Hình ảnh đại lão dã hương hơn 550 năm tuổi ở Nam Định vẫn xanh tốt
GĐXH – Cây Mộc Hương (dã hương) mà vua Lê Thánh Tông mang trồng bên cạnh mộ của Nhị cung phi tần vào năm 1471 nay thuộc làng Dương Phàm (xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, Nam Định) trải qua hơn 550 năm tuổi vẫn xanh tốt, được tặng danh hiệu cây Di sản Việt Nam.
Cây Dã Hương nằm trong khuôn viên đền Hoàng Cô thuộc làng Dương Phạm, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định là cây di sản hàng trăm năm tuổi nhưng vẫn uy nghi, cành lá xanh tốt.
Cây phân thành hai cành lớn, tỏa bóng mát xuống toàn bộ khu di tích đền Đức Hoàng Cô thờ bà Nhị cung phi Ngô Thị Nữ Hoằng mất năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông.
Theo anh Nguyễn Văn Mạnh (con trai của thủ phủ nhang đền Hoàng Cô) cho biết, cây Dã Hương được trồng từ năm 1471, có chiều cao 35m, thân cây đường kính rộng lớn, phải gần 10 người lớn ôm mới xuể.
Cây Dã Hương cổ thụ có nhiều cành lá sum suê và có các mảng thực vật bám vào ký sinh.
Cây Dã Hương thuộc họ long não là loại cây quý hiếm, có thể sống hàng nghìn năm. Hoa nhỏ, thường nở vào cuối mùa xuân, có màu vàng nhạt.
Các bộ phận của cây đều chứa tinh dầu, có mùi hương đặc trưng. Gỗ cây thường được sử dụng để làm thuốc, tác phẩm mỹ thuật, đồ gia dụng,…
Trải qua hơn 550 năm gốc cây có những vết sần sùi, tạo hình độc đáo và bộ rễ nổi, đua lên như những càng cua.
Cây Dã Hương ở làng Dương Phàm, xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, Nam Định hiện là cây Di sản Việt Nam. Ở Việt Nam có hai cây Dã Hương cổ thụ được phong cây di sản, 1 ở Bắc Giang và ở tỉnh Nam Định.
Ghi nhận thêm của PV, một cành của cây Dã Hương có cây sanh cổ thụ sống cộng sinh. Theo các cụ cao niên trong làng, cây sanh cổ thụ đã có ở đó cách đây hơn 200 năm và giúp chống, đỡ cho cây đứng vững chắc hơn.
Dưới cây cổ thụ là đền Hoàng Cô thờ bà Nhị cung phi Ngô Thị Nữ Hoằng mất năm 1471.
Bên trong đền có bức tượng đồng nguyên chất cao 167cm, nặng 730kg tạo hình Nhị cung phi Ngô Thị Nữ Hoằng được người dân trong làng Dương Phàm góp tiền đúc để thờ và tưởng nhớ bà.