Nam Định nhắc nhở một loạt doanh nghiệp sai phạm trong khai thác cát
Nam Định ra văn bản chấn chỉnh loạt doanh nghiệp sai phạm khai thác khoáng sản thác, trong đó có Công ty Sông Đà – Hà Nội.
Bêu tên loạt doanh nghiệp sai phạm trong khai thác cát
Một loạt doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn tỉnh Nam Định vừa bị nhắc nhở, yêu cầu chấn chỉnh và chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về hoạt động khai thác khoáng sản, gồm: Công ty cổ phần Sông Đà – Hà Nội; Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy; Công ty TNHH Hoàng Tuấn; Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Hùng Cường; Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Thanh Tâm; Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Nam Đại Thành; Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Hưng Thịnh Nam Định.
Tàu khai thác cát không số tại cống Quần Vinh (xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng). Ảnh: Kiên Trung.
Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản cát.
Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn xảy ra nhiều vi phạm liên quan đến hoạt động khoáng sản cát như khai thác cát trái phép, khai thác cát có dấu hiệu nằm ngoài phạm vi ranh giới được cấp phép, sử dụng phương tiện, thiết bị không được đăng ký để đưa vào khai thác cát…
Sở TN-MT yêu cầu các đơn vị đã được cấp phép khai thác thực hiện nghiêm quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; không được khai thác ngoài phạm vi khu vực mỏ đã được cấp phép, không được khai thác vượt quá công suất, vượt quá độ sâu cho phép, kiểm soát chặt chẽ sản lượng khai thác thực tế hàng năm.
Thực hiện khai thác, sử dụng khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường đúng mục đích, yêu cầu theo Quy hoạch đã được phê duyệt đảm bảo đáp ứng nguyên liệu phục vụ cho san lấp dự án, công trình trọng điểm và nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình khai thác khoáng sản, tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản phải lập chứng từ, sổ sách, tài liệu, thông tin, số liệu để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực khai thác, thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản khai thác; Lưu trữ bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng; thông tin, tài liệu liên quan và sổ sách, chứng từ, thông tin, số liệu để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế theo quy định về lập bản đồ, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác, thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác và quy trình, phương pháp, biểu mẫu để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế.
Nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan; đăng ký phương tiện ra, vào mỏ phục vụ khai thác, vận chuyển cát; đăng ký kế hoạch khai thác với Sở TNMT; giám sát các phương tiện ra, vào khu vực mỏ cấp phép đảm bảo chỉ những phương tiện đã được đăng ký và có sự chấp thuận bằng văn bản mới được phép ra, vào khu vực mỏ phục vụ khai thác, vận chuyển cát.
Mọi sự thay đổi về quy trình công nghệ khai thác, phương thức khai thác, phương tiện khai thác, số lượng tàu khai thác phải được đăng ký bổ sung bằng văn bản;
Chịu trách nhiệm hoàn toàn về trật tự an ninh, an toàn đối với người và phương tiện của đơn vị, đảm bảo an toàn đê điều, môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển liên quan đến khu vực mỏ cấp phép. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu ảnh hưởng hoặc qua phản ánh của người dân về sự cố môi trường, đê điều, hiện tượng sụt lún đường bờ phải dừng ngay mọi hoạt động khai thác và tổ chức khắc phục sự cố, đồng thời thông báo ngay với các cơ quan chức năng.
Duy trì, thực hiện thả phao báo hiệu các điểm khép góc, báo hiệu ranh giới mỏ đảm bảo đúng yêu cầu về số lượng, quy cách kỹ thuật của phao. Kịp thời sửa chữa, thay thế các phao hỏng, trôi dạt…
Tạm dừng mỏ cát để tìm nguyên nhân gây sạt lở khu kè sinh thái 100 tỷ
Công ty cổ phần Sông Đà – Hà Nội là đơn vị được cấp quyền khai thác cát biển tại huyện Nghĩa Hưng từ ngày 10/11/2017 bằng phương pháp lộ thiên tại Lô số 1A khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng. Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cấp 3 giấy phép khai thác cát khác cho Công ty Cổ phần Sông Đà Hà Nội tại Lô số 1B, 2A, 2B. Tổng diện tích được cấp khép khai thác cát tại 4 giấy phép là 180ha với tổng trữ lượng 6.057.180 m3.
Điều đáng nói, vị trí khai thác cát của đơn vị này gần với khu kè biển sinh thái du lịch được đầu tư xây dựng với kinh phí 100 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, kè biển này liên tục sạt lở, nhiều cơ quan chức năng vào cuộc, tìm nguyên nhân nhưng vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng.
Theo phản ánh của người dân, Công ty Sông Đà – Hà Nội sử dụng số lượng lớn tàu hút công suất lớn, có những thời điểm khai thác sát bờ. Hoạt động hút cát biển được cho là nguyên nhân dẫn tới việc công trình này bị sạt lở, hư hại nghiêm trọng đến nay vẫn chưa có phương án khắc phục.
Đã có thời điểm, Nam Định yêu cầu đơn vị khai thác cát biển, công ty Sông Đà – Hà Nội dừng khai thác để xác định nguyên nhân.
Trước đó, tỉnh Nam Định cũng ra Văn bản số 1012 về việc quản lý, xử lý vi phạm hoạt động khai thác cát trên địa bàn. UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong quản lý hoạt động khoáng sản cát, các nội dung theo Chỉ thị số 02 về việc tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với các vi phạm liên quan đến hoạt động khoáng sản cát trên địa bàn tỉnh Nam Định, Văn bản số 348 ngày 09/4/2024 của UBND tỉnh về việc chấp hành nghiêm các quy định trong hoạt động khoáng sản cát trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị được cấp phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh tuân thủ đúng các nội dung theo giấy phép khai thác về phạm vi, diện tích khu vực mỏ, công suất, trữ lượng, phương pháp khai thác; việc đăng ký các phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát; việc chấp hành về thời gian được phép khai thác.
UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.