Cả làng ở Nam Định, dân sản xuất thứ sợi nhỏ màu trắng bán đắt dịp Tết
Những tháng cuối năm, làng nghề sản xuất miến, bánh đa thôn Phượng (xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) nhộn nhịp hẳn lên. Các cơ sở đều tăng cường hoạt động, sản xuất để kịp đơn hàng tiêu thụ cho thương lái.
Làng nghề hối hả vào vụ Tết
Nghề sản xuất miến, bánh đa ở thôn Phượng, xã Nam Dương (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) từ lâu đã trở thành nghề chính của người dân nơi đây, mang lại thu nhập ổn định và tạo công ăn việc làm cho các lao động thời vụ ở địa phương.
Những ngày cuối năm 2023 (Dương lịch), tranh thủ trời hửng nắng, các cơ sở sản xuất miến ở thôn Phượng lại tất bật sản xuất miến, bánh đa. Hệ thống máy móc hoạt động hết công suất, người lao động làm việc không ngơi tay để kịp đơn hàng phục thị trường Tết Nguyên đán 2024.
Ngay từ đầu làng, nhiều phên tre dài gần 2m dùng để phơi miến, bánh đa vừa mới ra lò được phơi kín, dài tăm tắp ở các dong ngõ, ở những khoảng trống vắng người qua lại. Mùi thơm của những tấm bánh vừa mới tráng nóng hổi lan tỏa khắp nơi.
Có mặt tại xưởng sản xuất miến của gia đình ông Mai Văn Hựu (thôn Phượng, xã Nam Dương) chúng tôi cảm nhận được không khí lao động rất nhộn nhịp, khẩn trương. Trong xưởng có nhiều lao động đang làm việc, mỗi người phụ trách một công đoạn.
Hơi nóng từ máy tráng bánh, máy hấp nóng bốc ra nghi ngút, liên tục, luẩn quẩn trong khu chế biến, khiến cơ thể những người thợ luôn nóng rực dù nhiệt độ ngoài trời đang thấp.
Gia đình ông Mai Văn Hựu là một trong những hộ sản xuất miến lớn nhất làng Phượng, chủ lực là miến dong – loại miến giòn dai sựt sựt. Nếu thời tiết ủng hộ, được nắng, mỗi ngày gia đình ông sẽ cho ra lò khoảng 1 tấn miến. “Làm miến cũng phải phụ thuộc vào thời tiết, trời nắng thì làm, còn trời mưa nghỉ”, ông Hựu nói.
Theo tính toán của ông Hựu, mỗi tháng gia đình ông cung ứng ra thị trường trên dưới 5 tấn miến dong khô. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là ở các tỉnh miền Bắc và 1 số tỉnh miền Nam.
Hiện nay, gia đình ông đang cung ứng miến dong ra thị trường với giá dao động từ 40.000 – 45.000 đồng/kg, tùy vào từng thời điểm.
“Giai đoạn này, gia đình tôi đang tăng cường sản xuất để kịp đơn hàng cho các đầu mối ở các tỉnh. Vào dịp Tết, lượng tiêu thụ lớn nên các đầu mối đang rục rịch nhập hàng để dự trữ, phục vụ khánh hàng”, ông Hựu tâm sự.
Đưa máy móc vào sản xuất
Người dân thôn Phượng chủ yếu sản xuất hai loại miến, gồm miến gạo và miến dong. Dù là loại miến nào, nhưng mục đích cuối cùng vẫn là để chế biến món ăn dân dã đậm đà chất quê, tùy theo sở thích của mỗi người.
Theo người dân nơi đây, để làm ra 1 tấn miến gạo cần 1,2 – 1,3 tấn gạo; làm 1 tấn miến dong cần 1,6 – 1,8 tấn bột dong.
Nhiều năm qua, để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trên cả nước, các cơ sở sản xuất miến, bánh đa ở làng nghề thôn Phượng đã nâng cấp hạ tầng sản xuất, đầu tư máy móc sản xuất hiện đại.
Ông Phạm Văn Chung (thôn Phượng, xã Nam Dương) chia sẻ, nghề sản xuất miến, bánh đa được các cụ để lại cho con cháu nối nghiệp. Trước đây, người dân chủ yếu sản xuất thủ công nên sản lượng thấp, chất lượng kém.
Tuy nhiên, những năm gần đây, các cơ sở đã đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại vào sản xuất như máy xay bột, máy tráng miến, cắt miến… nhờ đó sản lượng tăng cao, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, sợi miến sáng, ăn dai và giòn, được khách hàng ưa chuộng.
Nhà ông Chung đầu tư máy móc vào sản xuất miến được khoảng 10 năm nay. Có máy móc hỗ trợ nên chi phí sản xuất giảm, số lượng lao động giảm, hiệu quả công việc tăng lên.
Với mong muốn giảm sức người, nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm, gia đình ông Phạm Văn Khánh (thôn Phượng, xã Nam Dương) đã đầu tư hàng chục triệu đồng để mua máy móc thực hiện các công đoạn như sơ chế, tráng, hấp chín, cán thành sợi miến.
Ông Khánh thổ lộ, quy trình sản xuất miến được trải qua nhiều công đoạn, thực hiện rất khắt khe, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bột sau khi sơ chế, được tráng thành bánh, hấp chín rồi đem phơi dưới nắng mặt trời.
Khi bánh tráng khô được khoảng 50%, tay sờ vào bánh vẫn còn dinh dính thì thu về cánh thành sợi miến. Để sản phẩm được thơm ngon, giòn và dai, người làm miến phải phơi thêm một nắng nữa.
Cũng nhờ bí quyết ủ bột, trộn tỷ lệ hợp lý lại luôn khắt khe trong khâu chọn nguyên liệu, phơi miến nên khi ăn sợi miến vừa mềm lại có độ giòn tự nhiên, mùi thơm, sợi đẹp, để vài tháng không bị mốc hỏng.
Hàng tháng gia đình ông Khánh xuất bán khoảng 1 tấn miến, có tháng cao điểm lên tới 3 – 4 tấn; thu nhập của người lao động cũng đạt trên 200.000 đồng/người/ngày.
Khoảng 5 năm trở lại đây, nhu cầu tiêu thụ miến, bánh đa ở thôn Phượng tăng mạnh. Nhờ đó, nhiều gia đình có thu nhập ổn định, nhà cửa ổn định.
nguồn ; //danviet.vn/ca-lang-o-nam-dinh-dan-san-xuat-thu-soi-nho-mau-trang-ban-dat-dip-tet-20231229224920491.htm