Nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong xây dựng công trình trọng điểm tại Nam Định

Sau khi khảo sát thực tế các công trình trọng điểm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định, Đoàn công tác Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của tỉnh, xây dựng báo cáo theo đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn khảo sát thực tế tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-đường bộ ven biển đoạn cầu vượt Quốc lộ 21B và sông Châu Thành – Ảnh: VGP/Gia Huy

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023, sau khi làm việc tại tỉnh Thái Bình, sáng 26/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Trần Văn Sơn và Đoàn công tác tiếp tục đi khảo sát thực tế và làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.

Kinh tế của tỉnh Nam Định tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá

Trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn đã đi khảo sát thực tế 2 công trình trọng điểm của tỉnh, đó là tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-đường bộ ven biển và khảo sát dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm.

Sau khi khảo sát, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định. Cùng chủ trì cuộc làm việc có Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị và đại diện các Bộ: Y tế, Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, vào tháng 5/2023, Đoàn công tác của VPCP đã làm việc tại Nam Định để nắm bắt tình hình khó khăn tại địa phương trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các dự án, công trình trọng điểm. Đoàn cũng đã ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của tỉnh và đã có Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở báo cáo của các đoàn công tác, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan nghiên cứu, giải quyết, hướng dẫn cụ thể, dứt điểm, rõ ràng các kiến nghị của địa phương.

Theo tinh thần tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 07/8/2023 của Chính phủ, hôm nay 26/9, Đoàn công tác các bộ, ngành Trung ương tiếp tục làm việc với tỉnh Nam Định nhằm nắm bắt, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược, xuất nhập khẩu và các giải pháp, đề xuất kiến nghị với cấp có thẩm quyền.

Theo UBND tỉnh Nam Định, trong 9 tháng năm 2023, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, tổng sản phẩm GRDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 8,5% (xếp thứ 6 toàn quốc, thứ 3 vùng đồng bằng Sông Hồng), ước cả năm 2023 đạt trên 10%.

Sản xuất, kinh doanh và phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản tiếp tục duy trì ổn định và phát triển. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đặc biệt quan tâm triển khai và đạt kết quả tích cực, đến nay, tỉnh Nam Định đã có 189/204 (93%) xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh như: Chỉ đạo ngành Thuế tập trung thực hiện giảm thu thuế bảo vệ môi trường, tiền thuê đất, thuê mặt nước theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả đến hết tháng 8/2023, đã hỗ trợ giảm thuế bảo vệ môi trường 414 tỷ đồng, ước tính giảm cả năm là 514 tỷ đồng… Qua đó kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Nam Định quan tâm đầu tư hệ thống đường giao thông

Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc cho biết, Nam Định xác định còn điểm yếu về phát triển cơ sở hạ tầng, vì vậy tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, các khu cụm công nghiệp. Thời gian qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư các công trình trọng điểm, đến nay đã cơ bản hình thành các dự án có tính chiến lược, lâu dài, sẽ là động lực cho sự phát triển của tỉnh.

Hiện tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng, thực hiện thủ tục đầu tư 4 dự án trọng điểm như: Dự án Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định, tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dự án Xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình (Tỉnh lộ 490), tổng mức đầu tư 5.326 tỷ đồng, đã hoàn thành giai đoạn I, dự kiến hoàn thành giai đoạn II trong năm 2025.

Dự án Xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-đường bộ ven biển (Tỉnh lộ 484), tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, hiện đang tích cực tổ chức thi công và giải phóng mặt bằng. Dự án Xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng, tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng, được triển khai thi công trong tháng 9/2023…

Tỉnh cũng hoàn thành và đưa vào hoạt động Cụm công trình kênh nối Đáy Ninh Cơ từ tháng 7/2023, đây là công trình đường thủy lớn và quan trọng bậc nhất từ trước đến nay, là đột phá về hạ tầng giao thông thủy và có ý nghĩa kinh tế-xã hội to lớn đối với sự phát triển của Nam Định nói riêng và các tỉnh trong vùng đồng bằng Bắc bộ nói chung.

Ngoài ra, Nam Định hiện tích cực phối hợp với tỉnh Thái Bình hoàn thành các thủ tục đầu tư Dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình, đoạn qua tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình.

Khó khăn được tỉnh Nam Định nêu trong 9 tháng đầu năm 2023 nguồn vốn đầu tư công của tỉnh giải ngân thấp hơn bình quân cả nước và thấp hơn so với cùng kỳ. Nguyên nhân do trong các tháng đầu năm chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tập trung cho công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư và chuẩn bị giải phóng mặt bằng nên chưa có nhiều khối lượng để giải ngân. Tỉnh cũng nêu một số cơ chế chính sách về đất đai, đầu tư, xây dựng… còn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tế tại các địa phương đã ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án đầu tư, nhất là dự án sử dụng vốn của nhà đầu tư.

Tại cuộc làm việc, đại diện các bộ, ngành Trung ương đã cùng trao đổi, giải đáp các vướng mắc, khó khăn tỉnh Nam Định nêu, đặc biệt là các kiến nghị liên quan đến các dự án giao thông, như việc tỉnh nêu đề nghị các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh công tác triển khai các thủ tục để sớm đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định-Thái Bình; đề nghị mở 3 nút giao ngay theo quy hoạch khi đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình. Tỉnh cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ để Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sớm được phê duyệt…

Đề nghị Nam Định tiếp tục thúc đẩy, triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn bày tỏ vui mừng với những kết quả tích cực 9 tháng năm 2023 trên các mặt kinh tế-xã hội của tỉnh Nam Định. Tỉnh có tiềm năng về nguồn nhân lực dồi dào; làng nghề để phát triển du lịch; giao thông đường thủy, giao thông đường bộ thuận lợi, khi kết nối xong các tuyến sẽ tạo điều kiện phát triển hơn nữa cho tỉnh…

Để tiếp tục phát huy kết quả tích cực này, trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị tỉnh quan tâm về xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tập trung thúc đẩy và triển khai các dự án xây dưng hạ tầng trọng điểm của tỉnh, đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án. Trong đó, quan tâm đến dự án đường cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng, là tuyến đường đặc biệt quan trọng mở ra không gian phát triển mới cho Tỉnh. Đồng thời quan tâm quy hoạch cảng biển, các làng nghề truyền thống.

Tỉnh Nam Định cần xem nhiệm vụ hoàn thiện và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời tổ chức quản lý, thực hiện tốt quy hoạch, bảo đảm tích hợp, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia; trong đó cần xác định, phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đến và ở lại; tiếp tục xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao…

Cũng tại cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn đã thông tin về việc xử lý các kiến nghị của tỉnh Nam Định tại cuộc làm việc vào tháng 5/2023. Về các kiến nghị tại cuộc làm việc hôm nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương chủ trì, phối hợp để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tỉnh. VPCP cùng các bộ, ngành và tỉnh Nam Định cũng sẽ tổng hợp để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nam-bat-kho-khan-vuong-mac-trong-xay-dung-cong-trinh-trong-diem-tai-nam-dinh-361598.html

Tin liên quan