Một làng cổ ở Nam Định đẹp mê luôn, lập làng từ thế kỷ XI, ba bề là sông, một bề là biển
Dịch Diệp Trang (làng Dịch Diệp) ở xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, là ngôi làng cổ có từ rất lâu đời. Ở làng cổ Dịch Diệp, dấu ấn thời gian hằn in ở các cổng nhà, những ngôi nhà cổ và chiếc cổng làng bên cây cầu đá cuốn cong bắc qua dòng sông thơ mộng.
Ở làng cổ Dịch Diệp, dấu ấn thời gian hằn in ở các cổng nhà, những ngôi nhà cổ và chiếc cổng làng bên cây cầu đá cuốn cong bắc qua dòng sông thơ mộng.
Dịch Diệp Trang (làng Dịch Diệp) ở xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, là ngôi làng cổ có từ rất lâu đời.
Làng Dịch Diệp được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XI dưới thời Vua Lý Thái Tổ với tên gọi là Dịch Diệp Trang.
Đây là vùng đất hạ lưu sông Hồng thuộc huyện Tây Chân của Trấn Sơn Nam, sau là Phủ Thiên Trường. Trải qua sự khắc nghiệt của thời gian, mảnh đất này vẫn được giữ nguyên tên và trở thành một làng cổ của xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
Người dân nơi đây vẫn tự hào, đến bây giờ, không còn một làng cổ nào có thể thuần Việt được hơn làng cổ Dịch Diệp.
Làng cổ mang đẹp miền quê Bắc Bộ
Làng được xây dựng theo phong cách chung của làng Việt cổ truyền thống với những nét đẹp cổ kính như: đền, chùa, giếng nước, con sông, cây đa, cây đề,… Làng Dịch Diệp có hình dáng như một con tàu mà mũi tàu chính là cổng Nam, còn đuôi thuyền là cổng Tây.
Ai đã một lần đến ngôi làng này, chắc hẳn khó lòng quên được. Những dấu ấn làng cổ với những cánh cổng, cây cầu, con đường và cả cây cối như ẩn chứa bên trong thông điệp của thời gian.
Xưa kia, từ đầu đến cuối làng đều có cổng làng, có cổng đi sang các làng bên. Trải qua thời gian dài làng cổ Dịch Diệp chỉ còn duy nhất một cổng làng phía nam đứng bên cạnh cây cầu cuốn cong bằng đá bắc qua dòng sông thơ mộng, được xây dựng từ năm 1864.
Men theo đường làng, khách sẽ được thả hồn giữa một làng quê thuần hậu. Những ngôi nhà cấp bốn bằng gỗ, bằng gạch xây mật mía, lợp ngói mũi ẩn hiện dưới những tán cây cổ thụ rợp bóng.
Có những ngôi nhà cổ thấp thoáng, tuy đã xiêu vẹo qua thời gian nhưng vẫn được người dân gìn giữ. Ven đường, những hàng rào không phải bằng vôi vữa xi măng mà bằng những hàng ô rô, cúc tần thẳng tăm tắp.
Ven đường làng là những chiếc ao chuôm – nét nổi bật của những làng quê miền Bắc xưa. Đàn vịt tha hồ ngụp lặn trong nước và rỉa lông dưới những tán mít lủng lẳng quả. Khung cảnh xóm làng tương đối vắng lặng, thỉnh thoảng vang lên tiếng vịt tiếng gà, tiếng nghé ọ của lũ trâu gọi đàn.
Làng cổ vẫn còn giữ được một số ngôi nhà và cổng cổ từ xưa. Ở Dịch Diệp, dấu ấn thời gian hằn in ở các cổng nhà.
Cổng làng cổ thường xây cuốn mái vòm parapol sâu từ 1-2m, có cổng sâu đến vài ba mét, mái cổng mềm mại, uốn lượn. Tùy theo vị trí, địa thế, điều kiện của mỗi nhà mà vòm cổng có quy mô, bề thế khác nhau, nhưng đều hài hòa, đảm bảo đi lại thuận tiện.
Có một đặc điểm chung ở Dịch Diệp là mái cổng lợp ngói, liên kết với vòm cổng là hai trụ cổng, xây thẳng đứng, đắp vẽ rất công phu.
Trên trụ thường đắp nổi đôi câu đối viết theo lối chữ Khải. Mặt cổng cũng được trang trí cầu kỳ, đắp nổi đại tự thể hiện phương châm xử thế hay cốt cách của chủ nhà.
Ngôi nhà của hai chị em bà Vũ Thị Cúc và Vũ Thị Quý là một trong ngôi nhà có tuổi đời lâu nhất trong làng. Bà Cúc cho biết: “Ngôi nhà cổ chúng tôi đang sinh sống có tuổi đời hơn 100 năm.
Nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, mái ngói cổ, có 3 gian, cửa quay cùng sân vườn. Các họa tiết trang trí ở các kèo, cột và sập gụ, bàn ghế của căn nhà gần như nguyên vẹn…”.
Theo các cụ cao niên trong làng, dân làng Dịch Diệp thuở ban đầu làm nghề canh nông, sau này mở thêm nghề dệt, lúc này nghề dệt cửi bắt đầu hình thành.
