Làng nghề “hô biến” nứa thành đồ mỹ nghệ ở Nam Định

Nam Định – Ở xã Yên Tiến (huyện Ý Yên) hơn 600 năm nay, người dân vẫn lưu giữ nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ từ những cây nứa.

Làng nghề sơn mài Cát Đằng (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Ảnh: Lương Hà

Làng nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ hay thường được biết đến là làng nghề sơn mài Cát Đằng (ở xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), có lịch sử hơn 600 năm. Đến nay, làng nghề Cát Đằng vẫn duy trì, tồn tại và phát triển sang các làng lân cận trong xã.

Theo người dân nơi đây, ở làng nghề này có nhiều sản phẩm như mâm, đĩa, khay, lọ, gương, đôn, các loại đồ lưu niệm, trang trí,… Để làm được những sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên đòi hỏi người thợ phải vô cùng khéo léo, tỉ mỉ và kiên trì. Sản phẩm được thực hiện bằng phương pháp thủ công.

Nứa sau khi ngâm nước nhiều tháng sẽ được chẻ thành nan nhỏ. Ảnh: Lương Hà

Gắn bó với nghề truyền thống từ nhỏ, bà Phạm Thị Tần (70 tuổi, ở xã Yên Tiến, huyện Ý Yên) cho biết: “Trước đây, sơn mài được làm trên chất liệu gỗ nhưng theo thời gian đã được người dân chúng tôi thể hiện, sáng tạo ra loại cốt từ cây nứa. Nứa sau khi ngâm nhiều tháng dưới nước, chúng tôi vớt lên phơi khô rồi gia công. Mỗi đoạn nứa sẽ được chẻ thành những nan nhỏ và tách bỏ những phần ruột, cuống thừa không dùng. Sau đó, chúng tôi dùng máy cán cho nan nứa mềm hơn để xếp thành vòng tròn lần lượt theo kích thước, đập theo khuôn có sẵn để ra sản phẩm thô, tiếp tục mang ra phơi nắng”.

Ngày nay, để đầu ra các sản phẩm được thuận lợi, các hộ dân làm nghề ở xã Yên Tiến sẽ phụ trách làm công đoạn thô, sau đó chuyển đến các cơ sở lớn trên địa bàn để hoàn thiện phần sơn mài.

Người thợ đập nứa đã cuộn theo khuôn có sẵn để ra sản phẩm thô. Ảnh: Lương Hà

“Trước đây, để làm một sản phẩm sơn mài hoàn chỉnh, chúng tôi làm tại nhà nên mất nhiều thời gian. Lâu dần, hộ gia đình liên kết với các cơ sở sản xuất lớn trong xã để làm theo công đoạn. Ở các cơ sở sẽ làm những bước cuối cùng để ra sản phẩm hoàn hiện, trong đó tỉ mỉ nhất là công đoạn sơn. Mỗi sản phẩm làm từ nứa hoàn chỉnh có giá khác khác nhau, tùy vào kích thước và mẫu mã”, bà Đinh Thị Pha (61 tuổi, ở xã Yên Tiến, huyện Ý Yên) chia sẻ.

Giờ đây, xu hướng tìm đến các vật dụng làm từ những nguyên liệu thô sơ như tre, nứa đang được thị trường ưa chuộng trong sử dụng trang trí nội thất. Những sản phẩm này có ưu điểm nhẹ, rẻ, bền và thuận lợi cho quá trình vận chuyển. Bằng công nghệ mới, những nghệ nhân Cát Đằng tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

nguồn : //laodong.vn/xa-hoi/lang-nghe-ho-bien-nua-thanh-do-my-nghe-o-nam-dinh-1421631.ldo

Tin liên quan