Nông thôn Nam Định chuyển mình

Những năm qua, các địa phương tại tỉnh Nam Định đã linh hoạt, sáng tạo, huy động cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, khơi dậy sức dân trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, góp phần làm cho vùng nông thôn Nam Định chuyển mình từng ngày với cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, đời sống, thu nhập của nhân dân ngày càng nâng cao…

Huyện nông thôn mới Hải Hậu

Nghị quyết mở đường

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, năm 2019, tỉnh Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Với thành tích đó, Nam Định vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đạt được, Chương trình xây dựng nông thôn mới còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp chưa mạnh; chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản chưa cao; kinh tế nông nghiệp chưa phát triển bền vững; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn được đầu tư, nâng cấp, song chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác bảo vệ môi trường tại một số nơi chưa thực sự bền vững…

Trước thực tế đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đã ban hành Nghị quyết số 06 về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 với phương châm: Xây dựng nông thôn mới tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với sự tham gia tích cực của người dân. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu phải gắn với quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn; đảm bảo kết nối nông thôn – đô thị; phát triển hài hòa kinh tế – xã hội và môi trường; khơi dậy và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương Nam Định. Đồng thời phát huy nền tảng, sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của người dân theo tinh thần “Dân cần – dân biết – dân bàn – dân làm – dân giám sát – dân hưởng thụ”, “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.

Xã Giao Phong, huyện Giao Thủy là xã đầu tiên đạt nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Nam Định.

Nam Định phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và huyện Hải Hậu được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Hình thành diện mạo mới

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đánh giá, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, diện mạo nông thôn của tỉnh khởi sắc rõ nét với số lượng các địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tăng cao. Nhiều mục tiêu quan trọng về xây dựng nông thôn mới được hoàn thành vượt kết hoạch. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội ở nông thôn được tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch, kết nối với kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của tỉnh và khu vực. Nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn, điều kiện sống và làm việc của người dân được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 68 triệu đồng/người/năm (năm 2021).

Các lĩnh vực giao thông, điện, nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân được đáp ứng đầy đủ. Hệ thống thông tin, truyền thông phát triển nhanh và đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn tiếp cận tri thức mới, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều địa phương trong tỉnh thực sự trở thành miền quê đáng sống, được nhiều địa phương trong cả nước tới tham quan, học tập. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao… tiếp tục phát triển. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát huy. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển rộng khắp. Ý thức cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, các hoạt động nhân ái, từ thiện tiếp tục được khơi dậy và lan tỏa. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân ngày càng được quan tâm.

Người dân xóm nông thôn mới thông minh Lâm Phú, xã Giao Phong, huyện Giao Thủy tập thể thao và tra cứu thông tin tại nhà văn hóa xóm.

Những thành tựu đạt được trong xây dựng nông thôn mới ở Nam Định nhận được sự hài lòng cao của người dân. Kết quả giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nam Định cho thấy, người dân được hỏi đều rất hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Người dân vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là nguồn lực sáng tạo trong xây dựng, tổ chức đời sống và thụ hưởng các thành quả xây dựng nông thôn mới…

Hiện toàn tỉnh đã có 182/204 xã, thị trấn (chiếm 89,2%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trong đó, năm 2022, đã có 76 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Xã Giao Phong (huyện Giao Thủy) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh. Toàn tỉnh có thêm 60 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên, đưa sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên toàn tỉnh lên 251 sản phẩm.

nguoofn ; https://baotintuc.vn/dia-phuong/nong-thon-nam-dinh-chuyen-minh-20221226105148471.htm

Tin liên quan