Di tích quốc gia gắn với nghề rèn truyền thống ở Nam Định
Nam Định – Di tích quốc gia đình Vân Chàng là nơi thờ tự và tri ân công đức của nhân dân địa phương đối với Lục vị Tổ sư nghề rèn.
Đình Vân Chàng tọa lạc ở khu đất rộng 1.480m2, ở thôn Vân Chàng, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Ngôi đình cổ này là nơi thờ tự và tri ân công đức của nhân dân địa phương đối với Lục vị Tổ sư nghề rèn.
Nghề rèn ở làng Vân Chàng hình thành từ cuối thế kỉ XIV, tính đến nay đã gần 7 thế kỉ. Ban đầu, nghề rèn chỉ là nghề phụ bên cạnh sản xuất nông nghiệp. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, nghề rèn đã từng bước phát triển, tách khỏi nông nghiệp để đi sâu vào sản xuất chuyên môn hóa, trở thành nghề thủ công truyền thống.
Đình làng Vân Chàng được xây dựng với quy mô lớn vào thời Hậu Lê (thế kỉ XVIII) và được trùng tu vào thời Nguyễn (thế kỉ XIX).
Trong khuôn viên đình có nhiều cây cổ thụ tạo không khí mát mẻ, trong lành. Nhìn từ ngoài vào trong, đình gồm các công trình kiến trúc: nghi môn, bình phong, hồ nước, sân, đền thờ vị tổ dòng họ, công trình kiến trúc trung tâm và hai dãy giải vũ nội hai bên.
Ngôi đình còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ có giá trị lịch sử. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Nam Trực
Bộ cửa tiền đường được gia công bằng gỗ lim theo kiểu bức bàn chạy dọc 5 gian giữa của công trình. Khoang cửa giữa gồm 6 cánh, bốn khoang cửa còn lại mỗi khoang 5 cánh. Toàn bộ hệ thống cửa được đặt trong khung gỗ lắp chân quay vừa tạo thế trang nghiêm kín đáo, vừa thuận tiện cho việc đóng mở.
Ông Cao Xuân Nghị – Chủ tịch UBND thị trấn Nam Giang (huyện Nam Trực) cho biết, với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, đình Vân Chàng đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 2019. Trong phong trào cách mạng và kháng chiến, đình Vân Chàng trở thành địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Đây là nơi lưu giữ những thuần phong mỹ tục, bảo tồn và phát huy truyền thống làng nghề của một vùng quê văn hiến.
nguồn ;https://laodong.vn/photo/di-tich-quoc-gia-gan-voi-nghe-ren-truyen-thong-o-nam-dinh-1428762.ldo