Năm 1947 dân làng đã may áo trấn thủ gửi tặng bộ đội và may tấm áo lụa gửi tặng Bác Hồ và được Người gửi thư khen. Trải qua thời gian, nghề dệt truyền thống được người dân trong làng truyền từ đời này sang đời khác và đang tiếp tục phát triển trên vùng đất Dịch Diệp đến ngày nay…
Đình làng còn giữ bức hoành phi mang 4 chữ “Thiện, Tục, Khả, Phong” do Vua Tự Đức ban tặng riêng cho làng với mong muốn làng tiếp tục phát huy các phong tục tốt đẹp, gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ con cháu đời sau.
Cách ngôi đình cổ không xa là chùa làng có tên là “Cổ Liêu Linh Tự” xây dựng từ xa xưa, không rõ niên hiệu, chỉ biết chuông chùa được đúc vào năm Gia Long thứ 6 (tức năm 1818). Chùa đã được người dân liên tục trùng tu trong nhiều năm qua.
Hệ thống di tích cổ làng Dịch Diệp còn ngôi đền thờ tam vị thành hoàng là Chương Tấu đại vương, Lậu Khê đại vương và Phạm Vũ đại pháp thiền sư.
Đây là 3 vị tướng có công lao to lớn trong cuộc chống ngoại xâm phạt Tống, bình Xiêm và giúp địa phương mở rộng ruộng đất, khuyên răn dạy chữ, dùng nhân nghĩa kết hợp nhân tâm tạo thành phong tục tốt ở nơi đây.
“Bồ Đề đại lão” gần nghìn năm tuổi
Ngoài hệ thống kiến trúc vật thể như bến nước-sân đình, làng Dịch Diệp may mắn còn giữ được cây bồ đề cổ thụ khoảng 800 năm tuổi.
Người làng gọi đó là “Bồ Đề đại lão” để phân biệt với “Đại lão mộc tinh” ở làng bên cạnh. Bồ đề cổ thụ với những chiếc rễ to khoảng 40cm mọc ra từ thân cây tựa như những chiếc xúc tu của một con bạch tuộc khổng lồ.
Mỗi cành mỗi nhánh liên kết với nhau và những chiếc rễ xoắn kết vào nhau đâm thẳng xuống đất tạo cho “Bồ Đề đại lão” đứng vững hơn trước phong ba bão táp.
Các bậc cao niên trong làng đều cho rằng, cây bồ đề cổ thụ còn là biểu tượng của sự trường thọ, khỏe mạnh và tính cách kiên định, nhẫn nại và đầy lặng lẽ của người làng Dịch Diệp.
Bởi vậy, với người dân nơi đây, cây bồ đề này giống như một vị “đại lão tiên nhân,” người dân chỉ có thể kính chứ không thể phụ.
Theo ước lượng, thân cây đồ đề to khoảng 5 người ôm mới xuể. Người làng đều cho rằng, thời kỳ chiến tranh cây bồ đề này chính là nơi trú ẩn của dân làng. Mặc dù nhiều lần bị trúng bom, nhưng cây cổ thụ vẫn không hề hấn gì và xanh tốt cho đến ngày nay.
Cây cổ thụ gần 1.000 năm tuổi-cây Bồ đề đã được chính quyền và nhân dân địa phương long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhân Cây Di sản Việt Nam vào ngày 17/4/2023.
Trải qua thời gian với những thăng trầm lịch sử, ngôi làng cổ hôm nay đang dần đổi thay, phát triển không ngừng nhưng vẫn không mất đi vẻ đẹp cổ kính, thơ mộng.
Những giá trị văn hoá truyền thống của quê hương với những “tên đất, tên làng” đã đi vào sử sách vẫn đang được các nghệ nhân, các bậc cao niên lưu giữ, bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ con cháu.
Một số hình ảnh về làng cổ Dịch Diệp, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định-một làng cổ thuần Việt tồn tại hơn 1.000 năm.
Làng được xây dựng theo phong cách chung của làng Việt cổ truyền thống với những nét đẹp cổ kính như: đền, chùa, giếng nước, con sông, cây đa…
Ngôi nhà của hai chị em bà Vũ Thị Cúc và Vũ Thị Quý là một trong ngôi nhà có tuổi đời lâu nhất trong làng. Bà Cúc cho biết: ‘Ngôi nhà cổ chúng tôi đang sinh sống có tuổi đời hơn 100 năm. Nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, mái ngói cổ, có 3 gian, cửa quay cùng sân vườn. Các họa tiết trang trí ở các kèo, cột và sập gụ, bàn ghế của căn nhà gần như nguyên vẹn.’
Theo các cụ cao niên trong làng, dân làng Dịch Diệp Trang thuở ban đầu làm nghề canh nông, sau này mở thêm nghề dệt, lúc này nghề dệt cửi bắt đầu hình thành. Năm 1947, dân làng đã may áo trấn thủ gửi tặng bộ đội và may tấm áo lụa gửi tặng Bác Hồ và được Người gửi thư khen. Trải qua thời gian, nghề dệt truyền thống được người dân trong làng truyền từ đời này sang đời khác và đang tiếp tục phát triển đến ngày nay…
Trải qua thời gian với những thăng trầm lịch sử, ngôi làng cổ hôm nay đang dần đổi thay, phát triển không ngừng nhưng vẫn không mất đi vẻ đẹp cổ kính, thơ mộng. Những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương với những tên đất, tên làng đã đi vào sử sách vẫn đang được các nghệ nhân, các bậc cao niên lưu giữ, bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ con cháu.
nguồn ; https://danviet.vn/mot-lang-co-dep-nhu-phim-o-nam-dinh-lap-lang-tu-the-ky-xi-net-thuan-viet-nhat-vung-bac-bo-20240208134658524.htm