Cơn bĩ cực của một lão nông giỏi ở Nam Định
Ngót 30 năm lăn lộn với cá tôm, ông Mai Xuân Láng (xã Giao Phong, huyện Giao Thủy) dồn hết tiền của, tâm huyết làm dự án nuôi thủy sản ở quê hương. Nhưng rồi…
“Canh bạc lớn” của lão nông đất Giao Thủy
Năm 2014, lão nông Mai Xuân Láng (xã Giao Phong) “tìm đường” sang xã Giao Hà mua lại quyền sử dụng 5,2ha ao nuôi cá của vợ chồng anh Phạm Thế Vinh, thời hạn sử dụng 20 năm để tiếp tục canh tác, nuôi trồng thủy sản nước ngọt.
Trước đó, ông Láng có thời gian dài gắn bó với con trắm đen tại Nông trường Bạch Long (cũng ở huyện Giao Thủy). Đây là vựa cá trắm đen lớn nhất cả nước với quy mô 142ha ao nuôi, sản lượng mỗi năm trên 2.000 tấn. Có kinh nghiệm, đam mê với con cá, ông Láng dốc hết tâm sức, tiền bạc nhiều năm tích góp để “chơi cuộc chơi lớn”.
Ông Láng tính toán một ha ao nuôi, trừ hết chi phí nhân công, vật tư đầu vào, cá giống…, nếu thuận buồm xuôi gió, mỗi năm cho thu nhập 2 – 3 trăm triệu đồng. Với người nông dân, đó là một nguồn thu rất lớn. Có kinh nghiệm, hiểu được đồng đất quê mình, hiểu được đặc tính của con cá, ông Láng tự tin!
Để mở rộng quy mô, vợ chồng ông tiếp tục mua thêm quyền sử dụng của hộ ông Nguyễn Danh Sáng 7,5ha. Tháng 11/2024, các hộ dân xóm 11 xã Giao Hà trả lại đầm bãi không canh tác, để hoang hóa cho xã, ông Láng tiếp tục nhận thuê thêm 8ha, nâng tổng diện tích ao nuôi lên hơn 20ha.
Có tư liệu, ông Láng cải tạo ao hồ, quy hoạch thành 13 ao nuôi nối tiếp nhau, đường đi lối lại thẳng thớm; xây chuồng trại, kéo điện 3 pha sản xuất và hoàn thiện thủ tục pháp lý để chăn nuôi các giống loài hoang dã như chồn hương, ba ba…, trong đó thủy sản vẫn là vật nuôi chủ lực.
“Thời gian đầu cơ cực lắm. Cỏ dại mọc cao lút đầu, ao chuôm hoang hóa, bèo bản mọc kín ao… Gia đình tôi phải thuê nhân công để nhổ cỏ thủ công, vì cỏ hoang nếu không nhổ tận rễ thì không xử trí được. Thuê máy múc để gia cố lại ao đầm, nạo vét bùn lắng, thay nguồn nước… Tiền bạc đổ vào không biết bao nhiêu mà kể, còn sức người thì không đo đếm được”, bà Phạm Thị Cài, vợ ông Láng cho biết.
Khi đã thành hình, hệ thống ao nuôi thủy sản của ông Láng đi vào nề nếp, quy củ. Để có vốn sản xuất, vợ chồng ông thế chấp nhà cửa, bìa đỏ để vay vốn ngân hàng số tiền cả chục tỷ đồng. Năm 2019, ông thành lập Hợp tác xã Nông thủy sản Giao Hà với hơn 10 xã viên, mỗi người góp vốn 1 – 2 trăm triệu đồng.
Sang năm thứ 2, sản xuất đi vào nề nếp. Thủy sản nuôi trồng ra, mỗi năm cho thu hoạch cả tỷ đồng. “Cứ với đà tiến triển như thế, tôi tính toán chỉ 4 – 5 năm sẽ thu hồi được vốn đầu tư. Kinh nghiệm có, kỹ thuật có, đầu ra của sản phẩm có, cùng với thời hạn hợp đồng ao hồ cho thuê dài hạn vài chục năm, thế là yên tâm sản xuất rồi”, ông Láng cho biết.
Tháng 1/2015, UBND huyện Giao Thủy cấp Giấy chứng nhận cho mô hình kinh tế nuôi trồng thủy sản của ông Láng đạt tiêu chí trang trại. Giai đoạn 2016 – 2021 là giai đoạn ổn định, phát triển của mô hình kinh tế trang trại do ông Láng làm chủ. Ông là một trong những gương làm kinh tế giỏi, dám nghĩ dám làm, không để đất hoang ở xã Giao Hà.
Cũng trong năm 2015, hưởng ứng cuộc vận động xây dựng nông thôn mới của địa phương, người dân xóm 6 động viên ông Láng hỗ trợ vật liệu làm con đường bê-tông và đề nghị chính quyền xã cho lấp đoạn sông cụt làm nhà kho chứa nông sản. Vì việc chung và cũng để thuận lợi cho công việc sản xuất, ông Láng bỏ ra 300 triệu đồng để làm đường, lấp sông tạo thành mặt bằng rộng vài ngàn mét.
Thế nhưng, những dự định của vợ chồng ông Láng thành dang dở. Cuối năm 2022, Chủ tịch UBND xã Giao Hà ra thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê đất, buộc ông Láng ngừng các hoạt động sản xuất thu dọn toàn bộ hoa màu, thủy sản và tài sản trên đất để trả lại mặt bằng cho UBND xã Giao Hà.
