Công an Ninh Bình khẳng định “Siro ăn ngon Hải Bé” của Tiktoker triệu view là thực phẩm giả
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã quyết định khởi tố vụ án hình sự và bắt tạm giam đối với Lê Văn Hải (chủ kênh TikTok “Gia đình Hải Sen”-Tiktoker sở hữu hàng triệu lượt theo dõi) và Trần Đại Phúc (giám đốc và đại diện pháp luật của Công ty TNHH Hải Bé). Cả hai đối tượng này bị khởi tố về tội danh “Buôn bán hàng giả là thực phẩm” theo Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Siro “ăn ngon” được quảng cáo rầm rộ, thực chất là hàng giả kém chất lượng
Sau quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã xác định sản phẩm “Siro ăn ngon Hải Bé”, thứ đã được quảng cáo rầm rộ và bán ra thị trường với số lượng khổng lồ, chính là hàng giả. Hàng trăm nghìn hộp siro giả đã bị phát hiện và thu giữ trong quá trình khám xét kho hàng của công ty do Hải và Phúc điều hành.

Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra kho hàng của chủ kênh TikTok “Gia đình Hải Sen”. Ảnh: CAND
Kết quả giám định chuyên sâu cho thấy, các chỉ tiêu chất lượng của “Siro ăn ngon Hải Bé”, đặc biệt là các thành phần chính được quảng cáo như: Vitamin A, Canxi, Vitamin C – những chất được cho là giúp trẻ “ăn ngon, tăng cân”, chỉ đạt dưới 70% so với công bố.
Theo quy định pháp luật hiện hành, mức độ chênh lệch này đủ để khẳng định đây là sản phẩm giả mạo, không đạt chất lượng như cam kết.
Theo điều tra ban đầu, từ năm 2024 đến đầu tháng 6/2025, Công ty TNHH Hải Bé đã “tung” ra thị trường hơn 800.000 sản phẩm các loại. Riêng “Siro ăn ngon Hải Bé” đã có hơn 100.000 hộp được bán ra, thu về số tiền khổng lồ.

Ngôi nhà Lê Văn Hải, chủ kênh TikTok “Gia đình Hải Sen” ở Ninh Bình nổi bật giữa làng quê. Ảnh: Vũ Thượng
Điều đáng nói, dù doanh thu thực tế của công ty được ước tính lên tới hơn 100 tỷ đồng/năm, nhưng báo cáo thuế lại thường xuyên “thua lỗ” một cách khó hiểu. Điều này đặt ra nghi vấn lớn về hành vi trốn thuế của công ty.
Khi khám xét trụ sở Công ty TNHH Hải Bé, công an còn thu giữ hàng trăm kiện hàng mỹ phẩm và thực phẩm chức năng khác không có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Điều này cho thấy quy mô và tính chất phức tạp của đường dây buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng này.
Lợi dụng hình ảnh gia đình, trẻ nhỏ để trục lợi bất chính
Một trong những yếu tố khiến “Gia đình Hải Sen” nhanh chóng gây dựng được lòng tin từ cộng đồng mạng, đặc biệt là các bậc phụ huynh, chính là việc kênh TikTok này đã sử dụng triệt để hình ảnh gia đình hạnh phúc, đặc biệt là hình ảnh trẻ nhỏ để quảng bá sản phẩm.
Điều này đã đánh trúng vào tâm lý muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái của cha mẹ, khiến nhiều người không ngần ngại “xuống tiền” mua các sản phẩm được quảng cáo.

Người dân chỉ đường PV Dân Việt về nhà Lê Văn Hải (xã Văn Phú, huyện Nho Quan) nay thuộc xã Thanh Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Vũ Thượng
Vụ việc vỡ lở đã khiến dư luận vô cùng bức xúc. Hàng loạt clip bán hàng của “Gia đình Hải Sen” đã bị ẩn, trang web haibe.vn của Công ty TNHH Hải Bé báo lỗi, và các kênh TikTok “Gia đình Hải Sen”, “Hải Sen Vlog”, cùng trang Facebook chính thức đều đã bị khóa. Nhiều người tiêu dùng đã bày tỏ sự phẫn nộ và thậm chí tiến hành tiêu hủy các sản phẩm mang nhãn hiệu Hải Sen mà họ từng mua.
Ngay sau vụ việc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã chính thức ra khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm “Siro ăn ngon Hải Bé” và yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, kiểm tra, phối hợp thu hồi toàn bộ sản phẩm này trên thị trường.
Hiện tại, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình vẫn đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án nhằm làm rõ toàn bộ đường dây buôn bán thực phẩm, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả này để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Vụ việc một lần nữa là hồi chuông cảnh báo về sự cẩn trọng khi mua và sử dụng các sản phẩm được quảng cáo trên mạng xã hội, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
nguồn ; //danviet.vn/cong-an-ninh-binh-khang-dinh-siro-an-ngon-hai-be-cua-tiktoker-trieu-view-la-thuc-pham-gia-d1345048.html