Nam Định: Giao Thủy phát triển mạnh mẽ sau 25 năm tái lập huyện
Sau 25 năm tái lập huyện, dưới sự đồng lòng nhất trí của nhân dân cùng với nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị qua các thời kỳ, hiện nay kinh tế – xã hội phát triển, hạ tầng đô thị, giao thông, thủy lợi đồng bộ, hiện đại, an sinh xã hội, y tế giáo dục được nâng cao… Đó là nền tảng vững chắc để huyện Giao Thủy có những bứt phá trong thời gian tới.
Ngày 01/4/1997, huyện Giao Thủy được tái lập theo Nghị định số 19-CP của Chính phủ. 25 năm kể từ khi tái lập đến nay mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Giao Thủy đã quyết tâm cao, nỗ lực phấn đấu không ngừng trong xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, hạ tầng, đảm bảo quốc phòng – an ninh và đạt được nhiều thành tích, kết quả quan trọng.
Từ một địa phương thuần nông đến nay huyện Giao Thủy đã xây dựng được một nền kinh tế phát triển năng động; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng – dịch vụ; giảm dần tỷ trọng nông – lâm – ngư nghiệp. Đến năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đạt 2.267 tỷ đồng (tăng 55,6 lần so với năm 1997); thu ngân sách trên địa bàn tăng 73,6 lần so với năm 1997; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 70 triệu đồng, tăng 28,4 lần so với khi tái lập huyện.
Năm 2017, huyện Giao Thủy được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), là huyện thứ 50 trên toàn quốc và thứ 5 trong tỉnh đạt chuẩn NTM; Ghi nhận nỗ lực, cố gắng và thành tích đạt được thời gian qua, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2012) và Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2017) cho Đảng bộ và nhân dân huyện Giao Thủy.
Năm 2022 đạt nhiều thành tựu quan trọng
Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành cùng sự sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân nên kinh tế – xã hội của huyện đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong tổng số 18 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 10 chỉ tiêu đạt kế hoạch; trong đó, đặc biệt là chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn trừ thu tiền sử dụng đất vượt 45,04% so với dự toán. Thu nhập thực tế bình quân đầu người ước đạt 82 triệu đồng/người/năm.
Giá trị xuất khẩu đạt 135,0 triệu USD. Cơ cấu giá trị sản xuất theo giá hiện hành: Nông, lâm nghiệp và thủy sản là 33,78%; Công nghiệp, xây dựng, dịch vụ 66,22%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) ngành Công nghiệp và Xây dựng đạt 14,8%; tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt 9,43%.
Về thu, chi ngân sách: Tổng thu ngân sách năm 2022 ước đạt 348,679 tỷ đồng, đạt 101,7% so với dự toán (nếu trừ thu tiền sử dụng đất thì ước thực hiện 105,679 tỷ đồng, bằng 145,04% dự toán). Tổng chi ngân sách huyện năm 2022 ước đạt 501,580 tỷ đồng, bằng 110,47% so với dự toán. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển ước đạt 36,580 tỷ đồng, bằng 290,32% dự toán; chi thường xuyên ước thực hiện 465 tỷ đồng, bằng 107,55% dự toán. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 3.910 tỷ đồng, tăng 16,74% so với cùng kỳ.
Về Xây dựng – Quy hoạch: Công tác quy hoạch được chú trọng, nhất là quy hoạch các khu, cụm công nghiệp. Toàn huyện đã quy hoạch 6 khu công nghiệp, với tổng diện tích 2.410ha và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 822ha, đã trình UBND tỉnh đưa vào Quy hoạch chung của tỉnh. Thẩm định, phê duyệt 16 đồ án Quy hoạch chung xây dựng xã đảm bảo tiến độ và chất lượng quy hoạch. Lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng đô thị thị trấn Quất Lâm. Trình thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ và dự toán lập quy hoạch chung đô thị mới Đại Đồng. Đề xuất các nội dung quy hoạch vùng liên huyện Hải Hậu – Giao Thủy và quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, huyện tiếp tục là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về năng suất lúa; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát tốt. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất canh tác đạt 137,84 triệu đồng. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 597,47 triệu đồng. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản đạt 6.609 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhà máy nước sạch Quất Lâm hoàn thành, đưa vào sử dụng nâng tỷ lệ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện có nước sạch tập trung từ nhà máy đạt 100%. Tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,8%; trong đó tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch từ nhà máy nước tập trung ước đạt trên 92%.
