Mới sáp nhập vào thị trấn, một xã ven biển Nam Định có nhà thờ đổ nổi tiếng nay thêm nhiều tỷ phú nông dân

Xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định có nhà thờ đổ nổi tiếng. Năm 2024, xã Hải Lý, xã Hải Chính sáp nhập vào thị trấn Cồn, thành đô thị mới ở huyện Hải Hậu. Sau sáp nhập, thị trấn Cồn có hơn 1.000 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có nhiều tỷ phú nông dân.

Xã ven biển có nhà thờ đổ nổi tiếng ở Nam Định
Trao đổi với PV Dân Việt, anh Đỗ Tiến Hiệu – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định cho biết: Thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 -2025, từ ngày 01/9/2024 thị trấn Cồn được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Hải Lý, xã Hải Chính và thị trấn Cồn.

Cụ thể: Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 3,47 km2, quy mô dân số là 6.279 người của xã Hải Chính và toàn bộ diện tích tự nhiên là 5,94 km2, quy mô dân số là 12.773 người của xã Hải Lý vào thị trấn Cồn thành đô thị mới. Sau khi nhập, thị trấn Cồn có diện tích tự nhiên là 11,58 km2 và quy mô dân số là 27.896 người.

Nhà thờ đổ Nam Định nằm ở thôn Xương Điền, xã Hải Lý (nay sáp nhập thành thị trấn Cồn), huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, cách trung tâm Hà Nội khoảng 120km và cách TP Nam Định khoảng 40km.

Đơn vị hành chính mới thị trấn Cồn sau sáp nhập có tổng diện tích 11,58 km2, trong đó có 7,14 km bờ biển. Dân số là 27.896 người, phân bố dân cư trên địa bàn tại 27 tổ dân phố. Đồng bào công giáo chiếm tỷ lệ 70%. Nhân dân phát triển chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp, khai thác nuôi trồng thủy sản và dịch vụ tiểu thủ công nghiệp.

Trước sáp nhập, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu được biết đến là địa phương có nhà thờ đổ nổi tiếng tỉnh Nam Định.
Nhà thờ đổ Nam Định là địa điểm tham quan độc đáo, thu hút du khách khi về thăm Nam Định.

Cụ Đỗ Văn Huân (người cao tuổi ở thôn Xương Điền), người đang nắm rõ nhất về gốc tích nhà thờ đổ Nam Định cho biết: Chứng tích Nhà thờ đổ Hải Lý trên bãi biển Văn Lý ngày nay là dấu tích còn lại của nhà thờ Trái Tim Chúa được hình thành cùng với làng chài Xương Điền thuộc xã Hải Lý (nay sáp nhập thành thị trấn Cồn). Đây là vùng đất nằm ở giữa 2 làng Doanh Châu và Văn Lý, là kết quả của công cuộc quai đê lấn biển của nhân dân từ những năm đầu thế kỷ XVIII, ban đầu được nhân dân gọi là “Cồn Cát Bể“, sau hình thành làng chài Xương Điền.

Sau 140 năm, nhà thờ đổ Nam Định vẫn giữ được tháp chuông, nền và một phần tường phía Bắc như hiện nay. Ảnh: Phạm Quân

Cụ Huân cho biết, năm 1877 thành lập giáo họ Lái Tim và bà con giáo dân cùng nhau xây dựng lên một nhà thờ nhỏ. Ban đầu, nhà thờ được xây dựng rất đơn sơ, có diện tích 252m2, dài 14m, rộng 7m và được lợp hoàn toàn bằng cỏ tranh nên được gọi là nhà thờ “chay”.

Từ thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX, làng chài Xương Điền là xóm đạo Công giáo bị biển xâm thực và nhanh chóng bị xói mòn. Nhà thờ sau đó được di chuyển vào sâu phía trong, cách khoảng hơn 10km so với vị trí cũ.

Năm 1917, nhà thờ họ Lái Tim được xây dựng lần thứ 2 theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp tại vị trí hiện nay (tức là nhà thờ đổ). Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1927 với khuôn viên rộng 9.330m2, dài 47m, rộng 15m.

Tháp chuông nhà thờ cao 27m, vòm thánh giá cao 15m với kiến trúc cửa vòm, nhiều hoa văn trang trí theo phong cách châu Âu cổ điển rất công phu, đẹp mắt. Ngoài ra, nhà thờ còn có nhà quán dài 29m, rộng 6,4m, cao 4,5m.

“Trải qua hơn 140 năm (từ năm 1877 đến nay), do bị biển xâm thực, nhà thờ xưa đã bị sụp đổ gần như hoàn toàn. Dấu tích còn sót lại chỉ là một phần của tháp chuông nhà thờ trên bãi biển. Cũng vì thế mà nhiều người dân trong vùng vẫn quen gọi bằng cái tên dân dã: “Nhà thờ đổ” và giờ trở thành điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Nam Định” – ông Huân cho biết thêm.

Nhà thờ đổ trên bãi biển xã Hải Lý là chứng tích duy nhất ở Việt Nam và hiếm gặp trên thế giới cần được giữ gìn, bảo vệ và khai thác nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Việc bảo tồn di tích tháp chuông nhà thờ đổ trên bãi biển xã Hải Lý là sự ghi nhận công lao to lớn của nhân dân Hải Hậu nói riêng và của nhân dân trong tỉnh nói chung trong công cuộc khai hoang, lấn biển, chống biển lấn bảo vệ sản xuất trong lịch sử. Đồng thời, nếu được tổ chức bảo tồn tốt, nơi đây sẽ là thắng cảnh thu hút du khách về tham quan, du lịch, nghiên cứu khoa học…, góp phần phát triển du lịch địa phương.

