Ba tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam sáp nhập, tách ra lúc nào, hiện giờ tỉnh nào có thu nhập cao nhất?

Xa xưa, hai tỉnh Ninh Bình, Nam Định từng thuộc quận Giao Chỉ, trong khi Hà Nam vốn là phủ Lý Nhân nằm trong tỉnh Hà Nội. Có thời điểm, tỉnh Ninh Bình và Nam Hà (sau này thành hai tỉnh Nam Định, Hà Nam) sáp nhập thành tỉnh Hà Nam Ninh.

Tỉnh Ninh Bình trong chiều dài lịch sử
Theo các tư liệu lịch sử, đất Ninh Bình thời Đinh – Tiền Lê (968 – 1009) là kinh đô Hoa Lư. Thời kỳ đó, Đinh Tiên Hoàng chia nước ra làm 10 đạo, sau đó nhà Tiền Lê (980 -1009) cho đổi 10 đạo của nhà Đinh thành lộ, phủ, châu.

Thời Trần và Hồ (1226 -1406): Đất Ninh Bình thuộc lộ Trường Yên, do nhà Trần cho đổi phủ Trường Yên của nhà Lý thành lộ Trường Yên, gồm có 4 huyện: Lê Gia, Uy Viễn (Gia Viễn), Yên Ninh (Yên Khánh); Mô Độ (Yên Mô).

Ninh Bình ở buổi đầu nhà Lê là đất hai phủ Trường Yên và Thiên Quan, cai quản 6 huyện. Phủ Trường Yên, 3 huyện: Gia Viễn, Yên Ninh và Yên Mô. Phủ Thiên Quan gồm 3 huyện: Phụng Hoá, Ninh Hoá và Lạc Thổ.

Thời nhà Nguyễn, năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi đạo Thanh Bình thành đạo Ninh Bình. Địa danh Ninh Bình chính thức có từ đây. Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), đổi đạo Ninh Bình thành trấn Ninh Bình.

Sau Cách mạng tháng 8/1945, tỉnh Ninh Bình trực thuộc Khu 3 (sau ngày 25/1/1948 trực thuộc Liên khu Ba), gồm 1 thị xã, 6 huyện, 2 thị trấn: Thị xã Ninh Bình (tỉnh lỵ), huyện Nho Quan, huyện Gia Viễn, huyện Gia Khánh, huyện Yên Khánh, huyện Yên Mô, huyện Kim Sơn. Thị trấn Nho Quan (huyện lỵ huyện Nho Quan). Thị trấn Phát Diệm (huyện lỵ huyện Kim Sơn).

Ngày 27/12/1975, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá V của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Nghị quyết hợp nhất tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Hà thành tỉnh mới lấy tên là Hà Nam Ninh.

Ngày 26/12/1991, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá VIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết chia tách tỉnh Hà Nam Ninh thành tỉnh Nam Hà và tái lập tỉnh Ninh Bình. Ngày 1/4/1992, tỉnh Ninh Bình chính thức đi vào hoạt động theo tỉnh mới được tái lập.

Hiện nay, Ninh Bình là một điểm đến hấp dẫn với Di sản văn hóa thế giới danh thắng Tràng An. Quy mô kinh tế ước đạt 98,9 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 96 triệu đồng/người/năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, đến hết năm 2024 tỷ trọng ngành dịch vụ là 48,2%; công nghiệp-xây dựng là 41,7%; nông, lâm, thủy sản là 10,1%.

Tổng sản phẩm xã hội (GRDP theo giá so sánh năm 2010) năm 2024 tăng 8,52%, vượt kế hoạch đề ra (Kế hoạch đề ra là 7,6%).

Trong đó, khu vực nông-lâm-thủy sản tăng 2,7%; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 10,5%, riêng công nghiệp tăng 11%, cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay; khu vực dịch vụ tăng 9,5%; thuế nhập khẩu, sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,29%.

Nam Định, nơi phát tích của vương triều Trần
Theo Địa chí Nam Định, đời Hùng Vương, vùng đất Nam Định ngày nay thuộc bộ Lục Hải (một trong 15 bộ của nước Văn Lang bấy giờ).

Một góc thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định).

Vào thời nhà Lý, thuộc lộ Hoàng Giang. Thời Trần, vùng đất Nam Định ngày nay thuộc hai phủ: Thiên Trường và Kiến Hưng.

Ba tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam sáp nhập, tách ra lúc nào, hiện giờ tỉnh nào có thu nhập cao nhất? – Ảnh 3.
Xã nông thôn mới này ở Đắk Lắk dân quét mã nộp hồ sơ, mở điện thoại “trồng sầu riêng”
Đầu thời Lê, cả nước chia thành 5 đạo, vùng đất Nam Định ngày nay thuộc Nam Đạo. Đời Lê Thánh Tông, chia cả nước thành 12 đạo thừa tuyên, Nam Định ngày nay thuộc thừa tuyên Sơn Nam.

Đến đời Hồng Đức (1470-1497) đổi thành xứ Sơn Nam. Đầu thế kỷ XVI gọi là trấn Sơn Nam (trấn Sơn Nam tương ứng với các tỉnh phía nam đồng bằng Bắc Bộ ngày nay).

Năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741), trấn Sơn Nam chia thành hai lộ Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ. Lộ Sơn Nam Hạ gồm 5 phủ: Tiên Hưng, Thái Bình, Kiến Xương (tỉnh Thái Bình ngày nay) và Thiên Trường, Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định ngày nay). Thời Tây Sơn đổi thành trấn Sơn Nam Hạ.

Năm 1822, trấn Sơn Nam Hạ đổi thành trấn Nam Định. Từ đây chính thức xuất hiện địa danh Nam Định, với tư cách là đơn vị hành chính cấp trấn.

Thời Pháp thuộc, Toàn quyền Đông Dương đã tách các phủ Thái Bình, Kiến Xương thuộc tỉnh Nam Định cùng với huyện Thần Khê, tỉnh Hưng Yên thành lập tỉnh Thái Bình. Từ đây địa giới tỉnh Nam Định về cơ bản tương đương với hiện nay.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám, địa giới hành chính tỉnh Nam Định có sự thay đổi lớn. Ngày 21/4/1965, sáp nhập hai tỉnh Hà Nam và Nam Định thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Nam Hà.

Ngày 27/12/1975, hợp nhất hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Hà Nam Ninh. Ngày 26/12/1991, chia tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Ngày 6/11/1996, tách tỉnh Nam Hà thành 2 tỉnh Nam Định và Hà Nam.

Nam Định hôm nay là một tỉnh phát triển năng động. Kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024 tăng trưởng 10,01% so với năm 2023, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.

Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2024 theo giá so sánh 2010 ước đạt 61.222 tỷ đồng, tăng 10,01% so với năm 2023. Trong đó:ư, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,83%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 14,27%; khu vực dịch vụ tăng 8,56%.

Quy mô kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 113.329 tỷ đồng, tăng 14,78% so với năm 2023. GRDP bình quân đầu người giá hiện hành đạt 59,83 triệu đồng/người, tăng 14,35% so với năm trước.

Hà Nam, tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất

Năm 1831, dưới triều Vua Minh Mạng, nhà Nguyễn tiến hành cải cách hành chính, thành lập các tỉnh thay cho các trấn, cả nước chia thành 29 tỉnh. Theo chủ trương này, vùng đất Hà Nam ngày ấy là phủ Lý Nhân nằm trong tỉnh Hà Nội.

Ngày 21/3/1890, phủ Liêm Bình được thành lập, gồm 3 huyện Nam Xang, Bình Lục, Thanh Liêm tách ra từ phủ Lý Nhân (tỉnh Hà Nội) cho thuộc vào tỉnh Nam Định, lỵ sở của huyện đặt tại xã An Dương (huyện Bình Lục).

Phủ Liêm Bình tồn tại không lâu thì ngày 20/10/1890, Toàn quyền Đông Dương J.G Piquet ra Nghị định thành lập tỉnh mới Hà Nam.

Tỉnh Hà Nam hình thành trên đất đai và cư dân của phủ Lý Nhân được mở rộng thêm về phía Hà Nội (Bắc) và Nam Định (Nam).

Lúc thành lập năm 1890, Hà Nam gồm 5 huyện: Kim Bảng, Duy Tiên, Nam Xang (sau đổi thành Lý Nhân), Thanh Liêm, Bình Lục, tỉnh lỵ là Phủ Lý.

Trong kháng chiến chống Pháp, 3 huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc của tỉnh Nam Định thuộc tỉnh Hà Nam. Hòa bình lập lại, 3 huyện trên của tỉnh Nam Định được trả về cho tỉnh cũ.

Ngày 27/12/1971, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa V, kỳ họp thứ hai Quyết định thành lập một số tỉnh mới, trong đó tỉnh Nam Hà được hợp nhất với tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh. Ngày 26/12/1991, trong kỳ họp của Quốc hội lại quyết định chia tách tỉnh Hà Nam Ninh thành hai tỉnh Nam Hà, Ninh Bình như cũ.

Sau hơn 32 năm hợp nhất với tỉnh Nam Định rồi Ninh Bình, Hà Nam được tái lập trở lại với tên khai sinh theo Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa VIII, Kỳ họp thứ 10, ngày 06/11/1996 chia tỉnh Nam Hà thành 2 tỉnh Hà Nam, Nam Định.

Cùng với Ninh Bình, Nam Định, bức tranh kinh tế – xã hội của tỉnh Hà Nam cũng đã đạt được những thành tích ấn tượng. Cụ thể: 16/16 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế – xã hội, trong đó có 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) của tỉnh Hà Nam năm 2024 ước đạt 56.116,6 tỷ đồng, tăng 10,93% so với năm 2023, cao thứ 2 trong khu vực Đồng bằng Sông Hồng, thứ 4 toàn quốc. Đây là năm thứ ba liên tiếp địa phương duy trì mức tăng trưởng trên 10% và là mức cao nhất trong 5 năm qua.

GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 109,8 triệu đồng, tăng 12,5% so với năm 2023. Cơ cấu kinh tế năm 2024 tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp và dịch vụ.

Như vậy, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Hà Nam cao nhất trong ba tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và Nam Định với 109,8 triệu đồng/người/năm.

nguồn ; //danviet.vn/ba-tinh-ninh-binh-nam-dinh-ha-nam-sap-nhap-tach-ra-luc-nao-hien-gio-tinh-nao-co-thu-nhap-cao-nhat-20250318100609046.htm

Tin liên quan