Đặc biệt, trong năm 2022, toàn huyện tổ chức xây mới 30 ngôi nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình nhà ở dột nát, xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn từ nguồn hỗ trợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và các tổ chức cá nhân, tổng giá trị tài trợ 2,95 tỷ đồng.
17 xã, thị trấn đạt NTM nâng cao, 01 xã đạt NTM kiểu mẫu
Đến nay, toàn huyện đã có 17 xã, thị trấn đạt NTM nâng cao, 01 xã (Giao Phong) đạt NTM kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí mới. Toàn huyện đã có 58 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên, năm 2022 huyện đã thẩm định thêm 32 sản phẩm (gồm 5 sản phẩm 4 sao, 27 sản phẩm 3 sao).
Hoàn thành giải tỏa toàn bộ 118 ki-ốt tại khu du lịch tắm biển Quất Lâm; được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đánh giá cao, được nhân dân đồng thuận, ủng hộ. Công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện tốt, đảm bảo tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, nhất là tuyến đường bộ ven biển.
Về giao thông vận tải: Huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông, xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang đường bộ gây mất an toàn giao thông. Triển khai đầu tư xây dựng mới mặt cầu Diêm. Phối hợp với Ban QLDA đầu tư xây dựng tỉnh thực hiện Dự án Nâng cấp, cải tạo tuyến đường thuộc dự án LRAMP 2022 (tuyến đường trục xã Giao Hà).
Về giáo dục: Công tác phổ cập giáo dục được giữ vững; quy mô trường lớp ổn định, toàn huyện có 68 cơ sở giáo dục thuộc huyện, với 1.193 lớp, nhóm lớp (trong đó có 9 nhóm trẻ tư thục), 40.511 học sinh, tăng 389 học sinh so với cùng kỳ. Tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh các bậc học đạt kết quả khá.
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường “Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn”, trường đạt chuẩn “Kiểm định chất lượng giáo dục” tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đến nay, toàn huyện có 67/67 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I, có 34/67 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; Có 66/67 trường đạt chuẩn “Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn”, đạt 98,5%. Có 61/67 trường được Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá, công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, đạt tỷ lệ 91,0%.
Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, chú trọng. Trong đó, việc khám chữa bệnh cho người dân hiệu quả. Năm 2022, tại Trung tâm Y tế huyện ước tính có 68.669 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, đạt 72,3% kế hoạch, bằng 87,3% so với cùng kỳ (trong đó điều trị nội trú cho 9.812 lượt bệnh nhân, đạt 74,3% kế hoạch)
Mục tiêu 2023
Tiếp nối những thành quả đạt được của huyện trong suốt thời gian qua, năm 2023 lãnh đạo và nhân dân huyện Giao Thủy tiếp tục đặt ra những mục tiêu mới, thách thức mới; toàn Đảng, toàn dân tiếp tục đoàn kết, đồng lòng xây dựng huyện Giao Thủy trở thành 1 trong những cực phát triển kinh tế – xã hội, hạ tầng, đô thị của tỉnh Nam Định.
Trong đó, các mục tiêu quan trọng được lãnh đạo huyện Giao Thủy đặt ra là: Cần phải giữ vững ổn định và bảo đảm tốc độ tăng trưởng khá của nền kinh tế; tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, cải cách hành chính; Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi thu hút các nhà đầu tư lớn, công nghệ cao, góp phần phát triển xanh, bền vững và tăng thu ngân sách.
Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội. Chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động các biện pháp phòng, chống thiên tai, ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội; làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm tốt từ cơ sở không để khiếu kiện đông người, kéo dài, vượt cấp
Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/nam-di-nh-giao-thuy-pha-t-trie-n-ma-nh-me-sau-25-nam-ta-i-la-p-huye-n-346477.html