Mô hình nuôi ốc hương đặc sản của tỷ phú Nam Định – ông Nguyễn Văn Bình – Giám đốc HTX Hải Điền ở thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: Đức Thịnh

Trở lại câu chuyện sau sáp nhập xã Hải Lý, xã Hải Chính vào thị trấn Cồn, ông Đỗ Tiến Hiệu – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cồn cho biết: Ngay sau khi sáp nhập, Hội Nông dân thị trấn Cồn đã tổ chức Hội nghị ban chấp hành xây dựng Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, bổ xung chỉ tiêu nhiệm vụ giải pháp, nhiệm kỳ 2023-2028. Đưa hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân đi vào ổn định, hoạt động có nề nếp, kịp thời tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Hội.

Hiện tại Hội Nông dân thị trấn Cồn có 27 chi hội tại 27 Tổ dân phố với tổng số 3.606 hội viên.

Về tình hình nông dân, nông thôn sau sáp nhập, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cồn cho biết: Xu hướng đa dạng hóa ngành nghề trong sản xuất nông nghiệp đã và đang đưa tới sự phát triển kinh tế tại địa phương.

Những ngành nghề truyền thống như trồng trọt, chăn nuôi, khai thác, nuôi trồng thủy hải sản tiếp tục được phát triển nhưng đã có những thay đổi lớn cùng với sự chuyển đổi về cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sự phát triển về năng suất, chất lượng, số lượng, chủng loại sản phẩm do ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và đáp ứng nhu cầu thị trường hiện đại.

Tình hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản thị trấn Cồn sau sáp nhập:
Chăn nuôi, trồng mầu: Cơ cấu giống tiếp tục được chuyển dịch theo hướng chất lượng gắn với ổn định năng suất. Tổng giá trị chăn nuôi, trồng mầu năm 2024 ước thu gần 20,8 tỷ đồng.

Khai thác thuỷ sản: Số phương tiện khai thác xa bờ 83 phương tiện/486 lao động, số phương tiện khai thác gần bờ 104 phương tiện/220 lao động, ngư dân tiếp tục đầu tư nâng cấp, tu sửa tàu thuyền, lắp đặt trang thiết bị hiện đại, thiết bị giám sát hành trình. Sản lượng khai thác ước đạt: 5.085 tấn, giá trị ước đạt: 729 tỷ đồng.

Nuôi trồng thuỷ sản: Tổng số diện tích đang nuôi thả: 48 ha/111,3 ha, sản lượng ước đạt 511 tấn, giá trị ước: 113 tỷ đồng.

Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ:

Dịch vụ: Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp đã duy trì ổn định sản xuất kinh doanh. Chú trọng đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm cho người lao động. Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu lao động, việc làm, tham gia trong các ngành nghề dịch vụ, vận tải, trong các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, giá trị ước thu 950 tỷ.

Xuất hiện nhiều tỷ phú Nam Định
Về thực hiện các phong trào thi đua, ông Bùi Tiến Hiệu – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cồn cho biết: Trong năm, Hội Nông dân xã có 2.289 hộ hội viên nông dân đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu, trong đó có 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Hội Nông dân thị trấn Cồn đã hướng dẫn, hỗ trợ liên kết và phát triển 7 HTX đã được thành lập theo luật HTX năm 2012. Trong đó điển hình có mô hình HTX Linh Phát đã được Hội Nông dân huyện Hải Hậu quan tâm, hướng dẫn kết nối, quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Ban Thường vụ Hội Nông dân thị trấn Cồn thường xuyên chỉ đạo các chi hội vận động hội viên nông dân đẩy mạnh phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, phát động hội viên đăng ký danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Tiêu biểu như mô hình một số hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư mở mang ngành nghề, phát triển kinh doanh dịch vụ, sản xuất hàng hoá có thu nhập kinh tế cao, xuất hiện nhiều tỷ phú nông dân.

Điển hình như: Hộ ông Nguyễn Quốc Hạnh – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân thị trấn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Hạnh – Huệ, đầu tư chế biến muối đã tạo công ăn việc làm cho 26 nông dân tại địa phương; có thu nhập từ 8 – 9 triệu đồng/người/tháng.

Tỷ phú Nam Định Đỗ Thị Thoa – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân thị trấn Cồn là chủ cơ sở chế biến nước mắm Nhà thờ đổ, sản phẩm OCOP-3 sao và chủ cơ sở vật liệu xây dựng đã tạo công ăn việc làm cho 15 lao động có thu nhập từ 8 – 9 triệu đồng/người/tháng.

Hộ ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc HTX Linh Phát chuyên nuôi trồng và sản xuất các loại nấm, Đông trùng hạ thảo, đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 10 đến 15 lao động có thu nhập từ 7 – 10 triệu đồng.

Hộ ông Nguyễn Văn Bình – Giám đốc HTX Hải Điền chuyên nuôi trồng thủy hải sản và chế biến chả mực, chả tôm đã tạo việc làm cho 20 đến 28 lao động thường xuyên với thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng và nhiều hộ nông dân tiêu biểu khác.

nguồn ; //danviet.vn/moi-sap-nhap-vao-thi-tran-mot-xa-ven-bien-nam-dinh-co-nha-tho-do-noi-tieng-nay-them-nhieu-ty-phu-nong-dan-d1323649.html

Tin liên quan