Đề xuất thành lập Khu Kinh tế Ninh Cơ: Động lực tăng trưởng mới cho Nam Định

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo thẩm định về việc thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ tại tỉnh Nam Định, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế biển bền vững, đa ngành và toàn diện cho khu vực phía Nam của tỉnh.

Trung tâm kinh tế biển mới của Nam Định

Khu kinh tế Ninh Cơ được Chính phủ đưa vào danh mục các khu kinh tế biển trọng điểm trên cả nước theo các Quyết định số 1453/QĐ-TTg ngày 24/9/2020 và số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022, quy hoạch với diện tích 13.950 ha, bao gồm các khu vực phía Nam của huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu. Trong đó, huyện Nghĩa Hưng có thị trấn Rạng Đông và các xã Nghĩa Bình, Phúc Thắng, Nghĩa Lợi, Nam Điền cùng các vùng bãi bồi, còn huyện Hải Hậu bao gồm thị trấn Thịnh Long và các xã Hải Ninh, Hải Châu, Hải Hòa.

Việc thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ nhằm khai thác tối đa lợi thế về nhân lực và vị trí địa lý, kết nối kinh tế với các khu vực lân cận, thu hẹp khoảng cách phát triển với Đồng bằng sông Hồng và các vùng khác. Khu kinh tế này hướng đến trở thành một trung tâm kinh tế biển đa ngành, đa chức năng, gắn với sự phát triển của các ngành công nghiệp chủ lực như cơ khí, chế tạo, cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng. Các ngành thương mại, dịch vụ, và du lịch sinh thái cũng sẽ được đầu tư và phát triển mạnh mẽ nhằm cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo tồn sinh thái.

Khu kinh tế Ninh Cơ – động lực phát triển mới của tỉnh Nam Định.

Ngày 31/10/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Báo cáo 9021/BC-BKHĐT về kết quả thẩm định Hồ sơ Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh cơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ.

Báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, Khu kinh tế Ninh Cơ được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng kinh tế trung bình 14%-15% mỗi năm trong giai đoạn 2026-2030. Đến năm 2030 sẽ chiếm 25-30% tổng giá trị sản phẩm của toàn tỉnh Nam Định, đồng thời giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản xuống còn 15%, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ lên 85%. Dự kiến thu ngân sách từ Khu kinh tế Ninh Cơ sẽ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng vào năm 2030, góp phần đáng kể vào ngân sách Nhà nước.

Khu kinh tế Ninh Cơ sẽ triển khai một lộ trình phát triển bao gồm ba giai đoạn chính: Giai đoạn 2024 – 2026 hoàn thiện Quy hoạch chung và một số quy hoạch phân khu xây dựng 1/2.000 đối với các khu vực quan trọng, đặt nền tảng cho sự phát triển của khu kinh tế

Giai đoạn 2026 – 2030 triển khai các công trình, dự án cơ sở hạ tầng, tăng cường thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, dịch vụ đô thị. Đô thị hóa sẽ được đẩy nhanh thông qua nâng cấp thị trấn Rạng Đông và Thịnh Long, đồng thời thành lập đô thị mới Thịnh Long – Rạng Đông.

Giai đoạn 2031 – 2050 mở rộng Khu kinh tế theo hướng biển và đất liền, xây dựng hệ thống kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại và nghiên cứu các dự án sản xuất mới.

Định hướng phát triển: Đa ngành, đa chức năng

Khu kinh tế Ninh Cơ sẽ phát triển theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, bao gồm các khu chức năng riêng biệt như: khu công nghiệp, khu đô thị, khu rừng ngập mặn kết hợp du lịch sinh thái, khu cảng biển và dịch vụ hậu cần. Đặc biệt, công nghiệp cơ khí sẽ là ngành chủ lực, tạo ra sản phẩm giá trị cao và nhiều cơ hội việc làm. Với tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp dự kiến đạt 74-75% vào năm 2030, Khu kinh tế Ninh Cơ sẽ tạo ra khoảng 54.000 – 55.000 việc làm vào năm 2030 và khoảng 65.000 việc làm vào năm 2035. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo sẽ đạt 80%, tăng lên 85% vào năm 2035.

Khu kinh tế này còn đặc biệt chú trọng đến việc phát triển bền vững với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái ven biển và môi trường sống an toàn. Theo kế hoạch, 100% nước thải công nghiệp và sinh hoạt sẽ được xử lý đạt tiêu chuẩn. Đảm bảo an toàn các tuyến đê biển, bảo tồn các hệ sinh thái rừng ngập mặn và hệ thống đê sông cũng là những nội dung quan trọng trong Đề án phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao các nhiệm vụ và giải pháp mà UBND tỉnh Nam Định đề ra, bao gồm 7 nhiệm vụ và 10 giải pháp trọng tâm nhằm hiện thực hóa tầm nhìn phát triển của Khu kinh tế Ninh Cơ. Bộ cũng đưa ra những yêu cầu bổ sung, lưu ý tỉnh cần tiếp thu đầy đủ ý kiến thẩm định từ các bộ, ngành liên quan trong suốt quá trình triển khai Đề án.

Trên cơ sở thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, đồng thời giao UBND tỉnh Nam Định chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin và số liệu, thực hiện đầy đủ các ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan trong quá trình quy hoạch, đầu tư, xây dựng và phát triển Khu kinh tế. Các bộ, ngành sẽ phối hợp, hướng dẫn tỉnh Nam Định thực hiện quyết định thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ, tạo cơ sở pháp lý và hành lang phát triển bền vững cho một trung tâm kinh tế biển mới của Việt Nam.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/de-xuat-thanh-lap-khu-kinh-te-ninh-co-dong-luc-tang-truong-moi-cho-nam-dinh-d228989.html

Tin liên quan