về Nam Định – một địa phương có công lớn trong việc phát triển món phở. Đánh dấu sự kiện quan trọng này, Ngày của phở năm nay có nhiều hoạt động đặc biệt: Trải nghiệm phở Việt dành cho khách nước ngoài là nữ đại sứ, phu nhân đại sứ đang công tác ở Việt Nam, tham quan làng phở 100 tuổi để dự Hội phở làng Vân Cù hưởng ứng Ngày của phở (10-12), Gala Ngày của phở tại công viên Vị Xuyên với sự góp mặt của các loại phở như phở Nhắng của người Giáy, phở ngô của người Mông, phở hai tô Gia Lai, phở vịt, phở chua Lạng Sơn, phở từ miền Nam, phở từ Hà Nội và phở Nam Định (11-12); Xe phở yêu thương phục vụ các gia đình có trẻ bại não ở Nam Định (12-12)…
nguồn : //dulich.tuoitre.vn/nguoi-con-que-pho-tu-moi-mien-hoi-ngo-ve-nam-dinh-mo-hoi-nau-pho-20221209190402151.htm