Cơ ngơi hóa đồng hoang
Trang trại quy mô, bài bản của vợ chồng ông Mai Xuân Láng thuộc xóm 6 (cũ) nay là xóm Sơn Hồng, xã Giao Hà. Tuyến đường bao biển đi qua huyện Giao Thủy vừa hoàn thành đưa vào sử dụng đã làm đổi thay toàn bộ các xã thôn ven biển, thuận tiện cho việc giao thương.
Chiếu theo con đường mới mở, khu trang trại của ông Láng ở vị trí rất đẹp, gần với đường giao thông huyết mạch.
Theo con đường bê-tông dài vài trăm mét từ đường liên xã dẫn vào khu trang trại, ông Láng cho biết: “Con đường này tôi cũng bỏ tiền túi ra để làm, lấy đường cho xe ô tô vào tận nơi cân mua cá. Vì chủ trương làm ăn lâu dài từ đầu nên tôi không tiếc tiền đầu tư bài bản”.
Qua chiếc cổng sắt rộng giờ đã hoen rỉ, hình ảnh khu trang trại nuôi trồng thủy sản chỉ mới vài năm về trước còn là một cơ ngơi hoành tráng, ao hồ nọ nối tiếp ao hồ kia, mỗi ao có diện tích 5 – 7 ngàn mét giờ đây là bức tranh trái ngược: cỏ dại cao ngút đầu người; máy bơm, ống dẫn nước; cánh quạt sục khí… bỏ chỏng chơ trên bờ. Trong các vuông ao, bèo bản, cỏ dại, rau muống nước đóng thành bè… nhìn như ao tù.
“Xót xa lắm. Mỗi năm một ao nuôi cho thu hoạch cả tỷ đồng, thế mà bỏ hoang. Với người nông dân, để lãng phí tài nguyên, lãng phí tư liệu sản xuất như thế này không khác gì chặt chân, chặt tay chúng tôi”, ông Láng chua xót.
Vạch cỏ dại để tìm lối đi, ông Láng dẫn tôi mục sở thị khu chuồng trại được xây dựng 4 – 5 năm về trước: một khu nhà kho có lò sấy đinh lăng được đầu tư bài bản, giờ đã bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng; khu ao nuôi thả ba ba, nhân ba ba giống; khu chuồng nuôi thỏ, 3 – 4 khu chuồng nuôi lợn với quy mô vài trăm con… Tất cả đều bỏ hoang, xuống cấp.
“Tôi đi học hỏi các mô hình, học hỏi kinh nghiệm rồi mới xây dựng chuồng trại. Chuồng nôi lợn làm hai ngăn, có khu cao ráo, thoáng mát để lợn có chỗ ngủ, ngăn chứa nước cho lợn tắm mát; hệ thống lấy phân, xử lý để làm phân bón cho cây trồng. Xen giữa các khu bờ đầm, tôi quy hoạch để trồng cây theo mùa. Dọc bờ ao tôi trồng dừa, cây ăn quả để vừa giữ đất, vừa có thêm thu nhập”, ông Láng chia sẻ.
Phải hết hàng giờ để đi hết khu trang trại với 13 vuông ao nối tiếp nhau của lão nông Mai Xuân Láng. Giờ đây ao hồ bỏ hoang, bèo dại lấp kín, chim cò kéo về làm tổ. Chiều, những đàn cò trắng bay về tìm chỗ ngủ, trắng cả một góc ao…
Trong gian nhà cấp 4 thấp lũn cũn, dưới ánh điện sáng vàng vọt, bà Phạm Thị Cài đang rửa nửa bao tải dưa chuột vừa thu hoạch về. Ngưng tay, bà Cài chua xót: “Mấy năm trước, trong khu nào có cả chục công nhân thường xuyên ăn ở, sản xuất, điện đóm sáng trưng. Giờ xã đòi đất, yêu cầu dừng sản xuất, xã viên bỏ đi hết, ai cũng đòi lấy lại tiền đã đóng góp vào Hợp tác xã. Vợ chồng tôi phải ở lại trông nom tài sản, nhà kho”.
Rồi, vẫn cặm cụi rửa chỗ dưa vừa đưa về, bà Cài bảo: “Tôi trồng quanh trồng quéo mấy dây dưa, bán đi lấy tiền duy trì cuộc sống của hai vợ chồng già, rồi cóp nhặt đồng nào hay đồng ấy để trả lãi ngân hàng. Đã có những lúc, tôi nghĩ đến phát khóc mà không được, bảo với ông ấy, hay là tôi lên Hà Nội làm giúp việc, tháng mấy triệu gửi về cho ông ấy trả lãi ngân hàng chứ ở lại trông coi đống đổ nát như thế này thì cả hai vợ chồng cũng chết đói”.
Trời tối. Đám muỗi đói bắt đầu hoạt động. Ngồi trên chiếc ghế cũ của ông Láng, tôi bị muỗi đói chích xuyên qua cả lớp áo.
“Tôi quen rồi, cứ để nó hút no rồi nó chán, bỏ đi, chứ như bà nhà tôi thì không chịu được”, ông Láng nói câu chuyện thay cho lời chào khách, khi màn đêm bắt đầu trùm xuống khu ao nuôi rộng thẳng cánh cò bay giờ đã trở thành hoang hóa.
nguồn : https://nongnghiep.vn/con-bi-cuc-cua-mot-lao-nong-gioi-o-nam-dinh-d404530.html