Chàng trai trẻ quê Nam Định làm giàu từ mô hình nuôi chim yến

Không chỉ phát triển mô hình nhà nuôi chim yến tại Nam Định, nhiều năm qua, anh Đinh Văn Thuận còn mở rộng nhà nuôi chim yến ở Quảng Bình và trên đất nước bạn Lào.

Bỏ cây đinh lăng, nuôi con chim yến

Năm 2011, sau khi kết thúc khóa học tại Trường Đại học Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, anh Đinh Văn Thuận (xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) ở lại Sài Gòn hoa lệ làm một số công việc để trang trải cuộc sống.

Thế nhưng, nhận thấy mô hình trồng cây đinh lăng ở quê đang phát triển mạnh và cho hiệu quả kinh tế cao, năm 2013, anh quyết định rời thành phố Hồ Chí Minh, trở về quê khởi nghiệp, làm bạn với cây đinh lăng.

Anh Đinh Văn Thuận thu hoạch yến thô

Sau một thời gian, anh Thuận quy hoạch được hơn 2 ha, trồng chuyên canh cây đinh lăng, áp dụng hệ thống phun tưới nước tự động. Mô hình phát triển, sản xuất ổn định nhiều năm liền. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình anh được cải thiện, nâng lên rõ rệt.

Là người ham học hỏi, thích tìm tòi, khám phá những mô hình mới lạ, anh Thuận khăn gói đồ đạc, đi một số tỉnh lân cận để tham quan, trải nghiệm. Ở đâu có mô hình hay, hiệu quả kinh tế cao là anh tới liền.

Trong một lần đi tham quan, trải nghiệm mô hình nuôi chim yến ở Ninh Bình, anh nhận thấy đây là mô hình phát triển kinh tế mới, chắc chắn sẽ đem lại thu nhập ổn định trong tương lai. Nghĩ là làm, trở về quê, anh quyết định đầu tư tiền, xây dựng nhà nuôi chim yến trên mảnh đất quê hương.

Năm 2019, anh Thuận khởi công xây dựng nhà nuôi chim yến. Đến năm 2020, thì nhà nuôi chim yến rộng chính thức đi vào hoạt động. Đây là nhà nuôi yến đầu tiên ở tỉnh Nam Định.

“Nhà nuôi chim yến ban đầu của tôi có diện tích khoảng 200 m2, là nhà nuôi chim yến đầu tiên trên địa bàn tỉnh Nam Định”, anh Thuận giới thiệu.

Mô hình nuôi chim yến của anh Thuận đang đem lại hiệu quả kinh tế cao

Theo anh Thuận, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống rét cho đàn chim, nên năm đầu tiên nuôi, chim yến chết rét hàng loạt. Sau thất bại, anh tập trung nghiên cứu chuyên sâu về nhiệt độ thích nghi, nhiệt độ tới hạn, cách vận hành nhà yến trong thời tiết mùa đông giá rét…

Sau một thời gian, nhờ áp dụng đúng, đủ 5 yếu tố: “Âm – ẩm – sáng – khí – nhiệt”. Nghĩa là, âm thanh, độ ẩm, ánh sáng, khí và nhiệt độ nên các nhà nuôi chim yến của gia đình anh hoạt động ổn định, tổng đàn chim yến tăng cao.

Anh Thuận cho hay, hiện nay anh đang sở hữu 5 nhà nuôi chim yến tại Nam Định, Quảng Bình và nước bạn Lào, năng suất tổ yến đạt 220kg/năm.

Mỗi năm “bỏ túi” gần 2 tỷ đồng

Cùng với việc phát triển hệ thống nhà nuôi chim yến, anh Thuận còn nuôi trồng thủy sản gồm tôm, cá và trồng các loại cây dược liệu như đinh lăng, khương nhu, tía tô… Trung bình mỗi năm, trang trại kinh tế tổng hợp rộng hơn 4 ha cung ứng ra thị trường 30 tấn thủy sản, 15 tấn dược liệu đã qua sơ chế…

Anh Đinh Văn Thuận kiểm tra các sản phẩm yến trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ

Dẫn chúng tôi đi tham quan 1 vòng trang trại, anh Thuận bảo, các hạng mục trong khuôn viên trang trại được quy hoạch rõ ràng, tạo không gian xanh, thoáng mát. Một trang trại đảm bảo tiêu chí “Xanh, sạch, đẹp”.

Xung quanh trang trại trồng rất nhiều cây dừa xiêm Bến Tre, số lượng lên tới hơn 1.300 cây. Trong số này, có khoảng 40% cây dừa đã và đang cho thu hoạch trái. Những trái dừa xanh, nước ngọt, mang đậm hương vị miền Tây sông nước.

Khi được hỏi về đầu ra cho các sản phẩm yến, dược liệu…, anh Thuận không ngần ngại chia sẻ: Nhiều năm nay, các sản phẩm của gia đình tôi đang được bán trên các ứng dụng mạng xã hội facebook, zalo, tiktok và các sàn thương mại điện tử lazada, shopee, tiki…

Nhờ đó, các sản phẩm yến như yến thô, yến tinh, yến trưng, dược liệu của gia đình anh được nhiều khách hàng biết đến, đầu ra tiêu thụ sản phẩm thuận lợi…

“Những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại bằng hình thức giới thiệu sản phẩm trực tiếp tại các hội chợ, hội nghị…, tôi còn đưa sản phẩm yến lên các nền tảng số.

Trong đó, các nền tảng mạng xã hội facebook, zalo, tiktok đã giúp gia đình tiêu thụ đầu ra mạnh nhất, chiếm khoảng 70%; các sàn thương mại điện tử lazada, shopee, tiki… chiếm khoảng 20%; còn lại là xúc tiến thương mại”, anh Thuận cho hay.

Anh Thuận khẳng định, áp dụng chuyển đổi số trong bán hàng đã mang lại hiệu quả cao, cao gấp nhiều lần so với cách bán truyền thống như trước đây. Cụ thể, bán được nhiều hàng hơn; mở rộng được thị trường tiêu thụ, khách hàng; giảm chi phí đi lại, chi phí thuê mặt bằng, thuê nhân viên bán hàng…

Theo anh Thuận, với hình thức bán hàng online, khách hàng không được tiếp cận trực tiếp sản phẩm, do đó chất lượng sản phẩm là tiêu chí hàng đầu, tiếp đến là câu chuyện về sản phẩm, hình ảnh sản phẩm phải đúng và thật. Có như vậy, khách hàng mới tìm đến mình, quay lại mua sản phẩm của mình.

Anh Thuận nhẩm tính, trung bình mỗi năm, gia đình anh thu về gần 2 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Ngoài ra, gia đình anh ủng hộ các công trình phúc lợi, phong trào địa phương khoảng 300 triệu đồng/năm.

nguồn ; //thuonghieucongluan.com.vn/chang-trai-tre-que-nam-dinh-lam-giau-tu-mo-hinh-nuoi-chim-yen-a237156.html

Tin liên quan