Nuôi con đặc sản, trồng “rau đặc sản”, nông dân Nam Định hễ bán là hết veo

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Nam Định đã mạnh dạn đầu tư các mô hình mới cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi ếch (con đặc sản bình dân), trồng nấm ngon ví như rau đặc sản…

Có vốn đầu tư nuôi thủy sản, trồng nấm

Ông Vũ Văn Minh (xã Trực Mỹ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) là một trong những hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND.

Ông Minh cho biết: Cách đây vài năm, gia đình ông nhận đấu thầu 4.000m2 đất ruộng trũng ven đê của xã, cải tạo thành khu nuôi trồng thủy sản từ năm 2008. Hiện nay, gia đình ông chăn nuôi chủ yếu là cá chạch và ếch.

Trung bình mỗi năm, gia đình ông thả 2 vụ giống, mỗi vụ 50.000 con cá chạch và 14.000 con ếch; mỗi vụ, gia đình ông thu hoạch khoảng 4 tấn cá chạch và gần 3 tấn ếch, sau khi trừ chi phí, bình quân thu lãi 300 triệu đồng/năm.

“Đầu tư chăn nuôi thủy sản cần khá nhiều vốn trong khi đó tỷ lệ rủi ro khá cao. Chỉ cần một vụ nuôi bị ảnh hưởng do thiên tai bão lũ là người nông dân nuôi thủy sản có nguy cơ mất trắng tài sản bao năm tích cóp” – ông Minh chia sẻ.

Chia sẻ với những khó khăn của người nông dân, năm 2023, ông Minh được Hội ND tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng.

Ông Minh chia sẻ, từ nguồn vốn vay do Hội ND hỗ trợ, gia đình ông đã đầu tư thêm thức ăn chăn nuôi, mở rộng diện tích ao nuôi ếch phục vụ thị trường

Anh Nguyễn Văn Thành – Giám đốc HTX Dịch vụ Linh Phát ở thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu, Nam Định giới thiệu mô hình trồng nấm-một loại “Rau đặc sản” của HTX. Thu Hà

HTX dịch vụ Linh Phát do anh Nguyễn Văn Thành làm Giám đốc ở thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu cũng là điểm sáng mô hình kinh tế tập thể ở Nam Định.

Anh Thành cho biết: HTX có ngành nghề sản xuất chính là nuôi trồng, sản xuất các loại nấm, trong đó sản phẩm chủ lực là: Nấm linh chi, nấm bào ngư, mộc nhĩ, nấm đông trùng hạ thảo và một số sản phẩm chế biến từ nấm.

Đến nay, HTX Linh Phát đã có 3 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP gồm: Rượu linh chi, nấm linh chi, nấm bào ngư Linh Phát.

Năm 2024 này, HTX đăng ký tham gia thêm 3 sản phẩm tham gia OCOP gồm: Đông trùng hạ thảo sấy khô kiểu thăng hoa, rượu đông trùng hạ thảo và trà nấm linh chi hòa tan.

Mỗi năm HTX đã xuất bán ra thị trường khoảng 6 tấn nấm linh chi thương phẩm (đã sấy khô), 80 tấn nấm bào ngư, 15 tấn mộc nhĩ, 12 tấn nấm mỡ và khoảng 700 lít rượu nấm linh chi, rượu đông trùng hạ thảo…

Tổng doanh thu của HTX đạt 6,8 tỷ đồng, sau khi trừ tất cả các chi phí, HTX thu lãi hơn 1,3 tỷ đồng/năm. HTX đang tạo việc làm cho tổng số 30 lao động địa phương, thu nhập bình quân từ 5 – 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Theo anh Thành, HTX có được những kết quả tích cực như ngày hôm nay có sự đồng hành rất lớn của các cấp Hội ND đã tạo điều kiện cho HTX vay vốn Quỹ HTND, Ngân hàng NNPTNT, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.

“Năm 2025 tới, HTX dự định sẽ xây dựng thêm các phòng trồng nấm công nghệ cao, kết hợp sử dụng năng lượng mặt trời và hệ thống điều khiển tự động IoT để trồng thêm một số loại nấm có giá trị kinh tế cao như nấm đùi gà, nấm đầu khỉ.

Việc áp dụng công nghệ cao bước đầu sẽ tốn thêm nhiều chi phí. Chính vì vậy, HTX Linh Phát rất mong muốn được Hội ND tiếp tục hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất” – anh Thành bày tỏ.

Đầu tư mạnh vốn vay cho các HTX, tổ hợp tác

Theo báo cáo Hội ND tỉnh Nam Định, những năm qua nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh Nam Định đã có sự tăng trưởng cả về quy mô tổ chức, số lượng, chất lượng và số hộ vay vốn.

Đến nay, 9/9 huyện, thành phố đã có Quỹ HTND, 209/209 cơ sở Hội trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có Ban vận động Quỹ HTND.

Tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp Hội ND tỉnh Nam Định đang quản lý là 38 tỷ 49,79 triệu đồng cho vay 315 dự án với tổng số 1.525 hộ vay (Trong đó: nguồn Trung ương Hội ủy thác 15,9 tỷ đồng; nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh 4,6 tỷ đồng; nguồn Quỹ HTND huyện trên 8 tỷ 989 triệu đồng; nguồn vốn do HND xã vận động 8 tỷ 560 triệu đồng).

Để nguồn vốn Quỹ HTND mang lại hiệu quả, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Nam Định chỉ đạo Hội ND các huyện, thành phố xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp đảm bảo đủ điều kiện được vay vốn Quỹ HTND xây dựng các mô hình phát triển kinh tế.

Các dự án cho vay ưu tiên tập trung vào các tổ hợp tác, HTX, chi tổ hội nghề nghiệp đã góp phần đẩy mạnh liên kết, hợp tác.

Đến nay, các cấp Hội đã cho 178 tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp và 6 HTX được vay vốn Quỹ HTND.

Các mô hình kinh tế được Quỹ HTND hỗ trợ phát triển đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, cải thiện đời sống hội viên nông dân, góp phần tích cực phát triển kinh tế tập thể ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, Hội ND các cấp trong tỉnh đã hướng dẫn và trực tiếp thành lập 213 mô hình tổ hợp tác, HTX với trên 2.700 thành viên; 35 chi hội nông dân nghề nghiệp với 630 thành viên, 119 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 1.728 thành viên.

Ông Nguyễn Hùng Mạnh – Chủ tịch Hội ND tỉnh Nam Định cho biết: Thời gian tới, các cấp Hội ND trong tỉnh Nam Định tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh phát triển nguồn vốn của Quỹ HTND.

Hội ND tỉnh Nam Định phấn đấu nguồn vốn Quỹ HTND tăng trưởng 10%/năm, trong đó có bổ sung từ nguồn ngân sách địa phương. Sử dụng đúng mục đích, bảo toàn và phát triển nguồn vốn; chú trọng ưu tiên nguồn quỹ để xây dựng các dự án, các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương.

nguồn ; //danviet.vn/nuoi-con-dac-san-trong-rau-dac-san-nong-dan-nam-dinh-he-ban-la-het-veo-20241128174050316.htm

Tin liên quan